Giáo dục Việt Nam đã và đang tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển và hội nhập |
(GD&TĐ) - Kết quả kỳ thi khảo sát đánh giá PISA của OEDC công bố ngày 3/12 cho thấy: Vị trí của Việt Nam đứng ở tốp 10 và tốp 20 trên bảng tổng sắp, trong đó trình độ Toán học của học sinh Việt Nam đứng thứ 17 thế giới, cao hơn nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ. Đây là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị về chính sách, tổ chức, thực hiện, triển khai kỹ thuật… rất nghiêm túc của ngành Giáo dục.
Điểm mấu chốt giúp học sinh Việt tự tin
PISA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Programme for International Student Assessment – Chương trình đánh giá học sinh quốc tế" do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả – chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. PISA được thực hiện theo chu kì 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000). OECD hiện có 34 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao - là một diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cùng nhau bàn bạc giải quyết các vấn đề kinh tế của bản thân họ và của thế giới. |
Việt Nam xây dựng một kế hoạch hành động và từng bước triển khai thực hiện để đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo PISA. Đây cũng là cơ hội đổi mới để hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam, đồng thời chuẩn bị cho đổi mới chương trình, SGK sau 2015 của Việt Nam.
Để có được kết quả của kỳ thi PISA 2012, một loạt bước chuẩn bị về chính sách, tổ chức, thực hiện, triển khai kỹ thuật PISA, chuẩn bị cho kỳ khảo sát chính thức đã được thực hiện rất nghiêm túc, chu đáo, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, cán bộ cốt cán của 63 tỉnh thành phố của Việt Nam đã được nghe giới thiệu về PISA, cách kiểm tra đánh giá của PISA và một số dạng bài thi PISA. Nhiều trường phổ thông đã tổ chức giới thiệu PISA và các dạng câu hỏi cho học sinh từ tháng 9/2011 - 3/2012.
Tại kỳ khảo sát chính thức, chỉ đạo các Sở GD&ĐT tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo PISA trong năm học 2011 - 2012, cho học sinh làm quen với các dạng câu hỏi thi PISA, dạy học sinh kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm (vì học sinh một số nơi chưa biết đến các dạng câu hỏi thi trắc nghiệm).
Đây là điểm mấu chốt giúp học sinh tự tin hơn khi làm bài thi PISA. Và điều này có tác động tích cực đến nhà trường, không phải là để đối phó với kỳ thi PISA mà tự giáo viên có khát khao đổi mới kiểm tra đánh giá theo PISA để dạy và học tốt hơn.
Do vậy, việc giới thiệu PISA cho học sinh toàn trường là nhu cầu của các trường, toàn bộ học sinh của trường được nghe giới thiệu về PISA, các trường không tập trung giới thiệu riêng cho học sinh được rơi vào mẫu. Thực tế, khi các em biết mình được chọn tham gia PISA, thời gian đến ngày thi chỉ còn rất ngắn.
Khuyến khích học sinh tham gia kỳ thi khảo sát chính thức bằng cách đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, các em là những học sinh đầu tiên tham gia PISA của Việt Nam và đại diện cho học sinh Việt Nam tham gia PISA. Kết quả kỳ thi này sẽ xếp hạng giáo dục Việt Nam trên thế giới, nên các em cần cố gắng hết sức để làm bài cho tốt.
Ngoài ra, có trường còn phát phần thưởng, giấy khen cho học sinh. Trường nào được chọn tham gia PISA đều thấy trách nhiệm và tự hào, nên học sinh trường đó cũng rất có trách nhiệm và tự hào.
Thế mạnh của học sinh Việt Nam là Toán. Kỳ khảo sát 2012 tập trung nhiều câu hỏi Toán. Học sinh Việt Nam rất thích các hỏi thi của PISA, nên các em hào hứng làm bài. Do các em được làm quen với PISA trong năm học, nên đã chủ động kiểm soát được thời gian làm bài.
Điều này khác hẳn với các em học sinh khi được chọn tham gia khảo sát thử nghiệm đầy bỡ ngỡ, hoang mang, không biết PISA là gì.
Cán bộ khảo sát tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của OECD, không người nào dám nhắc bài học sinh vì cũng không dám chắc mình đã tư duy giống như học sinh tuổi 15 để đưa ra được câu trả lời chính xác. Tất cả các khâu chấm bài, nhập dữ liệu, làm sạch dữ liệu, chúng ta thực hiện rất nghiêm túc.
Kết quả đánh giá thông qua điểm số thể hiện tính khách quan trong sự phát triển giáo dục của Việt Nam |
Nhìn nhận thực lực
Đối tượng đánh giá là học sinh trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia (15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng – độ tuổi PISA). PISA hướng vào các trọng tâm về chính sách, được thiết kế và áp dụng các phương pháp khoa học cần thiết để giúp chính phủ các nước tham gia rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. |
Vui sướng, bất ngờ với những kết quả đạt được. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nghiêm túc phân tích những mặt còn hạn chế trong kỳ thi PISA vừa qua của học sinh Việt Nam, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục những mặt còn hạn chế.
