Cô học trò 'làm khó' giáo viên

GD&TĐ - Đậu Nguyễn Quỳnh Phương – lớp 12D1 (Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An) có tình yêu và đam mê tìm hiểu không giới hạn với lịch sử.

Quỳnh Phương và cô Hứa Hoa Mai – bồi dưỡng chính Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của trường.
Quỳnh Phương và cô Hứa Hoa Mai – bồi dưỡng chính Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của trường.

Đậu Nguyễn Quỳnh Phương – lớp 12D1 (Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An) là học trò đặc biệt hiếm gặp trong nhiều năm bồi dưỡng đội tuyển Lịch sử của giáo viên nhà trường. Em có tình yêu và đam mê tìm hiểu không giới hạn với lịch sử. Cũng vì vậy mà nữ sinh này khiến cô giáo lo lắng, hồi hộp nhất khi kỳ thi chính thức diễn ra, sợ em “mải phiêu” quên sắp xếp thời gian hợp lý cho từng câu hỏi.

“Phiêu” cùng kiến thức

Cô Hứa Hoa Mai – giáo viên bồi dưỡng chính của Đội tuyển Lịch sử, Trường THPT Lê Viết Thuật ấn tượng với Đậu Nguyễn Quỳnh Phương từ năm lớp 10 bởi tình yêu của em với môn học này. Cô chia sẻ, tâm lý nhiều học sinh khi tập trung ôn Lịch sử chủ yếu để phục vụ cho các kỳ thi. Nhưng Phương thì khác, em đam mê thực sự chứ không vì mục đích cụ thể nào.

Trong mỗi tiết học, nữ sinh chăm chú theo dõi bài giảng của giáo viên và chủ động đưa ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu đến cùng bản chất sự kiện, vấn đề. Bởi vậy, dù thành tích năm lớp 9 của em chỉ dừng lại ở kỳ thi cấp thành phố, cô Hoa Mai vẫn quyết định đưa Quỳnh Phương vào đội tuyển ôn thi tỉnh ngay từ cuối năm lớp 10 để “rèn vàng”.

Sau khi được lựa chọn vào đội tuyển, Phương càng có thêm động lực để cố gắng. Em chăm chỉ, chịu khó, luôn hoàn thành các bài tập cô giáo đề ra. Tại kỳ thi học sinh giỏi của trường năm lớp 10 - 11, Phương đều đạt điểm cao nhất. Những câu hỏi Phương dành cho cô giáo bồi dưỡng cũng nhiều hơn từ trong nước, ngoài nước, cổ đại đến hiện đại, có kiến thức tràn ra ngoài chương trình sách giáo khoa.

Thậm chí, nhiều vấn đề không phải là chính sử mà là dã sử, truyền thuyết, giả thuyết… Có câu hỏi cô giáo chưa thể trả lời chính xác, đầy đủ ngay lập tức mà phải tìm thêm tài liệu. Đọc nhiều, tìm hiểu sâu rộng đem lại cho Quỳnh Phương lượng kiến thức lịch sử lớn. Nhưng điều này vừa khiến cô giáo Hứa Hoa Mai tin tưởng và cả lo lắng.

Đậu Nguyễn Quỳnh Phương – lớp 12D1, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) đạt Thủ khoa HS giỏi tỉnh môn Lịch sử.

Đậu Nguyễn Quỳnh Phương – lớp 12D1, Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) đạt Thủ khoa HS giỏi tỉnh môn Lịch sử.

“Trong một số bài kiểm tra hoặc thi thử, em viết rất nhiều, rộng và có khi không đi vào trọng tâm. Hoặc có những đề em làm rất tốt, dày dặn nhưng chỉ được 2/3 yêu cầu do dành quá nhiều thời gian cho những câu hỏi trước mà không kịp làm phần sau. Nếu không biết “tiết chế”, kiến thức lịch sử sâu rộng của Phương có thể biến từ ưu điểm sang nhược điểm khi tham gia vào các kỳ thi với giới hạn về thời gian”, cô Hoa Mai chia sẻ.

Vậy là, không cần nhắc nhở ôn bài kỹ, đọc thêm kiến thức, với Quỳnh Phương, các cô giáo ôn đội tuyển phải có phương pháp riêng, vừa dạy học, cung cấp định hướng kiến thức, vừa tập trung rèn kỹ năng làm bài. Sự cố gắng của Phương đã được ghi nhận khi tại kỳ thi chọn HS giỏi tỉnh lớp 12, khi có bài làm “khá trọn vẹn, hết sức mình” và giành được 18 điểm, trở thành Thủ khoa môn Lịch sử.

Trong đề thi năm nay, ngoài câu hỏi kiến thức lịch sử, Phương chia sẻ rất thích câu liên hệ nói về “Sứ mệnh của thanh niên Việt Nam đối với Tổ quốc”. Ngay khi đọc đề em nghĩ về chiều dài lịch sử đất nước với sự hi sinh của thế hệ cha ông đi trước để bảo vệ, xây dựng, vun đắp đến ngày hôm nay. “Thế hệ chúng em được sống trong hòa bình, thì đất nước, Tổ quốc đã trải qua nhiều đau thương mất mát nhưng luôn kiên cường. Trong đó có người thân của em cũng từng ra trận chiến đấu góp phần bảo vệ Tổ quốc.

