Suốt một thời gian dài, Nga, mà cụ thể là Tổng thống Vladimir Putin, đã quảng bá tuyến đường dọc bờ biển Siberia như một tuyến cạnh tranh với Kênh đào Suez. Việc tắc nghẽn bất thình lình vừa qua ở tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới là cơ hội để Nga thúc đẩy Tuyến đường Biển Bắc, nơi mà những con tàu lớn, nước sâu đi lại không thành vấn đề khó khăn gì.
Tuyến đường Biển Bắc vận chuyển 33 triệu tấn hàng hóa năm 2020, trong khi kênh đào Suez vận chuyển hơn 3 triệu tấn hàng mỗi ngày. Nhưng do khối lượng thương mại toàn cầu đang gia tăng nên nhu cầu khẩn cấp phải có những tuyến đường ngắn bổ sung là không thể tránh khỏi. Phía Nga dự tính từ giờ đến năm 2024, khối lượng vận chuyển qua Tuyến đường Biển Bắc sẽ lên tới 80 triệu tấn hàng.
Cơ quan nguyên tử quốc gia Nga Rosatom gần đây đã đưa ra mấy lý do tại sao Tuyến đường Biển Bắc có thể là con đường thay thế quan trọng cho kênh đào Suez. Thứ nhất, Tuyến đường Biển Bắc rộng rãi hơn cho các con tàu lớn. Thứ hai, nếu gặp những núi băng thì Nga có tàu phá băng – Rosatom chính là nhà điều hành cơ sở hạ tầng chính thức trên tuyến đường này.
Do sự ấm lên toàn cầu, Tuyến đường Biển Bắc ngày càng ít bị đóng băng. Nga định sử dụng tuyến đường này để xuất khẩu dầu khí sang các thị trường có nhu cầu lớn về năng lượng, đặc biệt là Đông Á.
Những năm qua, Nga đã đầu tư mạnh mẽ cho tuyến đường này. Bộ Năng lượng Nga cho biết, Tuyến đường Biển Bắc sẽ cho phép cắt ngắn đáng kể thời gian vận chuyển từ châu Á sang châu Âu, thậm chí có thể giảm tới 15 ngày, khi mà quãng đường đi giảm tới 4.000 hải lý so với thời gian đi qua kênh đào Suez.
Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đã cho thấy những rủi ro khi mà chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu phụ thuộc vào một tuyến đường vận tải chủ yếu.
Điều này cũng giống như tình hình dịch Covid-19 phơi bày sự phụ thuộc vào một nhà cung ứng nguyên liệu, nhà sản xuất chủ chốt của thế giới là Trung Quốc, khiến những mâu thuẫn trong thương mại càng làm thổi bùng mâu thuẫn chính trị giữa hai cường quốc lớn nhất là Mỹ - Trung.
Bài học từ đại dịch là phải đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa địa điểm sản xuất và thực tế đã diễn ra điều đó khi đầu tư sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc ngay sau làn sóng dịch thứ nhất.
Giờ đây, sự cố kênh đào Suez đã cho thấy những rủi ro hậu cần có thể làm thương mại toàn cầu kém bền vững. Vladimir Panov, một quan chức của Rosatom, tin rằng các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ phải cân nhắc việc tắc nghẽn này trong các kế hoạch chiến lược dài hơi của họ.
Tờ Financial Times dẫn lời chuyên gia phân tích dầu khí Anna Butko của Công ty chứng khoán Aton ở Mátxcơva nói rằng tình hình đang tích cực cho các công ty và nền kinh tế Nga.
Theo số liệu của Công ty hàng hóa TransContainer của Nga thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt qua Nga đã tăng lên, với số lượng đơn đặt hàng vận chuyển tuyến Xuyên Siberia tăng gấp nhiều lần trong vài ngày qua. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy hàng hóa qua Tuyến đường Biển Bắc cũng sẽ tăng nhanh chóng sau sự cố.
Tất nhiên là đã có nhiều lý do chính trị ảnh hưởng đến yếu tố lòng tin, ngoài chuyện thời tiết đóng băng, ngăn cản Tuyến đường Biển Bắc phát triển rầm rộ trong nhiều năm qua.
Song rõ ràng đại dịch Covid-19 và giờ đây là việc tắc nghẽn kênh Suez sẽ khiến các bên phải suy nghĩ lại để sự căng thẳng chính trị giữa Nga với phương Tây không làm mất đi cơ hội cho cả hai bên tìm kiếm những dòng chảy mới cho thương mại toàn cầu.