Cơ hội để tranh Việt vươn mình?

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, thị trường nghệ thuật ở khu vực châu Á có những bước tiến vượt bậc khi được các nhà đấu giá quốc tế đặc biệt quan tâm.

Triển lãm 'Hồn xưa bến lạ' giới thiệu 56 tác phẩm của “bộ tứ Paris” trong tháng 7/2022. Ảnh: ITN.
Triển lãm 'Hồn xưa bến lạ' giới thiệu 56 tác phẩm của “bộ tứ Paris” trong tháng 7/2022. Ảnh: ITN.

Đứng trước cơ hội này, liệu mỹ thuật Việt Nam có tận dụng được thời cơ để vươn mình?

Tín hiệu chuyển hướng

'Chân dung cô Phượng', Mai Trung Thứ - đấu tại Sotheby’s ngày 18//4/2021 với giá gõ búa 3.11 triệu USD. Ảnh: ITN.

'Chân dung cô Phượng', Mai Trung Thứ - đấu tại Sotheby’s ngày 18//4/2021 với giá gõ búa 3.11 triệu USD. Ảnh: ITN.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, cơ hội của tranh Việt trong sự bùng nổ thị trường nghệ thuật châu Á là rất lớn. Tuy nhiên cần phải giải quyết các vấn đề căn bản để tận dụng cơ hội.

“Vấn đề quyền tác giả ở Việt Nam còn nhiều kẽ hở. Ví dụ như tôi bắt được tranh giả ngoài bảo tàng và bị đe doạ, nhưng kẻ làm tranh giả không bị xử lý - trong khi kẻ trộm chiếc xe chỉ vài triệu đồng thì bị xử lý hình sự.

Một bức tranh có giá trăm nghìn đô la chưa chắc đã bằng một chiếc xe cà tàng, là vậy! Bởi thế, phải thay đổi nhận thức cũng như chế tài pháp luật trước khi đón cơ hội từ thị trường nghệ thuật”, ông Lý Đợi băn khoăn.

Khoảng 3 năm trở lại đây, các nhà đấu giá quốc tế chuyển hướng mạnh mẽ sang các tác phẩm nghệ thuật thuộc khu vực châu Á. Trung Quốc - quốc gia có bề dầy truyền thống thư hoạ nên việc được chú ý tới là điều dễ hiểu.

Còn mỹ thuật Việt Nam có thể nói còn khá non trẻ, song gần đây có nhiều tác phẩm xuất hiện tại các sàn đấu giá quốc tế và được định giá cao, phần nào chứng tỏ tiềm năng và sức hút riêng.

Ở đấu giá phiên Modern Day Auction của nhà Sotheby’s (ngày 6/4), trong 88 tác phẩm nghệ thuật lên sàn thì có 30 tác phẩm được lựa chọn thuộc về nền mỹ thuật Việt Nam, của các hoạ sĩ: Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Ái Xuân, Phạm Hậu, Nguyễn Tiến Chung…

Điều đó cho thấy hội hoạ Việt Nam đang có sức hút rất lớn đối với các nhà đấu giá quốc tế cũng như giới sưu tập nghệ thuật. Sức ảnh hưởng từ các phiên đấu giá này kích hoạt thị trường không chỉ trong nước và khu vực mà còn mang tính toàn cầu.

Trước đó, hồi tháng 7/2022, triển lãm phi thương mại “Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ” cũng do Sotheby’s tổ chức tại Park Hyatt Saigon, với sự giám tuyển của Ace Lê đã giới thiệu 56 tác phẩm của “bộ tứ Paris”, gồm: Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu.

Đây là những danh họa Việt Nam cùng học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sáng tác một thời gian tại Hà Nội trước khi sang Pháp định cư. Trên thị trường quốc tế, tranh của bộ tứ này có sức hút đặc biệt với giới sưu tập thế giới nên được rốt ráo tìm kiếm.