Từ việc thấu hiểu những giá trị tốt đẹp sẽ khiến mỗi người tự hào và có ý thức, hành động của mình tiếp nối thành quả của cha ông, gìn giữ độc lập chủ quyền thiêng liêng, quý giá của Tổ quốc. Biết học tập, tạo dựng giá trị bản thân để từ đó đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước”, Phương cho hay.

Cô Hoa Mai và 4 thành viên trong Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử.

Cô Hoa Mai và 4 thành viên trong Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử.

Tình yêu sử của trò là nguồn cảm hứng cho cô

Quỳnh Phương phải xa bố mẹ từ nhỏ, sống cùng ông bà ngoại. Ông bà là công nhân về hưu, nuôi thêm cháu ăn học ở thành phố nên điều kiện kinh tế không dư dả. Nhưng cô bé không thấy thiếu thốn mà luôn đủ đầy trong tình yêu thương vô bờ, sự chăm sóc, chở che của ông bà. Quỳnh Phương lớn lên với những câu chuyện lịch sử dân tộc, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà ông ngoại từng là người lính vào sinh ra tử. Điều đó đã nhen nhóm tình yêu lịch sử trong cô cháu gái nhỏ và sau này được bồi đắp thêm từ các thầy, cô giáo, nhà trường.

“Khi biết kết quả kỳ thi, em báo ngay cho ông bà. Ông bà của em vui lắm. Em thấy đã làm được điều mong mỏi từ lâu là khiến ông bà tự hào về mình và không phụ lòng các thầy, cô giáo đã tin tưởng, bồi dưỡng em”, Quỳnh Phương tâm sự.

Nữ sinh cũng chia sẻ, người ảnh hưởng lớn đến cách học Lịch sử của mình là cô giáo phụ trách đội tuyển: “Từ tiết học đầu tiên, em đã thích cách dạy của cô Hoa Mai. Thường thì trước mỗi bài học cô đều yêu cầu chúng em đọc và tìm hiểu các vấn đề liên quan. Sau đó lên lớp, cô sẽ giảng những phần trọng tâm và để học sinh đặt câu hỏi, thảo luận nội dung kiến thức của bài. Vì vậy, tiết học sinh động và cô trò nói chuyện, trao đổi với nhau rất nhiều”.

Để đáp ứng cách dạy học này, học sinh cũng phải biết cách tự học, tìm hiểu vấn đề ở nhà. Phương có cách học Lịch sử của riêng mình là tự ghi âm các bài học vào điện thoại. Sau đó, trong khi làm việc nhà, đi tập thể dục, em bật lên nghe lại. “Em nghĩ một bài hát, dù không chú tâm nhưng cứ nghe đi nghe lại mình vẫn thuộc, thì nghe ghi âm lịch sử cũng vậy. Và em thấy cũng hiệu quả khi tranh thủ vừa làm, vừa chơi vừa học”, nữ sinh nói.

Không chỉ riêng Phương mà các bạn khác trong đội tuyển cũng rèn được kỹ năng đọc hiểu, không học vẹt, lập sơ đồ tư duy. Đồng thời đặt ra lộ trình với mục tiêu nhỏ để từng bước nắm kiến thức một cách đầy đủ, hệ thống. Nhờ vậy, mà sắp xếp hợp lý thời gian ôn tập, luyện đề, rèn kỹ năng làm bài thi theo tiến độ chương trình môn học.

Nhưng ngược lại, cô Hứa Hoa Mai cho biết, chính tình yêu và sự nghiêm túc của Quỳnh Phương và các bạn trong đội tuyển đã truyền cảm hứng cho cô trong dạy học lịch sử. Để từ đó cô có niềm vui, động lực và cả “thử thách” không giống nhau ở mỗi buổi lên lớp giảng dạy, ôn tập. Có khoảng thời gian, nơi ôn thi tại văn phòng Đoàn trường trở thành ngôi nhà thứ 2 của cô và trò.

Sau chuỗi ngày miệt mài đó đã cho về quả ngọt khi ngoài danh hiệu Thủ khoa của Đậu Nguyễn Quỳnh Phương, 3 em còn lại cũng giành 1 giải Nhất, 2 giải Nhì. Đó cũng là thành tích cao nhất của Đội tuyển môn Lịch sử từ trước tới nay của Trường THPT Lê Viết Thuật.

“Tôi từng là học sinh chuyên Sử, đạt giải quốc gia, sau đó được đào tạo Lịch sử bài bản, chuyên sâu. Nhưng trước học sinh, tôi thấy mình vẫn chưa đủ và các em đã bổ sung cho mình, thôi thúc bản thân ngày càng hoàn thiện, yêu nghề và truyền ngọn lửa tình yêu lịch sử đến các thế hệ tiếp theo”, cô Hứa Hoa Mai chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