Cơ hội để nâng cao vị thế khi xây dựng Đề án THPT Chu Văn An thành trường chuyên

GD&TĐ - Ngày 28/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Xây dựng đề án Trường THPT chuyên Chu Văn An với sự tham gia của nhiều chuyên gia, khách mời.

Trường THPT Chu Văn An được thành lập từ năm 1908, đến nay đã bước sang tuổi 115. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Trường THPT Chu Văn An được thành lập từ năm 1908, đến nay đã bước sang tuổi 115. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Trình bày tóm tắt dự thảo đề án, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An đã nêu ra các căn cứ pháp lý và sự cần thiết của đề án.

Trường hiện có 57 lớp với 2.176 học sinh, theo học ở 4 mô hình gồm: Lớp chuyên, lớp phổ thông, lớp song ngữ và lớp học theo chương trình đào tạo song bằng tú tài quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc. Địa bàn tuyển sinh của trường là học sinh từ các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra Bắc.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An trình bày tóm tắt dự thảo Đề án.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An trình bày tóm tắt dự thảo Đề án.

Song song với những điểm mạnh như bề dày truyền thống lịch sử và kết quả giáo dục, nhà trường có một số khó khăn như thiếu giáo viên dạy một số môn chuyên; chưa có chính sách học bổng và chế độ khen thưởng đối với học sinh, giáo viên lớp chuyên; thiếu nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng học sinh.

Theo lộ trình, các mô hình lớp phổ thông, song ngữ, song bằng sẽ tiếp tục duy trì đến hết năm học 2026-2027. Từ năm học 2027-2028, nhà trường chỉ tổ chức lớp chuyên.

"Khi đã trở thành trường chuyên, nhà trường đề nghị tiếp tục được tuyển sinh học sinh lớp 9 khu vực từ Thanh Hóa trở ra Bắc với điều kiện có kết quả xếp loại học tập, rèn luyện đạt mức tốt" - cô Nhiếp bày tỏ.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia giáo dục, khách mời.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia giáo dục, khách mời.

Chia sẻ tại Hội thảo, giáo viên Trường THPT Chu Văn An bày tỏ sự nhất trí cao khi xây dựng thành trường chuyên. Đồng thời cho rằng, đây là cơ hội tốt để nâng cao vị thế nhà trường.

Giáo viên sẽ có thêm cơ hội được học tập, phát triển chuyên môn và kỹ năng. Học sinh cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi có các chính sách về học bổng, có ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi và nhiều ưu đãi liên quan khác.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ những góp ý cho dự thảo đề án tại Hội thảo.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ những góp ý cho dự thảo đề án tại Hội thảo.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, dù chuyển thành mô hình trường gì thì Trường THPT Chu Văn An cần lưu ý tới 5 tư duy nền tảng trong giáo dục gồm: Tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy algorit.

Cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, nhà trường cần chuẩn bị kĩ các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học và ở nội trú, do địa bàn tuyển sinh của nhà trường không chỉ là học sinh thành phố mà là các tỉnh thành từ Thanh Hóa trở ra Bắc.

Đa số giáo viên nhà trường bày tỏ đồng tình với dự thảo Đề án.

Đa số giáo viên nhà trường bày tỏ đồng tình với dự thảo Đề án.

Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, tại Hội thảo cũng lắng nghe một số góp ý thẳng thắn về mục tiêu của Đề án. Đại biểu mong muốn lãnh đạo nhà trường cần phân tích thật kĩ về ưu, nhược điểm để đưa ra mô hình tối ưu. Việc xây dựng đề án cần làm từng bước phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.

Theo ông Kiều Văn Minh - Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An đang hoạt động theo quy chế của trường bình thường và là một trong các trường công lập của Thủ đô chứ không nằm trong hệ thống trường chuyên. Tuy nhiên, nhà trường lại đang tổ chức thực hiện cả nhiệm vụ của trường chuyên.

Chất lượng giáo dục cũng như các điều kiện hiện nay về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo là những thuận lợi cơ bản để Trường THPT Chu Văn An trở thành trường chuyên. Khi đó, nguồn lực đầu tư cho nhà trường cũng như các chính sách cho giáo viên và học sinh sẽ được nâng cao và thuận lợi rõ rệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