Đến nay, giá tranh của họ ngày càng tăng, đồng nghĩa việc xuất hiện nhiều tranh giả, tranh nhái - ký tên các danh hoạ này. Theo giám tuyển Ace Lê, các tác phẩm của bộ tứ liên tục phá kỷ lục đấu giá, đứng đầu thị trường Việt Nam, vượt qua sức mua của đại đa số công chúng, cũng như các bảo tàng công lập.

Đón cơ hội thế nào?

'Gia đình ở ngoài vườn', mực và bột mực trên lụa, vẽ năm 1938 của Lê Phổ đạt mức giá 18,6 triệu HKD. Ảnh: ITN.

'Gia đình ở ngoài vườn', mực và bột mực trên lụa, vẽ năm 1938 của Lê Phổ đạt mức giá 18,6 triệu HKD. Ảnh: ITN.

Trả lời trang Sotheby’s (https://www.sothebys.com), nhà nghiên cứu Dong Rui - Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh cho biết, trong 2 năm (2021 - 2022), doanh thu bán đấu giá tranh khu vực châu Á đã vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ.

Đồng thời, châu Á đã trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới khi chiếm tới 36% doanh thu bán đấu giá nghệ thuật toàn thế giới.

Singapore được coi là trung tâm kết nối khi trở thành quốc gia có cơ sở hạ tầng và đầu mối triển lãm mỹ thuật lớn. Rất nhiều tranh của các danh hoạ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… quy tụ ở đây, và trong các bảo tàng uy tín của Singapore.

Trong khi đó, Hồng Kông - nơi hiện diện của nhà đấu giá Sotheby’s dành những phiên đấu châu Á nổi bật với các tác phẩm có mức gõ búa ngất ngưởng đã khiến thị trường nghệ thuật châu Á thêm “nóng”.

Cuối năm 2022, phiên Modern Evening Auction của nhà Sotheby’s Hong Kong đã chào bán thành công với 3,9 triệu USD cho 6 tác phẩm của các họa sĩ thuộc thế hệ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Riêng tác phẩm “Trà và sự đồng cảm” của Lê Phổ đã tới mức giá 1,3 triệu USD chỉ sau khoảng chưa đầy 9 phút lên sàn.

Bên cạnh đó là nhà đấu giá Philips Hong Kong và Christie’s Hong Kong với những con số ấn tượng. Theo báo cáo thường niên của Artprice (Cơ sở dữ liệu giá nghệ thuật trực tuyến của Pháp), từ năm 2019 - 2021, doanh thu của Philips Hong Kong vụt tăng 178%, Christie’s Hong Kong cũng tới 92%.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng, đây chính là cơ hội để tranh Việt toả sáng. Phải nói rằng, những tác phẩm của danh hoạ Việt đã được thế giới biết tới trước những năm 2000, nhưng khá mờ nhạt.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sự mờ nhạt được thay thế bằng các ấn tượng “triệu đô”. Như tác phẩm “Gia đình ở ngoài vườn” của Lê Phổ từng xuất hiện tại nhà đấu giá Christie's Singapore ngày 28/3/1999, song ít thu hút giới sưu tập. Thế nhưng, chiều tối 5/4/2023, bức tranh này được bán với giá 18,6 triệu HKD (đã cộng thuế, phí) - trở thành tác phẩm cao thứ hai trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam (chỉ sau “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ).

Cơ hội tiếp theo cho tranh Việt chính là người Việt ngồi trên ghế điều hành nhà đấu giá quốc tế, vì mới đây nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê chính thức thông báo ông được tiếp nhận vị trí Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam cho nhà đấu giá Sotheby’s.

“Bên cạnh những hồi hộp và trăn trở cá nhân, cũng có thể coi đây là dấu hiệu lạc quan cho thị trường. Lần đầu tiên trong ba thập kỷ giao dịch tác phẩm Việt, nay một nhà đấu giá lớn đã chính thức hợp thức hoá việc tận dụng chuyên môn của người Việt cho công tác thẩm định và định giá nghệ thuật Việt, đồng thời có những đầu tư, hoạch định tầm xa cho thị trường”, ông Ace Lê nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