PISA 2012 lấy Toán học làm trọng tâm nên đã có nhiều câu hỏi mới được biên soạn đáp ứng theo khung đánh giá năng lực hiện đại.
Các bài thi Toán học có số lượng nhiều, mới lạ, được cập nhật và đôi khi là những tình huống quá mới lạ với HS VN. Do đó, học sinh phải làm rất nhiều câu hỏi Toán học, không đủ thời gian làm bài, đành bỏ lại một số câu sau của quyển đề thi, mặt khác vì nhiều câu hỏi nên các lỗi về giải toán sẽ mắc nhiều hơn.
Số lượng bài thi và câu hỏi Toán học: 56 bài thi, 110 câu hỏi thi; Khoa học: 18 bài thi, 53 câu hỏi; Đọc hiểu: 13 bài thi, 43 câu hỏi.
Học sinh Việt Nam chưa được làm quen một số dạng toán gần đúng nên khó tính toán, suy luận; Một số tình huống xa lạ không có ở Việt Nam, nên học sinh trả lời theo ước đoán, thiếu chính xác.
Trong kỳ thi PISA 2012 của học sinh Việt Nam, lĩnh vực Đọc hiểu đạt kết quả thấp nhất trong 3 lĩnh vực. Đọc hiểu của PISA là đọc và trả lời các loại văn bản, nhiều loại hình văn bản nhật dụng như văn bản hành chính, văn bản Toán học, văn bản khoa học, thậm chí vẽ hình thay vì viết câu trả lời...
Văn bản mới lạ, nhiều tình huống xa lạ không giống như ở trường giáo viên thường ra đề. Khi không hiểu rõ câu hỏi, không hiểu rõ văn bản, thời gian trả lời câu hỏi ngắn, HS đã không làm chủ tốc độ làm bài và bỏ lại một số câu hỏi.
Khoa học (Science): Thực tế, đây là lĩnh vực gặp nhiều thách thức nhất của học sinh Việt Nam, do đặc điểm chương trình giáo dục của ta không có môn học mang tên Science trong nhà trường THCS và THPT mà HS được học các môn riêng rẽ Lý, Hóa, Sinh nên hạn chế về năng lực tư duy tổng hợp, liên lĩnh vực.
Tuy nhiên, các câu hỏi Khoa học được đưa vào đề thi lần này là các link unit (các bài đã được sử dụng trong kỳ PISA trước), đồng thời đó là các tình huống khá quen thuộc như về sữa, về ô tô, về một số loài sinh vật. Các dạng câu hỏi cũng ở mức độ khó vừa phải nên HSVN đã trả lời rất tốt.
Kỳ thi khảo sát đánh giá PISA 2012 tại Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của OECD |
Những bài học rút ra từ khảo sát giáo dục toàn cầu
Với những gì đã đạt được, có thể khẳng định Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia PISA 2012, chu kỳ đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời, nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và các nguyên tắc của OECD. Kết quả thực hiện phản ánh đúng năng lực của học sinh, đáng tin cậy.
Đặc biệt, học sinh VN đã nỗ lực và cố gắng hết mình để hoàn thành bài thi, đạt kết quả tốt. Điều đó cho thấy, HS VN học rất khá, không thua kém gì học sinh OECD.
Điều quan trọng sau khảo sát quốc tế này, chính là việc chúng ta sẽ phân tích kỹ báo cáo kết quả PISA 2013 để xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh để có chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục các yếu tố tiêu cực nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trước mắt là chất lượng giáo dục tiểu học, giáo dục THCS.
Theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kĩ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng - của từng điạ phương (không phải là đánh giá kết quả của các cá nhân các học sinh).
Đồng thời, sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua mọi khó khăn thách thức để chuẩn bị cho kỳ khảo sát PISA 2015. Tháng 4/2014, sẽ tổ chức KSTN, tháng 5/2015 tổ chức KS chính thức. Kỳ này trọng tâm là Science, không đơn giản như Science 2012 nên học sinh Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Học sinh Việt giỏi hơn học sinh Mỹ, Anh, Pháp Toán học: Việt Nam đứng thứ 17/65. Năng lực Toán học của học sinh Việt Nam ở top cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Điểm của học sinh Việt Nam cao hơn học sinh nhiều nước giàu của OECD: Áo, Úc, Đan Mạch, Pháp, Anh, Luxembourg, Nauy, Mỹ, Thụy Điển, Hungary, Israel, Hy Lạp... Đọc hiểu: Việt Nam đứng thứ 19/65, điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508, như vậy, năng lực Đọc hiểu của học sinh Việt Nam cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Kết quả Đọc hiểu của học sinh Việt Nam cao hơn các nước giàu có OECD vừa liệt kê trên trừ Úc. Khoa học: Việt Nam đứng thứ 8/65, xếp sau các nước/vùng theo thứ tự: Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Phần Lan, Estonia, Hàn Quốc. |
Gia Hân
TIN LIÊN QUAN |
---|