Thông qua những đồ chơi đầy màu sắc, cô giáo mầm non dạy trẻ nhớ mặt chữ, đếm số, đồng thời giáo dục các em biết bảo vệ thiên nhiên.
Chơi mà học
Nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non là “học mà chơi, chơi qua học”, cô Đặng Thị Mai Thạnh, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Đắk Năng, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tận dụng vật liệu tái chế để sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi màu sắc. Từ đồ dùng, đồ chơi này, cô Mai Thạnh đã giáo dục học sinh kỹ năng làm toán, âm nhạc, nhận biết chữ cái và hình thành kỹ năng sống cơ bản cho trẻ.
Với “Chiếc hộp cùng bé khám phá”, cô Mai Thạnh đã tích hợp nhiều trò chơi quanh 4 mặt hộp. Theo đó, tại mỗi mặt của chiếc hộp được cô tạo thêm các cánh cửa nhỏ, trên cánh cửa gắn chốt nhằm giáo dục các em phải biết đóng cửa khi ra ngoài, hoặc khi người lớn vắng nhà. Mặt còn lại của chiếc hộp được gắn công tắc điện, khóa kéo, khóa mũ bảo hiểm, khóa dây giày… nhằm giới thiệu và giáo dục học sinh phải biết tự chăm sóc bản thân, tuân thủ luật lệ giao thông…
“Ngoài Chiếc hộp cùng bé khám phá, tôi còn tận dụng vật liệu tái chế, gần gũi với thiên nhiên để làm bảng lắp ráp, chiếc nón diệu kỳ và cồng chiêng Tây Nguyên… Thông qua những món đồ dùng, đồ chơi màu sắc này hy vọng các em sẽ thích thú, cuốn hút khi học tập, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo cho trẻ. Đồng thời, tôi muốn giáo dục học sinh phải biết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua bộ cồng chiêng tự làm”, cô Mai Thạnh chia sẻ.
Trong những bộ đồ dùng, đồ chơi này, cô Mai Thạnh tâm đắc nhất là mô hình “Chiếc hộp bí ẩn”. Từ vật liệu tái chế tạo thành một khối vuông, sau đó, cô dùng xốp nỉ tạo hình và khoét miệng cho các con vật. Để thu hút trẻ, cô Mai Thạnh tạo hình đồ ăn cho con vật như: Quả chuối, khúc xương, con cá, củ cà rốt… Khi tham gia trò chơi, học sinh sẽ biết được thức ăn thường ngày của các loài động vật sống quanh ta.
Tương tự, cô Đặng Thị Thiên Nga, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (xã Ia Chim, TP Kon Tum) sáng tạo những trò chơi thú vị với mong muốn giúp trẻ phát triển được tư duy, góc sáng tạo. Vật liệu để làm ra đồ dùng, trò chơi của cô Nga chủ yếu từ đồ phế thải như: Chai, lõi giấy, hủ sữa chua… nên rất thân thiện với môi trường.
Với mô hình “Vui cùng cây xanh”, cô Thiên Nga mong muốn trẻ có thể dễ dàng học toán bằng cách đếm trái cây. Bên cạnh đó, thông qua trò chơi, cô Nga hướng dẫn để trẻ ghi nhớ mặt chữ cái.
“Trẻ mầm non rất hiếu động, tinh nghịch và khó nhớ mặt chữ. Do đó, tôi sáng tạo ra những mô hình nhiều màu sắc để thông qua trò chơi các em có thể học chữ và đếm số, như: Vui cùng cây xanh, chú sâu, đoán hình…, biết cách chăm sóc cây xanh và gìn giữ môi trường sống của mình”, cô Thiên Nga chia sẻ.
Phù hợp tâm lý, lứa tuổi
Ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), cho biết: Với mong muốn tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố, đơn vị đã tổ chức Hội thi “Làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cấp học mầm non”.
Hội thi nhằm tăng cường, bổ sung đồ dùng, đồ chơi tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, khả năng sáng tạo trong phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi dạy học. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với cha mẹ qua việc làm và hướng dẫn trẻ sử dụng đồ dùng, đồ chơi trong hoạt động học tập, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Thông qua hội thi, phòng sẽ tuyển chọn những bộ đồ dùng, đồ chơi tự làm có chất lượng để nhân rộng và đưa vào sử dụng góp phần làm phong phú nguồn đồ dùng, đồ chơi dạy học tự làm của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố.
Cô Trần Thị Tình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Đắk Năng, TP Kon Tum), cho hay: Toàn trường có 200 học sinh, trong đó hơn 70% là người dân tộc thiểu số. Mặc dù, được đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học nhưng để phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi của trẻ, giáo viên luôn sáng tạo, tự làm thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi.
“Khoảng 40% đồ dùng, đồ chơi của trường do giáo viên tự làm. Những bộ đồ dùng tự làm từ vật liệu tái chế giúp các em vừa học, vừa chơi, nâng cao chất lượng dạy và học”, cô Tình chia sẻ.