Cơ hội để giáo dục đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

GD&TĐ - Sau 5 năm triển khai Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt được những kết quả khả quan.

Chỉ trong 5 năm, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tạo nên bước đột phá trong giáo dục và đào tạo.
Chỉ trong 5 năm, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã tạo nên bước đột phá trong giáo dục và đào tạo.

Chỉ trong 5 năm, sự “thay da đổi thịt” về giáo dục và đào tạo thể hiện rất rõ ở nhiều địa phương trong vùng. Đây được xem như cơ hội để đồng bằng “cất cánh”, tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng và cả nước.

Sự quan tâm kịp thời

Chia sẻ về Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và người dân ở ĐBSCL rất phấn khởi vì những lợi ích mà chính sách đã mang lại trong việc nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Đặc biệt là sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường học và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo và dạy nghề. 

Từ đó đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, trình độ đào tạo được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục; đã khắc phục dần sự bất hợp lý về cơ cấu, từng bước đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và phát triển quy mô, chất lượng của các cấp học, các ngành nghề đào tạo…

Đến nay, vùng ĐBSCL đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Quyết định số 1033 của Thủ tướng. Đặc biệt là tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99%; tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp TH đạt 99%; tỷ lệ HS dân tộc nội trú chiếm khoảng 10,5% số HS dân tộc thiểu số cấp THCS và THPT; tỷ lệ SV/vạn dân đạt 190 và thành lập các trường Trung cấp nghề đạt xấp xỉ 100% (34/35 trường)…

Thời gian qua, bằng nguồn lực từ trung ương và địa phương, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp học, quy hoạch nguồn nhân lực được chú trọng. Các địa phương trong vùng đã ban hành quy hoạch để làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng, thực hiện kế hoạch trung hạn, hàng năm. 

Có 100% tỉnh, thành phố của vùng đã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030. Triển khai quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của vùng giai đoạn 2006 - 2020...

Đặc biệt là một số chương trình, dự án vùng được thụ hưởng đã góp phần quan trọng trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và chăm lo đời sống cho đội ngũ nhà giáo. Trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí 2.391.408 triệu đồng. 

Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học với số phòng học đã triển khai xây dựng là 18.103 phòng (đạt 73,1% so với kế hoạch cả giai đoạn). Trong đó cấp Mầm non có 2.255 phòng; TH 10.583 phòng; THCS 4.263 phòng; THPT 1.002 phòng. Số nhà công vụ giáo viên đã triển khai xây dựng là 1.418 phòng (tương đương 34.032 m2), nguồn vốn đã huy động thực hiện đề án là 7.150,594 tỉ đồng.

Trong 5 năm (2011-2015), ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho dạy nghề vùng ĐBSCL từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề (thông qua 2 dự án đổi mới và phát triển dạy nghề và dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn) là 1.175,367 tỉ đồng, chiếm 17% so với tổng kinh phí các dự án phân bổ cho các địa phương trong cả nước. 

Các dự án ODA trong 5 năm qua đã hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở dạy nghề vùng ĐBSCL là 3.470.000 EURO và 13.153.144 USD. Ngoài nguồn Trung ương hỗ trợ trong 5 năm qua, các tỉnh đã phân bổ 307 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đào tạo giáo viên dạy nghề và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề.

Công tác xã hội hóa giáo dục ở ĐBSCL góp phần phát triển hệ thống trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong 5 năm qua, các tỉnh trong vùng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các trường, lớp ngoài công lập. 

Đến nay, trên địa bàn vùng có 142 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ dân lập, tư thục trên tổng số 1.900 trường, thu hút 57.382 trẻ trên tổng số 550.690 trẻ đến trường; có 21 trường phổ thông ngoài công lập với 3.696 HS; 6 trường ĐH tư thục đã được thành lập đang được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong vùng ở tất cả các bậc học…

Minh chứng từ những con số

SSV Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu khoa học.
 SSV Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu khoa học.

Con số minh chứng cho sự phát triển vững chắc của vùng ĐBSCL sau 5 năm triển khai Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính là sự phát triển trường, lớp và quy mô giảng viên, sinh viên, học sinh. 

Năm học 2014-2015, toàn vùng ĐBSCL có 197.208 giáo viên, giảng viên, tăng 9% so với năm học 2011-2012 (tăng 180.775 giáo viên). Trong đó giáo viên nhà trẻ đạt chuẩn là 79,36%, mẫu giáo 95,27%. Ở bậc TH tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99,65%, THCS là 99,46%, THPT 99,33%, GDTX 100%.

Mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục cấp Mầm non, TH, THCS và THPT có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới trường, lớp phổ thông giai đoạn 2011-2015 của vùng phát triển theo hướng hoàn thiện quy hoạch, phù hợp với điều kiện vùng sông nước, quy mô HS của từng địa phương và hướng tới đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển GD toàn diện cho HS. Nhiều tỉnh triển khai tốt mô hình Trường học mới, tạo điều kiện cho GV đổi mới phương pháp dạy, HS đổi mới phương pháp học… 

Cấp Mầm non năm học 2014-2015 toàn vùng ĐBSCL có 1.921 trường (tăng 14,5% so với năm học 2011-2012). Đến thời điểm tháng 6/2015, các tỉnh ĐBSCL có 90,2% đơn vị cấp xã và 65,2% đơn vị cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đã có 3/13 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ 23,1% (Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu).

