Sự phát triển nhanh mạnh này đã và đang đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của mọi đối tượng – từ trẻ em đến người lớn, điều này cũng đồng nghĩa với sự cần thiết có sự đảm bảo chất lượng của các trung tâm.
Sự cần thiết có một bộ tiêu chuẩn đánh giá
Theo TS. Hà Văn Sinh, GĐ Trung Tâm Ngoại Ngữ PTC – Nha Trang, kinh nghiệm của thế giới cho thấy việc tham gia vào một hệ thống kiểm định chất lượng luôn thúc đẩy các Trung tâm (TT) cải tiến để đảm bảo chất lượng của TT đồng thời giúp người họ có cái nhìn rõ hơn, yên tâm hơn, về một TT khi quyết định tham gia vào các khóa học ngoại ngữ.
Điều này còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển một ngành “công nghiệp ngoại ngữ” đã và đang có đóng góp to lớn cho sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Xu thế quản lý chất lượng trung tâm ngoại ngữ của các nước trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy vấn đề quản lý và kiểm định chất lượng các trung tâm ngoại ngữ tại VN – tuy rất khẩn thiết song không phải là vấn đề đơn giản.
Vì vậy, sự ra đời một bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam sẽ định hướng và giúp các trung tâm tiến hành việc đánh giá chất lượng dự trên các tiêu chí phù hợp thực tiễn Việt Nam đồng thời có thể tiệm cận với các tiêu chí quốc tế.
Nắm rõ các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng để tự kiểm định
TS. Hà Văn Sinh phân tích, trong khi chưa có các hệ thống kiểm định độc lập hoặc quốc gia, các TT có thể tham gia vào hệ thống kiểm định quốc tế - nếu có đủ nhân lực và tài lực, hoặc nắm rõ các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng để tự kiểm định, cải tiến và hoàn thiện, chuẩn bị cho tiến trình từng bước tham gia hệ thống kiểm định quốc tế khi điều kiện nhân lực và tài chính cho phép.
Quá trình chuẩn bị này sẽ giúp các TT có nhận thức đầy đủ về chất lượng và biện pháp quản lý chất lượng, chuẩn bị và bổ sung nhân lực cho mục tiêu công khai chất lượng của TT về lâu dài.
Để có thể xây dựng một bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cho một đơn vị đào tạo – bồi dưỡng ngoại ngữ phải tính đến các yếu tố tác động đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của một trung tâm.
Kiểm định chất lượng các trung tâm ngoại ngữ là việc làm cần thiết (ảnh minh họa - nguồn internet) |
Kiểm định chất lượng các trung tâm ngoại ngữ là một việc làm hoàn toàn mới ở Việt Nam và vì vậy việc tham khảo các hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế trước khi xây dựng bộ tiêu chuẩn là việc cần thiết.
NEAS (Úc) và BC (Hội Đồng Anh) là hai tổ chức kiểm định có nhiều kinh nghiệm với các nước Đông Nam Ávà vì vậy việc tham khảo các tiêu chí kiểm định chất lượng và cách làm của hai tổ chức này sẽ giúp xây dựng một bộ tiêu chuẩn phù hợp với thực tế Việt Nam và cũng là tạo cơ hội tiếp cận với xu thế, trình độ thế giới về chất lượng.
Vì vậy việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam cần theo quy trình sau: Tham khảo - Xây dựng - Thử nghiệm - Hoàn chỉnh -Triển khai.
Sau khi xây dựng xong, bộ tiêu chuẩn cần đưa ra thử nghiệm kiểm định ở một số trung tâm ngoại ngữ, bao gồm đầy đủ các loại hình và quy mô trung tâm nhằm đánh giá tính khả thi và mức độ phù hợp thực tế. Việc triển khai chính thức sẽ bắt đầu khi bộ tiêu chuẩn đã được hoàn chỉnh sau giai đoạn thử nghiệm.
Tiếp cận với các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế
Cả 2 bộ tiêu chuẩn của NEAS và BC tập trung vào 6 lĩnh vực chất lượng sau: Dạy, học và kiểm tra – đánh giá; Môi trường học tập; Tài nguyên và trang thiết bị; Quản lý và điều hành; Bồi dưỡng nâng chuẩn; Việc chăm sóc học viên dưới 18 tuổi.
Mỗi lĩnh vực có những tiêu chí tương ứng, ví dụ Khung kiểm định của NEAS bao gồm 6 lĩnh vực trên với 127 tiêu chí đánh giá. Khung kiểm định của Hội Đồng Anh cũng có 6 lĩnh vực và 117 tiêu chí. CAE (Commissionon English Language ProgramAccreditation, Mỹ) có 11 lĩnh vực và 44 tiêu chí kiểm định theo yêu cầu của Bộ Giáo dục Mỹ đối với chương trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường/trung tâm ngoại ngữ.
Những lĩnh vực kiểm định này bao gồm: chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất & trang thiết bị, năng lực tài chính và quản lý, các dịch vụ dành cho người học, tuyển dụng giáo viên, thời lượng và khung chương trình, kết quả học tập của người học.
Đánh giá chất lượng các trung tâm theo một bộ tiêu chuẩn quốc gia là một vấn đề hoàn toàn mới tại Việt Nam. Một số trung tâm đã tiếp cận với các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế như NEAS và BC. Tuy nhiên, phí kiểm định cao và những tiêu chí khắt khe của các tổ chức kiểm định quốc tế đã chưa thúc đẩy được các TT khác tham gia để có thể nâng cao chất lượng.
Việc ra đời một bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng các trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam sẽ định hướng và giúp các trung tâm bảo đảm chất lượng của mình trên cơ sở các tiêu chí phù hợp thực tiễn Việt Nam đồng thời có thể tiệm cận với các tiêu chí quốc tế. Quan trọng hơn cả, bộ tiêu chuẩn cần được xây dựng theo hướng giúp đỡ các trung tâm tập trung vào việc phát triển theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng cụ thể.
Dự thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Đề tài do TS. Trương Tiến Tùng là chủ nhiệm, trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị chủ trì. Vụ GDTX đang hoàn thiện dự thảo để xin ý kiến góp ý của các chuyên gia trong thời gian tới.