“Miền quê” của Nguyễn Khoa Điềm (Kết nối tri thức và cuộc sống - Ngữ văn 9) là một tác phẩm biểu lộ tình cảm sâu đậm và kỷ niệm đối với những vùng đất quê hương bình dị, mộc mạc ân tình, nơi mà tác giả đã trải qua những năm tháng tuổi thơ và hòa mình vào với không gian ấy một cách sâu sắc.
Thơ ca phải là sự giàu có của tâm hồn, bản lĩnh cá nhân như Nguyễn Khoa Điềm đã từng bày tỏ những suy nghĩ về thơ: “Một cách nhìn cuộc sống đúng hướng và tin yêu lạc quan, một tâm hồn giàu cảm xúc để đồng cảm, một trí tưởng tượng phong phú luôn luôn mới mẻ sáng tạo là những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với một tâm hồn thơ. Khi những năng lực tinh thần ấy lại gắn bó với một cuộc đời thực có nhiều mối liên hệ xã hội phong phú luôn được bồi đắp từ cuộc sống xung quanh, đấy là điều kiện để xuất hiện một tài năng thơ”.
Cũng chính từ những suy ngẫm chân thành và sâu sắc ấy nên có lẽ trong suốt cuộc đời cầm bút sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm đã bám sát vào hơi thở đời sống với hai giai đoạn chính: Thơ viết trong chiến tranh và trong hòa bình. Nhiều tác phẩm của ông đã đánh dấu những mốc lớn trong chặng đường sáng tác như: Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, Cõi lặng…
Hoàn cảnh xã hội thay đổi với sự vận động từ chiều cao, chiều rộng hướng ngoại sang chiều sâu của hướng nội, nhưng bản chất thơ trữ tình Nguyễn Khoa Điềm không thay đổi, làm nên tính thống nhất, toàn vẹn của phong cách nhà thơ.
Dù ra đời trong hoàn cảnh nào, thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn hiện lên một trí tuệ sắc sảo, giàu tri thức sách vở và cuộc đời; với một tâm hồn giàu cảm xúc, nhạy cảm, một tấm lòng thuỷ chung với lý tưởng mà mình đã chọn và luôn tự đặt cho mình trách nhiệm trước cuộc đời mà bài thơ Miền quê (Thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn, NXB Văn học, Hà Nội) là một tác phẩm như thế.
Nếu trong thời kì chiến tranh, sống trực tiếp giữa lòng cuộc chiến, thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cảm động những xúc cảm và ý thức về dân tộc, thời đại trong tâm hồn những con người yêu nước. Thời đại chống Mỹ đi vào thơ Nguyễn Khoa Điềm không phải bằng sự miêu tả trực tiếp mà khúc xạ qua nhận thức và trải nghiệm máu thịt của riêng nhà thơ nên đã được nâng lên tầm cao và chiều sâu riêng để khẳng định chân lí vĩnh hằng của dân tộc: Lòng yêu nước, căm thù giặc và ý chí chiến đấu bất khuất...
Bước vào cuộc sống hoà bình, tiếng thơ Nguyễn Khoa Điềm trở nên thâm trầm và lặng lẽ tìm về những cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn. Thơ ông không sôi nổi như trước mà lắng đọng, hàm súc hơn. Đằng sau những câu chữ ít ỏi, người đọc vẫn cảm nhận ra một cái tôi ân tình sau trước, trân trọng cuộc sống ngày hôm nay vì biết ơn ngày hôm qua máu đổ.
Thấm thía giá trị của hoà bình, nhà thơ tự đặt cho mình trách nhiệm với cuộc sống còn ngổn ngang trong xây dựng và đổi mới. Ở đây còn xuất hiện một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm luôn rộng mở, giao hòa cùng thiên nhiên đất trời quê hương; một cái tôi dồn nén tâm trạng lo âu nhưng vẫn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống dù im tiếng súng nhưng chưa bình yên; một cái tôi luôn chiêm nghiệm và khám phá thế giới nội tâm của mình.
* * *
Đọc Miền quê của Nguyễn Khoa Điềm, có lẽ trong tâm hồn mỗi con người, đặc biệt là tâm hồn thi nhân ai cũng có một miền yêu thương sâu lắng, nơi mỗi người đã sinh ra, nơi hằn sâu kỷ niệm. Miền đất ấy đã khúc xạ vào tâm hồn mỗi người bằng theo một cách riêng. Bài thơ gồm 4 khổ, được triển khai theo mạch cảm xúc rất tự nhiên với những hình ảnh tươi đẹp và sâu lắng về cuộc sống nơi quê hương thôn dã.
