Để đáp ứng yêu cầu thực tế, bài thi được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Theo chuẩn từ cấu trúc, nội dung đến mức độ khó dễ, cùng số lượng câu hỏi, bố cục, thời gian sao cho phù hợp nhất với thí sinh. Lời khuyên của các chuyên gia với thí sinh tham gia kỳ thi này là nắm thật chắc kiến thức, bình tĩnh tự tin làm bài sẽ đạt kết quả tốt.
Đánh giá toàn diện người học
Những năm gần đây, trong lộ trình đổi mới thi, kiểm tra đánh giá năng lực (ĐGNL) của thí sinh, ĐHQGHN đã tổ chức kỳ thi ĐGNL để xét tuyển sinh vào các đơn vị trực thuộc. Chỉ tính riêng năm 2021, kỳ thi ĐGNL được đón nhận với số lượng đáng kể thí sinh dự thi trong điều kiện giãn cách xã hội. Phổ điểm thi ĐGNL năm 2021 có độ phân hóa cao, đặc biệt thích hợp cho công tác xét tuyển vào các chương trình đào tạo đại học đòi hỏi đầu vào cao.
Đa dạng hoá các nguồn tuyển, đánh giá năng lực người học một cách toàn diện là xu thế chung trong bối cảnh các nhà trường tăng cường tự chủ tuyển sinh. Bài thi ĐGNL đã thể hiện tính ưu việt đáp ứng tốt các yêu cầu chất lượng đặt ra nên được nhiều trường lựa chọn.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó ban Đào tạo ĐHQGHN cho rằng: Xu hướng các trường đại học trong thời gian tới sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để tuyển được thí sinh chất lượng là điều có thể dự báo trước. Đến nay có gần 50 trường thông tin sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN, dự báo số lượng thí sinh sẽ tăng mạnh (so với 10 nghìn thí sinh năm 2021). Đây là niềm vui nhưng cũng là thách thức đối với ĐHQGHN trong việc thực hiện trách nhiệm với xã hội khi tổ chức kỳ thi này.
Khẳng định đặt niềm tin vào kỳ thi này, PGS.TS Nguyễn Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Qua khảo sát cho thấy trong tốp những sinh viên xuất sắc nhất của trường luôn có mặt các thí sinh trúng tuyển từ kết quả kỳ thi ĐGNL. Là trường tốp đầu tuyển sinh các ngành học kinh tế, tôi đánh giá cao kỳ thi này.
Nội dung bài thi ĐGNL được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình GD phổ thông, đảm báo đánh giá chính xác năng lực người học. Thêm nữa, cấu trúc, nội dung, mức độ khó dễ, số lượng câu hỏi, bố cục, thời gian… đảm bảo phân loại thí sinh để các trường thuận lợi xét tuyển sinh”.
Chia sẻ kết quả
Nhận xét về kỳ thi này, PGS.TS Lê Văn Thanh - nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở (nay là Trường ĐH Mở) cho rằng: Sau 4 năm tạm dừng, năm 2021 kỳ thi được tổ chức lại thể hiện tính ưu việt. Với cấu trúc gồm 150 câu chia làm ba phần, gồm tư duy định lượng (50 câu hỏi trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút) là phù hợp để đánh giá năng lực toàn diện người học.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án, tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150... Như vậy bảo đảm yếu tố kỹ thuật đầy đủ của một kỳ thi lấy kết quả đánh giá năng lực người học chính xác, khách quan nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã liên hệ với các trường đại học phía Nam để đặt địa điểm và tổ chức các đợt thi tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 5 và tháng 7 - 8/2022 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã và đang phối hợp với Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo – ĐHQG TP Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng bộ công cụ chuyển đổi thang điểm giữa hai bài thi ĐGNL của 2 đơn vị trong thời gian tới.
Kỳ thi ĐGNL năm 2022 sẽ được ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới được thử nghiệm trên thí sinh đã dự thi vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã hoàn thành kế hoạch tổ chức thi trên diện rộng tại nhiều điểm thi trên cả nước. Việc tổ chức thi năm nay có sự kết hợp với một số trường đại học tại nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Bài thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2022 được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình THPT gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo khẳng định: Bài thi sẽ có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo 3 nhóm năng lực của chuẩn đầu ra của chương trình GDPT. Bài thi hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn; sẵn sàng phục vụ công tác tuyển sinh đại học và xét tuyển nhiều đợt.