GD Tiểu học năm 2014-2015 toàn vùng có 3.103 trường (trong đó có 1013 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 32,93%). Quy mô HS TH toàn vùng là 1.511.055 em (tăng 1% so với năm 2011-2012). Giáo dục THCS, năm học 2014-2015 toàn vùng có 1.468 trường (trong đó có 384 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 26,15%); quy mô HS 983.773 em, tăng 10,31% so với năm học 2011-2012. Giáo dục THPT năm học 2014-2015 toàn vùng có 466 trường (trong đó có 57 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 12,23%); quy mô HS là 370.836 em (giảm 5,2% so với năm 2011-2012).

Trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương trong vùng đã chủ động quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Đã phủ kín trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên. 

Đạt 10,5% số HS dân tộc thiểu số trong tổng số HS dân tộc đang học GD trung học được học nội trú. Năm học 2014-2015, vùng ĐBSCL có 30 trường phổ thông dân tộc nội trú với 8.778 HS, trong đó có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh với 3.473 HS (tăng 334 HS so với năm học 2011-2012); 21 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện (tăng 2 trường so với năm học 2011-2012) với 5.305 HS (tăng 1.758 HS so với năm học 2011-2012).

Giáo dục thường xuyên, Dạy nghề, Giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp, Giáo dục ĐH, CĐ đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn vùng có 131 trung tâm, trong đó 12 TT GDTX cấp tỉnh; 119 TT GDTX cấp huyện; 1.621 Trung tâm Học tập cộng đồng; 172 Trung tâm ngoại ngữ, tin học và 3 trường bổ túc văn hóa...

Năm học 2013-2014, toàn vùng có 73 cơ sở đào tạo TCCN (trong đó có 39 trường Trung cấp và 34 trường ĐH, CĐ tham gia đào tạo trình độ TCCN), tăng 11 cơ sở so với năm học 2010-2011; mạng lưới trường TCCN tăng 10 trường (tăng 34,5% so với năm 2010). Quy mô đào tạo HS Trung cấp chính quy hiện nay 45.248 học viên, giảm 18% so với năm học 2010-2011.

Toàn vùng có tổng số 6.678 giáo viên, giảng viên tham gia dạy nghề. Trong đó, giáo viên dạy ở các trường nghề là 2.601 giáo viên (1.273 giáo viên dạy ở trường CĐ nghề, 1.328 giáo viên dạy ở trường trung cấp nghề), 1.413 giáo viên dạy ở trung tâm dạy nghề và 2.664 giáo viên dạy ở các cơ sở khác có dạy nghề.

Như vậy, số lượng giáo viên dạy nghề năm 2015 tăng 1,68 lần so với năm 2010. Hệ thống dạy nghề trong vùng phát triển đã tạo cơ hội cho mọi người có nhu cầu học nghề đều được học nghề phù hợp. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tuyển sinh học nghề là 1.238.643 người. Trong đó CĐ nghề là 29.120 người (chiếm 2%), Trung cấp nghề là 58.917 người (chiếm 5%), Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.150.606 người (chiếm 93%), số lao động nông thôn học nghề là 794.147 người...

Giáo dục ĐH, CĐ ở ĐBSCL tiếp tục phát triển ổn định, toàn vùng hiện có 43 trường ĐH, CĐ (trong đó có 17 trường ĐH, 26 trường CĐ), ngoài công lập có 6 trường ĐH (tỷ lệ 14%). Trong 5 năm từ 2011 đến 2015 đã thành lập thêm 6 trường (4 trường ĐH và 2 trường CĐ). Về quy mô, năm học 2014-2015, quy mô SV chính quy của vùng là 130.896 SV (trong đó ĐH là 86.230 và CĐ là 44.666), tăng 9% so với năm học 2011-2012.

So với năm học 2011-2012, tổng số giảng viên cơ hữu trong các trường ĐH, CĐ trong vùng ĐBSCL tăng lên 1.876 giảng viên, từ 5.692 giảng viên lên 7.568 giảng viên (trong đó giảng viên giảng dạy trong trường ĐH là 5.425 giảng viên, các trường CĐ là 2.143 giảng viên). Số lượng giảng viên có trình độ sau ĐH trở lên trong các trường ĐH, CĐ của vùng là 3.896 giảng viên, chiếm tỷ lệ 52,7% tổng số giảng viên của vùng. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên trong các trường ĐH, CĐ đạt 8,9%. Với số giảng viên nêu trên, số SV chính quy/1 giảng viên quy đổi của một trường trung bình là 17,2 sinh viên/giảng viên...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".