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu về nơi mà tác giả yêu quý và nhớ nhung, từ đó đưa người đọc vào không gian miền quê, để cảm nhận và hiểu được tình yêu và kỷ niệm của mình. Sau phần giới thiệu không gian, thời gian nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ ra bức tranh đối sánh về miền quê trong ký ức và miền quê trong hiện tại. Trong phần miền quê trong ký ức, tác giả nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ ở miền quê.
Hình ảnh về cánh đồng xanh mướt, sông nước êm đềm, cây cỏ xanh tươi được sử dụng để tái hiện lại những kỷ niệm tươi đẹp và thanh bình. Đồng thời, hình ảnh về đồng bào nông dân, người lao động chăm chỉ và gắn bó với miền quê cũng được nhấn mạnh, thể hiện sự gắn kết và tình yêu thương trong cộng đồng.
Với giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, Nguyễn Khoa Điềm đã giới thiệu về miền quê, nơi mà tác giả yêu quý và nhớ mãi. Trước mắt ta là một không gian yên tĩnh và tươi mát. Ông muốn đưa người đọc vào trải nghiệm không gian miền quê, để họ cảm nhận và hiểu được tình yêu và kỷ niệm mà ông dành cho nơi này.
Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều,
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu
Buổi chiều giữa một miền quê thanh bình, lặng lẽ êm đềm trôi trong tâm trí mọi người. Một bức tranh buổi chiều được gợi tả chỉ qua vài ba hình ảnh. Một mảnh trăng treo lơ lửng trên bầu trời đồng quê, tạo ra một bầu không khí lặng lẽ và yên bình. Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm như một trò chơi trốn tìm thú vị, Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa trọn vẹn những hình ảnh thân thương đó bằng một niềm xúc cảm dâng trào. Bằng những cảm nhận tinh tế của mình ông đã vẽ nên bức tranh thủy mạc đơn sơ, thân thuộc mà vô cùng đẹp đẽ, ấm nồng sự sống.
Mảnh trăng non đẹp mê hồn huyền ảo, lung linh đan xen với những sợi nắng vàng chao nghiêng trong gió khi hoàng hôn buông. Những tìm tòi và sử dụng những ngôn từ đắt giá như: Mảnh trăng, âm thanh tiếng ếch vùi trong những nếp cỏ. Đó còn là những giếng lúa mềm mại, xanh mướt như bờ vai thân yêu hiện ra, làm ấm lòng và làm lay động trái tim trong buổi chiều quê thanh tĩnh. Đặc biệt, chữ “vùi” gợi lên hình ảnh sống động, thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong cách diễn đạt tiếng ếch, nhất là trong ánh sáng chạng vạng của buổi chiều.
Nhà thơ đã phác họa không gian miền quê bằng những hình ảnh đặc trưng của mùa Xuân, nhẹ nhàng mà sống động: Tiếng ếch, cỏ mềm, lúa mềm… Không có từ ngữ chỉ màu sắc nhưng sự hài hòa sắc màu hiện ra rất rõ nét. Không chỉ sắc xanh của cỏ, của lúa thì con gái, màu vàng nhạt của nắng, bức tranh xuân còn có âm thanh hiền lành của đồng quê.
Nếu trong nhiều thi phẩm khác ta bắt gặp tiếng chim én, chim chiền chiện bay giữa trời xuân thì ở đây Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cho mình một hình ảnh gắn liền như hơi thở, như da thịt của đất quê hương: Tiếng ếch. Cũng có lẽ vì thế câu thơ “Mùa Xuân, là mùa xuân đấy” vang lên như một lời reo vui, sự ngỡ ngàng, hạnh phúc, tự hào khi chứng kiến sự trở lại của mùa Xuân.
Mùa xuân, là mùa xuân đấy
Thả chim, cỏ nội hương đồng
Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
Gõ sừng lên mảnh trăng cong
Từ khoảnh khắc mùa Xuân trở lại, một khoảng thời gian tuổi thơ trong trẻo, đầy hồn nhiên, tràn ngập ký ức đổ về vẹn nguyên, đẹp đẽ như một làn sóng vui tươi, rộn ràng. Những trò chơi ngày bé như thả chim, chăn trâu, những cảnh đẹp của “cỏ nội hương đồng” quen thuộc làm cho lòng người đắm say.
