Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 436/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH), giai đoạn 2020 – 2025.
Việc ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH nhằm mục đích xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của GDĐH Việt Nam; Song song đó nhằm thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Từ đó, giải quyết căn bản những vấn đề tồn tại hiện nay do chưa có khung trình độ quốc gia mang lại như tiêu chuẩn đầu ra các trường không giống nhau, thiếu tính liên thông giữa các ngành, hệ đào tạo, bằng cấp đại học Việt Nam chưa được nhiều nước công nhận, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội…
Với những mục tiêu trên, Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với GDĐH Việt Nam nói riêng và sự phát triển của nguồn nhân lực quốc gia nói chung. Vì thế, các cơ sở giáo dục đã và đang đón nhận kế hoạch này trong tâm thế phấn khởi, thể hiện sự đồng tình cao.
Tuy vậy, bên cạnh đó, một số cũng bày tỏ sự quan tâm đến tiến độ của việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong GDĐH. Bởi thực tế công việc này không phải dễ, ở nước ta cho đến nay, chỉ có số ít ngành nghề xây dựng được tiêu chuẩn kỹ năng bậc đại học như 6 ngành ở Bộ Y tế.
Dù khó khăn, thử thách còn nhiều nhưng cũng có những căn cứ thực tế để tin tưởng rằng tiến độ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực của GDĐH theo kế hoạch sẽ đạt được. Bởi lẽ, cùng với xu hướng tự chủ, thời gian qua nhiều cơ sở GDĐH đã triển khai xây dựng chuẩn đầu ra gắn với xây dựng chuẩn chương trình đào tạo. Đặc biệt, nhiều chương trình đào tạo của trường ĐH Việt Nam được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của HCERES, AUN-QA; ABET...
Trên bảng xếp hạng quốc tế, nhiều trường cũng đã giành được những vị trí cao. Việt Nam có lợi thế của nước phát triển sau, học tập tốt kinh nghiệm của thế giới để rút ngắn thời gian thực hiện xây dựng Khung trình độ quốc gia. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT trong những năm gần đây đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo chất lượng GDĐH.
Chuẩn đầu ra của mỗi chương trình đào tạo được thực hiện ở các trình độ khác nhau phụ thuộc vào các chuẩn mực chung tối thiểu đối với từng ngành đào tạo. Theo đó, việc đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo theo từng ngành cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở GDĐH với doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp, với các bộ ngành, các chuyên gia, và với cơ quan quản lý Nhà nước về GDĐH. Đây là một việc làm không chỉ đòi hỏi tính khoa học, thực tiễn, trách nhiệm cao mà còn rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan.
Hơn lúc nào hết, thời điểm này là lúc vai trò của hội đồng ngành cần được phát huy cao nhất để xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành, tạo ra những chuẩn mực đào tạo chung tối thiểu, thống nhất trong toàn quốc đối với các ngành đào tạo nhưng không “lấn sân” hay làm thay các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Điều này đặc biệt cần thiết khi Luật GDĐH sau khi sửa đổi đã mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp bằng.