Cô Minh Khuyên và ước mơ gửi thanh xuân trên vùng đất khó

GD&TĐ - Hơn 13 năm gắn bó với nghề “gieo chữ”, cô giáo trẻ Bùi Thị Minh Khuyên đã dạy học ở nhiều điểm trường khó khăn huyện Mường Tè, Lai Châu. Với cô Khuyên, giúp đỡ học sinh không chỉ là tình thương, niềm vui,

Cô Bùi Thị Minh Khuyên luôn tận tâm vì học trò. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Minh Khuyên luôn tận tâm vì học trò. Ảnh: NVCC

Hơn 13 năm gắn bó với nghề “gieo chữ”, cô giáo trẻ Bùi Thị Minh Khuyên đã dạy học ở nhiều điểm trường khó khăn huyện Mường Tè, Lai Châu. Với cô Khuyên, giúp đỡ học sinh không chỉ là tình thương, niềm vui, mà còn là trách nhiệm của người thầy.

Ước mơ làm cô giáo vùng cao

Cô Bùi Thị Minh Khuyên sinh ra và lớn lên tại Đoan Hùng, Phú Thọ. Từ nhỏ, hình ảnh những người thầy đứng trên bục giảng, đam mê truyền đạt kiến thức cho học sinh (HS) đã “ngấm” và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo trong cô. Không chỉ tận tụy với công việc chuyên môn, cô còn tích cực kết nối, kêu gọi cộng đồng, cá nhân hỗ trợ cho giáo dục và học sinh vùng cao.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô sinh viên trẻ Minh Khuyên quyết định lên Lai Châu lập nghiệp. Sở dĩ không chọn trở về quê hay nơi thuận lợi hơn bởi từ lâu mảnh đất Tây Bắc với cô đầy cuốn hút. Và đặc biệt hơn, cô thấy ở đó có biết bao HS khó khăn cần giúp đỡ để có tương lai tốt đẹp hơn.

Nơi đầu tiên cô nhận công tác là Trường Phổ thông cơ sở Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu). Dạy học 2 năm, tới 10/2010 cô chuyển sang Trường Phổ thông cơ sở Nậm Khao (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè). Tháng 8/2016, cô tiếp tục chuyển về Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (xã Pa Ủ huyện Mường Tè).

Hơn 13 năm công tác, cô Bùi Thị Minh Khuyên có tới 8 năm dạy học ở những điểm trường khó cả về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp lẫn đời sống sinh hoạt. Không điện, nước, thiếu sóng điện thoại, nhà công vụ tạm bợ.

HS 100% người dân tộc (Khơ Mú, La Hủ, Mông…) nhút nhát, nhận thức chậm và sợ học… là những khó khăn cô thường xuyên phải đối diện. Chính vì vậy, bản thân cô Khuyên khi về nhận nhiệm vụ ở vùng đất này đã xác định phải thực sự yêu nghề, yêu trẻ mới có thể vượt lên thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ lại quãng thời gian đã qua, cô Khuyên kể: Khi dạy học tại điểm trường Nậm Manh, lớp học là nhà bạt, xung quanh quây tre nứa, không có điện, để vào điểm trường phải đi đò. Đến khi được Nhà nước đầu tư trường lớp khang trang, có đường ô tô chạy, có điện năng lượng…, cô lại chuyển công tác và dạy học ở những những điểm trường ở các xã, bản khó khăn hơn như Nậm Khao, Huổi Pát, Sán Lá, Pa Ủ...

Trên hành trình giáo dục tại Mường Tè, cô Khuyên mãi không quên những lần đi thôn bản, vào tận nhà vận động HS đi học. “HS dân tộc hay sợ, ngại học. Các em quen ở nhà lao động, chơi tự do. Khi cô giáo đến gọi đi học không chỉ phụ huynh mà cả HS cũng “ghét” cô giáo lắm…

Đứa nhẹ nhàng thì trốn cô, đứa  phản ứng mạnh cầm gậy vụt cô. Có HS cầm đá ném thẳng vào người cô, nếu không đội mũ bảo hiểm chắc chắn sẽ vỡ đầu bởi khi đá bật xuống chân còn đau điếng. Có HS cô nịnh đi học không đi, cô bế lên tay đưa tới trường, chúng giãy giụa chán rồi cắn tay cô thật mạnh mong cô thả ra để “thoát” học...”, cô Khuyên kể.

“Những lúc như vậy, nhiều người hỏi em có buồn, nản không, nói thật là có. Cộng thêm hoàn cảnh gia đình ở xa, mẹ già ốm đau bệnh tật… không ít lần em chảy nước mắt tủi thân. Nhưng càng khó khăn, em càng rút ra cho mình kinh nghiệm giáo dục với HS dân tộc. Đôi khi GV phải lì với cả phụ huynh và HS, chấp nhận nghe mắng, từ chối không đi học… để thuyết phục bằng được HS đến trường”, cô Khuyên tâm sự.

Đường tới trường của GV, HS Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ còn nhiều vất vả. Ảnh: NVCC
Đường tới trường của GV, HS Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ còn nhiều vất vả. Ảnh: NVCC

Cầu nối giáo dục vùng khó

Dạy học ở núi vùng cao nhiều năm, cô Khuyên thấu hiểu những khó khăn về vật chất đã tác động đến cuộc sống, học tập của các em. HS của cô hàng ngày phải học tập trong những lớp học thiếu điện, đồ dùng học tập, quần áo chưa đủ, nhiều em ăn chưa no. Có những em lại bệnh tật hiểm nghèo nhưng gia đình không có khả năng chữa trị khiến các em đau đớn chịu đựng.

Với mong muốn hỗ trợ cho giáo dục và HS vùng khó tốt hơn, cô  Khuyên nhiều năm qua tích cực với hoạt động kết nối, kêu gọi từ thiện trong cộng đồng, cá nhân, các tổ chức xã hội để cùng chung tay giúp sức. Từ việc thiếu điện tại điểm trường, HS thiếu quần áo, sách bút, lương thực thực phẩm… đều được cô Khuyên chia sẻ và kêu gọi ủng hộ. Từ những thông tin này, nhiều cá nhân và tổ chức đã ủng hộ kinh phí lắp thiết bị điện năng lượng mặt trời; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng điểm trường; ủng hộ quần áo, thực phẩm, thiết bị dạy học cho HS…

Sáng kiến “Thắp sáng bản em” dùng quỹ lắp pin năng lượng mặt trời cho điểm bản Cò Lò xã Pa Ủ và “Tuyên truyền kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước” giúp HS có thêm kiến thức, kỹ năng phản ứng khi có tình huống tai nạn đuối nước xảy ra được cô Khuyên gửi đi đã được trao giải thưởng và cấp quỹ.

Hiện nay, với nguồn quỹ được cấp và dưới sự giám sát của T.Ư Đoàn, cô Khuyên đã triển khai lắp được 6 bộ pin năng lượng mặt trời cho 3 điểm trường với tổng kinh phí 84 triệu đồng trong tổng số 25 điểm trường chưa có điện trên toàn huyện.

Gần đây nhất, qua kêu gọi, kết nối của cô Khuyên, các tổ chức cá nhân đã hỗ trợ thăm khám và chữa trị cho HS Vàng Nhù Xa bị chấn thương đốt sống lưng với số tiền quyên góp lên tới hơn 160 triệu đồng.  Đặc biệt, từ sự kết nối thành công với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, một số câu lạc bộ, Tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng thành công 6 điểm trường tại các xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn), xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ), Pa Vệ Sử, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè).

Cô Bùi Thị Minh Khuyên được đào tạo bài bản, làm việc khoa học, hội đồng nhà trường luôn đánh giá  tốt trong chuyên môn. Cô cũng nhiệt tình, tâm huyết với nghề và đặc biệt trong công tác giúp đỡ, chăm sóc HS. Những hoạt động kết nối, thiện nguyện mà cô Khuyên đã và đang làm không chỉ tạo ra giá trị vật chất, hỗ trợ tích cực cho giáo dục và HS vùng khó mà còn lan tỏa những việc làm ý nghĩa trong giáo dục. - Thầy Hà Ánh Hùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