Hình ảnh đàn trâu no cỏ thong thả về chuồng, đôi sừng cong cong trong bóng chiều như là gõ vào mảnh trăng non mọc ở phía cuối trời, tạo nên một bức tranh đồng quê mộng mơ, được vẽ lên bằng lớp ngôn từ giàu cảm xúc và đậm màu sắc hội họa. Khổ hai của bài thơ với nhiều chiều liên tưởng ấy dẫn dắt chúng ta đến với con đường làng thân thuộc khi hoàng hôn buông xuống vàng rực một vùng hay nói cách khác “Đàn trâu bụng tròn qua ngõ/Gõ sừng lên mảnh trăng cong” như cách diễn đạt của nhà thơ. Tác giả chắt lọc từ tư duy thơ tài hoa của mình vận dụng vào nghệ thuật ngôn từ buộc người đọc phải liên tưởng đến những hiện thực mà mình đã từng trải nghiệm trong đời trên cánh đồng quê khi hoàng hôn xuống, khơi dậy bức tranh quê tuyệt đẹp đó trong kí ức của mình. Đoạn thơ làm ta liên tưởng đến những dòng thơ của Nguyễn Duy trong “Đò Lèn”:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Ai cũng từng có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Nhớ về tuổi thơ, nhớ về khung trời đầy ắp kỷ niệm chính là tình yêu quê hương da diết, sâu nặng luôn chan chứa trong mỗi tâm hồn. Cũng để rồi từ miền hồi tưởng bài thơ thoắt trở về hiện tại. Không chỉ là cảnh vật thanh bình của miền quê thơ mộng mà còn là hình ảnh của con người. Hình ảnh con người xuất hiện thân thương với tâm trạng “bao nhiêu trông đợi chóng chầy”.
Đó là những cô gái “tóc dài mười tám”, mang trong lòng bao sự ngây thơ và hồn nhiên, bao rung động, e ấp trước tình yêu đầu đời, trong nỗi lòng “xôn xao” ngóng chờ và “thương người ra lính hôm mai”. “Xôn xao” là từ láy đặc sắc và nhiều sức gợi. “Xôn xao” vừa là bức tranh chiều xuân lại vừa là những thanh âm náo nức, rộn ràng trong lòng người, vừa e lệ, dìu dặt, vừa mãnh liệt, đằm thắm. Chính những cảm xúc ấy đã phần nào thể hiện tâm trạng chung của những miền quê trong đất nước, trong những năm chiến tranh vừa trải qua cuộc chiến đấu kiên trì vừa xây dựng, sản xuất để kiến thiết đất nước.
Có gì xôn xao đằm thắm
Bao nhiêu trông đợi chóng chầy
Đàn em tóc dài mười tám
Thương người ra lính hôm mai
Chính những hình ảnh về người nông dân trên đồng ruộng, những cô thôn nữ căng tràn sức sống như mùa Xuân, người lao động chăm chỉ và gắn bó với miền quê đã thể hiện sự gắn kết và tình yêu thương trong cộng đồng. Hình ảnh cuộc sống lao động bình dị của người dân nơi miền quê yêu dấu góp phần tạo nên một không gian chất phác và giản dị vừa cụ thể, gần gũi lại vừa là nơi gặp gỡ trong cung bậc tâm trạng của nhiều người. Tất cả đã mang đến cho người đọc một cảm giác ấm áp và gần gũi đến vô cùng.
Để rồi bao nhiêu gió thổi
Bên giếng làng, ngoài bến sông
Có tiếng hát như con gái
Cao cao như vầng trăng trong…
Thi liệu dân gian, âm hưởng của văn hóa dân tộc đã được Nguyễn Khoa Điềm vận dụng tài tình. Hình ảnh của quê hương yên bình, tươi đẹp luôn xuất hiện thân thương và đầy trìu mến. Một giếng nước, một bến sông dường như vẫn đợi chờ, hy vọng chờ đợi người trở về như cách nói dân gian “Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Tình cảm thương yêu của quê hương, sự thủy chung son sắt đối với những người ra lính bảo vệ Tổ quốc luôn hiện hữu.
Như vậy, vẻ đẹp của buổi chiều nơi miền quê đó không dừng lại bằng những cảm nhận của thính giác, thị giác, xúc giác mà còn dắt chúng ta đi dọc cánh đồng quê, bến sông quê cảm nhận rõ nét những xúc động của tâm hồn. Khép lại bài thơ là tinh thần lạc quan và tình yêu cuộc sống. Tiếng hát vang lên trong trẻo, dịu dàng, thánh thót, “như con gái, cao cao như vầng trăng trong” giữa cảnh quê hương yên bình trở thành khúc hát yêu thương, là tình yêu, nỗi nhớ của người con với nơi chôn rau cắt rốn.
Phải chăng đằng sau đó còn là niềm khát khao được trở về miền quê, để được sống trong sự thanh bình và hạnh phúc. Tình yêu và lòng biết ơn của tác giả dành cho miền quê được thể hiện qua từ ngữ và cảm xúc chân thành. Thông điệp đáng quý ấy đã được nhà thơ gửi gắm trọn vẹn và cảm động đến với mỗi chúng ta như nhà thơ, nhà Lý luận - phê bình Lê Thành Nghị đã khẳng đinh: “Thơ là bí mật của tâm hồn, sự lan tỏa của tâm trạng”.