Cơ hội để các trường đại học tiếp cận chất lượng quốc tế

GD&TĐ - Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế phát triển của các trường đại học (ĐH) trên thế giới, và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập trong khu vực và trên thế giới. 

GS Nguyễn Trọng Hoài phát biểu tại “Hội nghị chuyên đề nghiên cứu quốc tế về giáo dục đại học tại Việt Nam”
GS Nguyễn Trọng Hoài phát biểu tại “Hội nghị chuyên đề nghiên cứu quốc tế về giáo dục đại học tại Việt Nam”

Tuy nhiên, cần phải có những chiến lược cụ thể để giúp các trường vượt qua được những trở ngại về ngôn ngữ tiếp cận được với quốc tế hóa giáo dục (GD).

Xu hướng tất yếu

Nhắc tới những cơ hội và thách thức mà sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề quốc tế hóa, GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Giám đốc Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Mối quan tâm về quốc tế hóa giáo dục là mối quan tâm lớn ở cấp quốc gia. Đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển, thể hiện trong các văn bản của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐH.

“Chúng tôi rất mong muốn thúc đẩy quốc tế hóa GD hay hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong 3 năm gần đây, ở Việt Nam đã nêu lên được một khái niệm mới đó là quốc tế hóa GD ở Việt Nam và như vậy thúc đẩy sự phát triển của GDĐH, tiếp cận được nhiều hơn với bối cảnh toàn cầu”.

Với cương vị là nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GD, GS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, cho hay: Hiện nay các trường ĐH tại Việt Nam đã và đang tạo ra một trung tâm hội tụ các giảng viên ưu tú, hứa hẹn mang lại nhiều giá trị cho sinh viên. Chúng tôi cũng đang trực tiếp làm việc với nhiều giảng viên cũng như nhiều trường ĐH của Việt Nam nhằm giới thiệu các phương pháp giảng dạy quốc tế và việc ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ cho họ.

“Sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và sinh viên đến từ các nền tảng quốc tế đa dạng là cốt lõi của sựsáng tạo, đổi mới và điều này là vô cùng quan trọng cho Việt Nam và thế giới khi mà chúng ta đang dịch chuyển sang một kỉ nguyên số mới”, GS Gordon nói.

GS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam
GS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam

Nhiều rào cản để tiếp cận quốc tế hóa

Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, các chính sách cấp quốc gia đã đưa ra rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy hệ thống GD Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều hoạt động liên quan đến quốc tế hóa GD ở Việt Nam còn rất hạn chế.

“Chúng tôi áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu với 12 trường ĐH dựa trên những chỉ số quan trọng, xem xét các trường ĐH được thiết kế từ trước và sau 1980 - những năm tiến hành đổi mới; số lượng sinh viên so với mức trung bình của cả quốc gia; xem xét các trường ĐH công lập và ngoài công lập…

Tiến hành phỏng vấn các nhà lãnh đạo, quản lý của 12 trường ĐH với các yếu tố, chúng tôi nhận thấy, một cản trở đối với quá trình quốc tế hóa đó là năng lực tiếng Anh còn hạn chế của sinh viên và cả cán bộ các trường. Đây là một vấn đề khá lớn đối với các trường ĐH ở Việt Nam. Trong khi nếu muốn thực hiện quốc tế hóa để có thể tiệm cận được với các yêu cầu quốc tế thì đây là vấn đề rất quan trọng”, GS Nguyễn Trọng Hoài nói.

GS Nguyễn Trọng Hoài cũng chỉ ra những hạn chế từ các trường ĐH trong lĩnh vực nghiên cứu. “Họ có nguồn ngân sách khá hạn chế. Hầu hết các trường ĐH ở Việt Nam có nguồn thu từ học phí của sinh viên, nhưng học phí lại bị hạn chế theo quy định của pháp luật. Hiện nay có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH nhưng học phí vẫn là vấn đề hạn chế, do đó nguồn hỗ trợ kinh tế cho các trường ĐH cũng rất thấp. Chính vì vậy mà cơ hội để các trường ĐH Việt Nam tiếp cận được với chất lượng quốc tế cũng rất hạn chế”.

Hiện nay, tỉ lệ giảng viên có năng lực tiếng Anh trong các trường ĐH còn thấp. Vì thế, chúng ta cũng đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu muốn áp dụng chương trình quốc tế, mời giảng viên nước ngoài thì người học phải trả học phí khá cao, trong khi đó, nỗ lực để chia sẻ từ học phí này lại rất thấp. Đó là một nghịch lý ở Việt Nam.

PGS.TS Đặng Bá Lãm
PGS.TS Đặng Bá Lãm 

Vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo

Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, nếu chúng ta muốn tiếp tục phát triển, cần phải có những chiến lược cụ thể, giúp chúng ta vượt qua trở ngại ngôn ngữ, hướng đến quốc tế hóa hiệu quả hơn. Đặc biệt, để có thể thúc đẩy được quá trình quốc tế hóa thì vai trò của các nhà lãnh đạo cũng hết sức quan trọng.

Đồng quan điểm, GS Leuan Ellis, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Staffordshire (một trong những trường ĐH hàng đầu ở Anh) cho rằng một trường chưa kết nối được với những trường ĐH xung quanh thì chưa thể được coi là một trường ĐH.

GS Leuan Elliskhẳng định, việc kết nối là yếu tố quan trọng mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan và danh tiếng cho các trường ĐH. Cùng đó, tạo ra các cơ hội trao đổi, học tập cho sinh viên ở những môi trường khác nhau. Qua đó giúp sinh viên trở thành những công dân toàn cầu và có thể tiếp cận được với các nền kinh tế - xã hội của các quốc gia khác nhau. Từ đó nâng cao khả năng được tuyển dụng và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Còn theo PGS.TS Đặng Bá Lãm, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học GD, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, trường ĐH không chỉ là cỗ máy đào tạo nhân lực trình độ cao, mà còn là cỗ máy sản xuất tri thức. Trong hai chức năng đó thì kết quả thực hiện chức năng hoạt động khoa học quyết định vị thế của trường ĐH trong hệ thống ĐH quốc gia và quốc tế.

Thực tế, ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học tách rời GD ĐH, tách rời ứng dụng. Cả nghiên cứu và triển khai đều trùng lặp. Hệ quả nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH không được đề cao. Vì vậy, cần tăng nguồn lực cho hoạt động khoa học và định hướng nghiên cứu. Đây là điều kiện cần để chúng ta quốc tế hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực GD. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