* Thầy giáo 9x đam mê ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy
* Nữ hiệu trưởng không ngừng lan tỏa tinh thần đổi mới quản lý, giảng dạy
* Đổi mới bài giảng để "câu" học trò
* Cô giáo mầm non luôn nhiệt huyết với nghề vì tình yêu trẻ
Luôn cống hiến hết mình
Là một trong những cán bộ cốt cán của ngành giáo dục huyện Gia Lâm, cô Tuyết Lan đã có 22 năm gắn bó và công tác trong ngành giáo dục mầm non của Thủ đô.
Trước khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Thị vào tháng 7/2020, cô Lan đã có nhiều năm làm cán bộ quản lý của Trường Mầm non Dương Xá. Dù ở môi trường nào, cô đã luôn cùng với tập thể sư phạm đoàn kết, sáng tạo và có những đột phá trong công tác quản lý, giảng dạy để đưa phong trào nhà trường đi lên.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Lan cho biết, khi đến làm việc ở môi trường mới, nhà trường được UBND huyện Gia Lâm, Đảng ủy - UBND xã Phú Thị giao cho nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2020, cô luôn trăn trở phải làm sao để thay đổi toàn diện ngôi trường cả về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cũng như chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để đáp ứng yêu cầu.
"Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, cô Lan luôn gương mẫu trong công việc, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Mỗi công việc trong trường đều được cô giải quyết hợp tình, hợp lý, công việc có khó khăn đến đâu cũng được cô dần dần tháo gỡ. Trong công việc cô luôn gương mẫu đi sớm về muộn, nói đi đôi với làm, cùng giáo viên, nhân viên nhà trường xúc từng xe cát, nhặt từng viên sỏi… để trang trí khu vui chơi cho trẻ" - cô Nguyễn Thị Phương Liên, giáo viên Trường Mầm non Phú Thị nhận xét.
Được biết, ngày 14/4/2021, nhà trường đã vinh dự tổ chức lễ đón bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng cấp độ 2. Theo nhận định của nhiều giáo viên và phụ huynh tại trường, cô Tuyết Lan đã thực hiện tốt vai trò của người đứng đầu, làm cho diện mạo của nhà trường ngày một khang trang, sạch đẹp. Ngôi trường như được thay da đổi thịt sau mỗi năm dài vất vả của người lãnh đạo.
Qua tìm hiểu, vị nữ hiệu trưởng đã có nhiều bước đột phá trong công tác quản lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chất lượng cao. Cô đã đưa các phương pháp dạy học tiên tiến như Montessory, STEM, các phần mềm giáo dục vào trong thiết kế các hoạt động dạy trẻ trên các phần mềm Powerpoint, Canva, Padlet, E-learning…
"Chúng tôi phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ phụ trách chuyên môn xây dựng kế hoạch, tập huấn, củng cố kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) cho đội ngũ và ứng dụng phần mềm với mục đích đổi mới phương thức dạy học, nâng cao kỹ năng khai thác trang thiết bị dạy học hiện đại của giáo viên. Từ đó phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong các hoạt động dạy trẻ trong thời đại 4.0, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ", cô Tuyết Lan phân tích.
Không chỉ có cán bộ, giáo viên, nhân viên, cô Lan còn chỉ đạo tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với CNTT tại phòng máy tính với phần mềm Kismass… Chỉ đạo quản lý trang thiết bị, tính khẩu phần ăn trên phần mềm; quản lý chăm sóc nuôi dưỡng; quản lý chuyên môn (soạn bài online, dự giờ, thăm lớp online…) đánh giá xếp loại thi đua hàng tháng; đăng ký tuyển sinh trực tuyến, khai thác hệ thống camera giám sát.
Gần gũi để thấu hiểu giáo viên, học sinh
Khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù trẻ không tới trường nhưng cô vẫn quan tâm tới những học sinh khó khăn. Cô đã vận động, kêu gọi sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường mua ủng hộ và giải cứu số lượng lớn khoai lang giúp người dân. Bên cạnh đó, cô còn trao tặng các chốt trực kiểm dịch Covid-19 trên địa bàn xã Phú Thị một số món quà ý nghĩa như nước uống, khẩu trang…
Những việc làm của cô đã khiến phụ huynh học sinh vô cùng xúc động. Tiếng lành vang xa, ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể lan tỏa tình yêu thương đó với nhiều hành động thiết thực: những thùng mỳ tôm, bao gạo nghĩa tình, sự ủng hộ của các đội nhóm thiện nguyện đi cùng cô đến với những hộ nghèo, những mảnh đời cơ nhỡ, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
"Khi mình gần gũi và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em đồng nghiệp trong trường thì sẽ có cách chỉ đạo cho phù hợp với thực tế của đơn vị. Đồng thời, tôi cũng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ hàng năm, tháng Trong đó, quan tâm những nội dung đổi mới phương pháp giáo dục, tham mưu các cấp lãnh đạo đầu tư những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho các hoạt động dạy trẻ.
Với học sinh, tôi thường xuống lớp gần gũi với các con trò chuyện, giao lưu để hiểu các con, cũng như qua học sinh có thể biết để có cách chỉ đạo giáo viên sao cho có phương pháp giáo dục phù hợp với đặc thù học sinh lớp cô giáo đang chủ nhiệm. Phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để nắm bắt nguyện vọng của trẻ và cùng chia sẻ phương pháp giáo dục con tại nhà một cách khoa học", cô Hiệu trưởng Tuyết Lan tâm sự.
Trong thời gian trẻ nghỉ tại nhà để phòng chống dịch Covid-19, cô Lan đã xây dựng kế hoạch cho giáo viên, nhân viên quay video bài học, clip cách chế biến món ăn gửi cho phụ huynh để cùng giáo dục, chăm sóc các con tại nhà. Đồng thời gọi điện hỏi han về sức khỏe các con hàng ngày.
Cuối tuần, cô luôn vào phần mềm Zoom để gặp gỡ các con ôn lại bài, trao đổi để nắm bắt sâu hơn về tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh cũng như tạo sự gần gũi với trẻ. Trong thời gian sắp tới nếu dịch bệnh được kiểm soát, trẻ được trở lại trường, nhà trường sẽ tiếp tục có những phương án bảo đảm an toàn cho các con và xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế.