Tái hòa nhập việc làm cho lao động xuất khẩu về nước:

Có kỹ năng thì không lo thiếu việc

GD&TĐ - Nguồn lao động từ nước ngoài trở về đang rất được các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tìm kiếm. 

Nhiều lao động di cư băn khoăn khó tìm được công việc phù hợp khi về nước. Ảnh: NVCC
Nhiều lao động di cư băn khoăn khó tìm được công việc phù hợp khi về nước. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, để tìm được việc, bản thân người lao động cần tích lũy kỹ năng, tri thức, ngoại ngữ... bởi đó là những lợi thế để có việc làm và mức thu nhập cao.

Băn khoăn giữa ở và về

Trong báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước nêu rõ: Theo báo cáo tóm tắt hàng quý mới nhất của Dự án TRIANGLE trong ASEAN công bố năm 2022, có hơn 560.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Thống kê trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, 18 tỷ USD kiều hối đã đổ vào Việt Nam năm 2021, chiếm khoảng 4,9% GDP. Khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dòng tiền gửi về dự kiến sẽ tăng 4,4% vào năm 2022 và 3,6 - 4,5% vào năm 2023.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đánh giá, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Hơn nữa, lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.

Với những ưu thế về kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong làm việc công nghiệp và trình độ ngoại ngữ, những lao động về nước được xem là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao.

Tuy nhiên, tại hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN vừa được tổ chức, các chuyên gia nhận định nguồn lao động về nước chưa được tận dụng hiệu quả, người lao động gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận việc làm khiến họ lại tìm kiếm việc làm ở nước khác. Phần lớn người lao động tự mày mò tìm việc, điều này cho thấy rõ sự lãng phí rất lớn về nhân lực chất lượng cao.

Anh Vũ Ngọc Duy (công nhân đang làm việc trong một công ty cơ khí tại Nhật Bản) chia sẻ, sau khoảng 3 năm đi làm kiếm tiền, hiện tại anh cũng đã tính tới việc về nước sớm để ổn định công việc vì anh cũng không có kế hoạch định cư hẳn ở Nhật. “Tuy nhiên, bây giờ về Việt Nam tôi cũng khá lo lắng không biết liệu mình có tìm được công việc phù hợp hay không, dù ở Việt Nam nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng với mức lương khá hấp dẫn từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng nhưng trừ chi phí ăn ở cũng không còn dư nhiều để nuôi con ăn học và tiết kiệm”, anh Duy băn khoăn.

Anh Duy đánh giá, mức thu nhập của lao động phổ thông tại nước ngoài so với Việt Nam khá chênh lệch khiến cho nhiều người có ý định về nước bị lúng túng. “Trước khi có ý định về nước thì tôi phải giải quyết được vấn đề về Việt Nam tôi sẽ làm gì để phát triển sự nghiệp, để kiếm được mức thu nhập bằng hoặc hơn mức thu nhập của tôi hiện tại ở Nhật”, anh Duy chia sẻ. Cũng như những lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong tương lai, anh Duy mong muốn Nhà nước thêm nhiều giải pháp để thu hút lực lượng lao động trở về nước.

Có kỹ năng thì không thiếu cơ hội

Vấn đề giải quyết việc làm cho các lao động sau khi xuất khẩu lao động về nước là vấn đề rất cần quan tâm để tránh lãng phí nhân lực chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu số lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng.

Theo báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc làm cho lao động di cư về nước, nhìn chung, tiền lương của người di cư và các trợ cấp khác kiếm được ở nước ngoài cao hơn đáng kể so với mức lương trung bình trong nước. Cụ thể, người di cư Việt Nam có thể kiếm được mức lương cao hơn ít nhất hai hoặc ba lần so với những người ở quê nhà. Dù chấp nhận giảm thu nhập đáng kể nhưng lao động vẫn gặp những khó khăn khi tái hòa nhập vào thị trường lao động sau khi “hết hạn” “bán sức xứ người”.

Ngoài mức lương “một trời một vực” thì người lao động về nước sau xuất khẩu sẽ phải đối mặt với nhiều bất cập khác. Trong đó, tiêu biểu là kỹ năng lao động, sẽ có sự khập khiễng giữa những gì lao động có với những gì doanh nghiệp cần. Bất cập này dẫn đến khó khăn cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tại hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN, bà Katherine Loh - Tư vấn quốc tế - đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư. Bà Katherine Loh cho rằng, lao động di cư quay về cần được hỗ trợ an sinh. Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đều nói rằng, những kinh nghiệm, kiến thức họ có được trong quá trình làm việc thật sự giá trị. Nếu được hỗ trợ, khi trở về nhóm lao động này sẽ có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội qua những kinh nghiệm họ có được trong thời gian làm việc tại nước ngoài.

Hiện, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2023, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã giảm gần 20% so với cùng kỳ. Việc này cho thấy cơ hội cho người lao động xuất khẩu về nước vẫn rất lớn vì doanh nghiệp FDI luôn có nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp. Tuy nhiên, người lao động về nước có nhiều hoàn cảnh khác nhau nên không phải người lao động nào cũng dễ dàng tìm được công việc có thu nhập cao.

Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nhận định rằng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nếu người lao động khẳng định được năng lực thì thực tế cơ hội việc làm khi về nước là rất rộng mở. Thời gian qua, các trung tâm lao động ngoài nước, trung tâm dịch vụ việc làm đều tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm dành riêng cho lao động xuất khẩu về nước. Đây chính là cơ hội để người lao động có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.