Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – bày tỏ sự thú vị với những dự án, đồng thời trao đổi ý kiến với 19 học viên của khóa học là nữ lãnh đạo các trường ĐH khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt thảo luận sôi nổi để làm rõ khái niệm thế nào là quấy rối tình dục, biểu hiện, nhận diện ra sao, chị em cảm thấy thế nào là đi quá ranh giới…
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc đã được Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp cận và triển khai cách đây 5 – 6 năm nhưng cũng gặp những khó khăn nhất định.
Những khó khăn này cũng đã được các học viên khóa học chỉ ra, đó là làm sao để chỉ rõ khái niệm và cần có một cơ chế để triển khai thực hiện. Bởi vì nếu hiểu không đúng, không làm rõ khái niệm thì sẽ không xử lý triệt để những vấn đề gặp phải, ví dụ như có ranh giới giữa việc vui vẻ để tạo nên môi trường làm việc tốt, năng suất lao động cao với việc quấy rối tình dục nơi làm việc. Có những hành vi có thể nhìn thấy ngay, nắm bắt được ngay. Nhưng cũng có những hành vi bị ẩn khuất đâu đó.
“Vì vậy, với vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc, phải tìm cho ra được phương thức nào phù hợp nhất để triển khai. Nên cách mà chúng tôi đang tiếp cận đó là đưa ra những khái niệm, cơ chế vận hành, đưa vào thí điểm để thử nghiệm xem có thể thực hiện được không trước khi nâng lên thành chính sách chung” – Ông Phạm Ngọc Tiến nhấn mạnh.
Tham dự buổi hội thảo của chị em các trường đại học, chuyên gia về bình đẳng giới Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đánh giá rất cao những nỗ lực và thành quả đạt được của những chương trình hành động này. Qua một thời gian ngắn, nhưng bằng những kiến thức thu nhận được, các chị em đã rất tự tin, bản lĩnh, đưa ra những đề xuất có thể táo bạo, có thể phù hợp điều kiện thực tế của địa phương mình. Điều quan trọng nhất, đây là cơ hội thể hiện khát vọng, mong muốn của chị em để làm việc gì đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ.
“Tôi cho rằng Hội thảo lần này là một cách rất hay để kết thúc khóa học, mỗi chị em đưa ra được kế hoạch cụ thể của mình. Ngay trong thời gian học tập, có chị em đã xây dựng kế hoạch hành động và triển khai trong thực tế, ví dụ như mở fanpage trên facebook để phản đối vấn đề bạo lực trên cơ sở giới” – ông Phạm Ngọc Tiến nhận định.