Hiểu đúng tầm quan trọng của vấn đề
Việc đóng cửa trường học do đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh, mà còn có cả cha mẹ và thầy cô. Vì vậy, người lớn cũng cần chú ý đến sức khỏe của mình khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Thủy, giảng viên bộ môn Tâm lý (Học viện UVIS) cho rằng, trước khi trường học mở cửa trở lại, giáo viên cần ưu tiên và chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất của chính mình. Từ đó sẽ có thêm năng lượng tích cực cho bản thân, cho học sinh cũng như gia đình các em.
Khi các trường mở cửa trở lại, thầy cô giáo sẽ xuất hiện hàng loạt câu hỏi làm thế nào để tương tác với học sinh và giúp các em bắt nhịp trở lại với trường lớp. Vì vậy, cần lên danh sách tất cả các công việc và hoạt động trong ngày hoặc trong tuần từ sớm.
Sử dụng sổ kế hoạch hàng ngày hoặc sổ ghi chép để lập kế hoạch cho tuần mới. Đặt ra những mục tiêu nhỏ và có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thích hợp. Việc này sẽ giúp thầy cô quản lý thời gian tốt hơn và giảm bớt căng thẳng khi có quá nhiều việc ngoài kế hoạch phải làm.
Trường học đóng cửa, giáo viên ở nhà quá lâu cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý. Chưa kể đến việc học trực tuyến tạm thời cũng khiến nhiều thầy cô cảm thấy mệt mỏi.
Vì vậy, khi chưa được trở lại trường, hãy nghĩ về điều giúp thầy cô cải thiện tâm trạng và vượt qua căng thẳng như chơi với con, đi dạo, nói chuyện với bạn bè, chăm sóc cây cối, hay thử một công thức nấu ăn mới. Ngoài ra, cần tạo không gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Thời gian dành cho những hoạt động này cũng quan trọng như thời gian dành cho công việc. Tất cả nhằm giúp bản thân cảm thấy tràn đầy năng lượng, bớt đi sự mong ngóng trở lại trường hay quá lo lắng về dịch bệnh.
“Đây là giai đoạn để tất cả mọi người cùng điều chỉnh và hiểu đúng tầm quan trọng thật sự của vấn đề sức khỏe tâm thần. Giáo viên chỉ có thể kiểm soát những điều và hoàn cảnh nhất định trong giai đoạn giúp học sinh bắt nhịp lại với lớp học. Đừng tự tạo áp lực cho bản thân phải cố gắng trải nghiệm học tập giống như trước khi giãn cách.
Thầy cô là người duy nhất có khả năng và đang cố gắng hết sức để thích ứng với thay đổi đó. Khi chúng ta bước tiếp, tất cả mọi người sẽ học theo và thích nghi theo” – chuyên gia Nguyễn Thu Thủy nhận định.
Đặt ra ranh giới
Theo UNICEF Việt Nam, đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng mức độ căng thẳng trong cuộc sống của nhiều giáo viên với phương pháp giảng dạy mới. Đó cũng là các vấn đề về sức khỏe của cá nhân và gia đình. Dù dạy học trực tuyến hay tại lớp, giáo viên vẫn liên tục phải quan tâm đến nhu cầu của học sinh.
Vì vậy, chuyên gia cũng khuyên rằng cần đảm bảo đặt ra ranh giới để có thời gian dành riêng cho bản thân, ở bên gia đình hoặc tận hưởng những việc giáo viên thích làm.
Theo đó, một cách đơn giản để đặt ra ranh giới là chú ý đến cảm giác của bản thân trong các hoạt động hàng ngày. Đồng thời lắng nghe những tín hiệu báo cho bạn biết rằng có điều gì đó đang không phù hợp với bạn. Dành thời gian để chuẩn bị cho việc giảng dạy và những khoảng thời gian khác.
Có thể cân nhắc sắp xếp để có một khoảng thời gian dành riêng cho việc giúp đỡ, hỗ trợ học sinh ngoài giờ học trên lớp. Đảm bảo học sinh và phụ huynh hay người chăm sóc biết thời điểm nào là tốt nhất để liên lạc với bạn.
Thiết lập và tuân theo quy định “không sử dụng các thiết bị công nghệ” trong khoảng thời gian trước khi đi ngủ. Đảm bảo không kiểm tra email và tin nhắn. Có thể cân nhắc việc đặt lời nhắc để ghi nhớ những ranh giới mà mình đã đặt ra.
Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần tiêm vắc-xin khi đến lượt. Vắc-xin sẽ bảo vệ khỏi lây nhiễm Covid-19 nặng đến mức phải nhập viện và nguy cơ tử vong. Nó cũng có thể giảm bớt những lo lắng về an toàn khi trở lại trường học. Việc tiêm vắc-xin cũng giúp bảo vệ học sinh và gia đình các em.
UNICEF cũng thông tin, nhiều giáo viên trên thế giới phần lớn không được chuẩn bị để có thể hỗ trợ việc học tập liên tục trong đại dịch. Hầu hết đó là do những hạn chế về sử dụng công nghệ. Tiếp thu và thành thạo các kỹ năng mới sẽ giúp giáo viên trở nên chuyên nghiệp, đồng thời mang lại sự tự tin và thoải mái hơn trong công việc.
Thầy cô có thể đăng ký các khóa học, hội thảo trực tuyến hoặc xem video để nâng cao kỹ năng công nghệ và thích nghi với các phương pháp giảng dạy thay thế. Cần đánh giá cao các kỹ năng mà bản thân đã có, từ đó phát huy hơn nữa.
Nếu giáo viên đang cảm thấy quá tải, mệt mỏi hãy chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp khác, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Trò chuyện với người giám sát hoặc lãnh đạo ở trường sẽ giúp họ hiểu và hỗ trợ bạn. Bởi một mối quan hệ lành mạnh sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến những đứa trẻ mà giáo viên đang dạy.
Đồng thời, có thể giữ khoảng cách về vật lý để hạn chế sự lây lan của virus, nhưng cần phải giữ kết nối về mặt tình cảm và xã hội với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình. Đó là kỷ niệm những dịp vui vẻ qua các cuộc gọi thoại video, tham gia vào các nhóm làm việc trực tuyến hoặc các câu lạc bộ sách trực tuyến. Khi gặp người khác, ưu tiên các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang theo yêu cầu của cơ quan y tế địa phương.
Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất, tìm kiếm hỗ trợ sức khỏe tâm thần khi có dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và kiệt sức. Nếu không được điều trị, những triệu chứng này có thể khiến cuộc sống không còn vui vẻ và năng động. Nhận biết những dấu hiệu này và tìm kiếm hỗ trợ y tế hoặc tâm lý là bước đầu tiên giúp giáo viên cảm thấy tốt hơn và thậm chí ngăn ngừa các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác.