Cảnh báo kẻ xấu lợi dụng kỳ thi Đánh giá năng lực để lừa tiền thí sinh

GD&TĐ - Hiện có một số đối tượng xấu lợi dụng, lừa thí sinh nộp tiền môi giới để sửa thông tin lỗi tại tài khoản đăng ký dự thi. Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội khẳng định đây là hành vi lừa đảo, không tổ chức việc này.

Cảnh báo kẻ xấu lợi dụng kỳ thi Đánh giá năng lực để lừa tiền thí sinh

Theo thông báo mới được đưa ra, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định không tổ chức ôn luyện thi Đánh giá năng lực dưới mọi hình thức. Thông báo nhóm ôn luyện thi Đánh giá năng lực trên mạng xã hội hoàn toàn là lừa đảo. Trung tâm không thu tiền hay nhờ bất cứ ai can thiệp vào hệ thống khaothi.vnu.edu.vn để sửa thông tin lỗi đăng ký của thí sinh. Thí sinh tuyệt đối không liên hệ trợ giúp với các đối tượng khác về kỳ thi Đánh giá năng lực.

Thí sinh có thể sửa lỗi đăng ký sau khi mọi hoạt động của cổng đăng ký ổn định hoặc sửa thông tin sai khi đến phòng thi, tuyệt đối không nhờ qua đối tượng trung gian lừa đảo làm việc này. Thí sinh có thể mở tài khoản tại khaothi.vnu.edu.vn bất kỳ thời gian nào, không nhất thiết phải làm ngay trong ngày 10/1 hay ngày 11/1. Thí sinh có thể lập tài khoản từ ngày 10/1 đến ngày thi đầu tiên (dự kiến cuối tháng 2/2022).

Trường hợp gặp khó khăn trong liên hệ với trung tâm khảo thí để được hỗ trợ qua messenger, email, điện thoại, tuyệt đối không nhờ các nhóm luyện thi giả danh. Trung tâm Khảo thí đã thông báo cho công an về việc giả danh lừa đảo trên.

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều đợt thi Đánh giá năng lực, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8/2022. Ngoài việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh cho các trường thành viên, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức hoặc cung cấp kết quả thi này cho các trường khác tuyển sinh. Đến nay, gần 50 đại học đăng ký sử dụng kết quả từ kỳ thi để tuyển sinh năm 2022.

Bài thi đánh giá năng lực có 150 câu hỏi thi, gồm phần tư duy định lượng (Toán), tư duy định tính (Văn học - Ngôn ngữ), khoa học (Tự nhiên - Xã hội). Thí sinh làm bài trên máy tính, lần lượt từ phần 1 đến phần 3. Mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm được trộn ngẫu nhiên, thí sinh không biết là câu nào.

Thí sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính… kết nối Internet để lập tài khoản đăng ký dự thi. Tài khoản tồn tại 24 tháng kể từ thời điểm đăng ký. Thông tin đăng ký gồm căn cước công dân/chứng minh nhân dân, địa chỉ thư điện tử (email), số điện thoại liên hệ, kết quả học tập bậc THPT năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12, lệ phí đăng ký dự thi.

Thí sinh chọn ngày thi phù hợp lịch trình của mình, có thể thi nhiều đợt. Thí sinh sẽ được đăng ký dự thi 2 lần liên tiếp cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.