Sáng 1/6, tại Hà Nội, Hội tâm lý trị liệu Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Charite thuộc CHLB Đức tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: Cơ hội và thách thức”.
Mục tiêu của hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về nhu cầu, cơ hội, thách thức và định hướng phát triển tâm lý lâm sàng/tâm lý trị liệu ở Việt Nam. Các nghiên cứu trong nước và trên thế giới về tâm lý học lâm sàng, tâm lý học trị liệu được công bố, trao đổi để thúc đẩy và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, thực hành, đào tạo dựa trên thực chứng.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu cho rằng, việc công nhận tâm lý lâm sàng như một chức danh nghề nghiệp yêu cầu có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.
PGS.TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. |
PGS.TS Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, cho biết: Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ tham vấn/tư vấn và trị liệu tâm lý, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng. Nhân lực các nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý lâm sàng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, cộng đồng xã hội.
Ngày 9/1/2023, Luật Khám bệnh chữa bệnh được Quốc hội ban hành, trong đó mã nghề tâm lý lâm sàng trở thành chức danh chuyên môn trong hệ thống khám chữa bệnh. Để được hành nghề, nhà tâm lý lâm sàng cần phải có đủ điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề. Giấy phép hành nghề cho các nhà tâm lý lâm sàng sẽ được cấp bởi Hội đồng Y khoa cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh hoặc thành phố.
Đây là một cơ hội cho các nhà tâm lý lâm sàng phát triển chuyên môn, hành nghề mang tính chuyên nghiệp hơn, nhưng họ cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức và khó khăn trong khi hành nghề tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu.
Chia sẻ khó khăn, thách thức của nhà tâm lý lâm sàng, PGS.TS Võ Văn Bản nhắc đến đầu tiên là vấn đề tài chính. Một trong những lý do chính khiến nhiều người không tìm cách điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần là không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, hoặc không có bảo hiểm y tế, hoặc bảo hiểm y tế không chi trả. Bên cạnh đó, nhà tâm lý lâm sàng ở Việt Nam cũng chưa được chi trả đúng với năng lực.
Ngoài ra còn có khó khăn về thiếu nhân lực trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu. Hiện nay mới chỉ có các trường thuộc Bộ GD&ĐT, còn trong hệ thống khoa học sức khỏe chưa có đào tạo về tâm lý học lâm sàng. Trong chương trình đào tạo các Bộ môn Tâm thần ở các trường đại học y khoa có chương trình đào tạo lý thuyết về các liệu pháp tâm lý, các trắc nghiệm tâm lý ở mức sơ lược và thiếu thực hành.
"Trên thực tế, trong hệ thống đào tạo của cả các ngành khoa học giáo dục lẫn trong ngành khoa học sức khỏe, việc đào tạo về tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu, kể cả tâm bệnh học vẫn nặng lý thuyết, thiếu về thực hành trị liệu tâm lý, đánh giá chẩn đoán các rối loạn tâm bệnh, các trắc nghiệm tâm lý. Trong tương lai, đây là khó khăn cho các nhà tâm lý lâm sàng trong việc cấp chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề", PGS.TS Võ Văn Bản cho hay.
Bên cạnh đó, các thủ tục, bằng cấp đào tạo về lý thuyết, chứng nhận thực hành, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề cho nhà tâm lý lâm sàng chưa có hướng dẫn rõ ràng. Còn có sự kỳ thị trong xã hội về những người làm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đánh giá về vai trò của tâm lý học lâm sàng, tâm lý trị liệu của xã hội, của các cấp lãnh đạo chưa thỏa đáng...
Ngoài chủ đề phát triển tâm lý lâm sàng thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng trao đổi, chia sẻ về thực hành tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu; nghiên cứu về tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu và các đề tài khác liên quan đến lĩnh vực này.