Áp dụng mô hình quản lý thông minh
Đó là những lời nhận xét chân tình từ nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường khi nói về cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội). Trong những năm qua, nhất là khi dịch Covid-19 hoành hành khiến thầy trò phải tạm dừng đến trường và phải chuyển học online, những giờ học trực tuyến của học sinh nơi đây đã trở nên sinh động hơn nhờ sự đổi mới, sáng tạo từ các thầy cô giáo, nhất là người đứng đầu.
Tâm sự với chúng tôi, cô Kim Dung cho rằng, cho dù dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, trong đó có giáo dục nhưng toàn ngành vẫn đang cố gắng, nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Trước mắt, nhà trường đang chuẩn bị kế hoạch dạy và ôn tập cho học sinh khối 9 khi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022.
Trong nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Kim Dung luôn miệt mài “lan tỏa” những ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại vào hoạt động dạy học và quản lý. Cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao, ý tưởng sáng tạo và mạnh dạn áp dụng vào trường học. Điều này đã mang đến những điều mới lạ, bài học bổ ích cho giáo viên, nhân viên và học sinh tại trường học của mình. Từ đó, cô cảm nhận được sự chuyển biến tích cực từ đồng nghiệp và học trò.
Cô Hiệu trưởng cho biết, thời gian qua mình đã áp dụng mô hình “lớp học kết nối” để có cơ hội giao lưu với nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc và quốc tế. Nhờ sử dụng khéo léo, linh hoạt phần mềm Skype và Microsoft Teams, cô đã đưa giáo viên và học sinh Trường THCS Đông La “đi du lịch vòng quanh thế giới” & “giao lưu văn hóa các vùng miền trên đất nước ta” qua màn ảnh nhỏ.
Bên cạnh đó, việc hệ thống hóa dạy học online, sinh hoạt tổ chuyên môn, họp cơ quan… trên nền tảng phần mềm Microsoft Teams cũng được nhà trường triển khai có hiệu quả. Đồng thời, cô Dung đã chia sẻ mô hình dạy học trực tuyến cho nhiều trường bạn trên cả nước. Cô cũng đi tập huấn cho hàng nghìn giáo viên ở một số tỉnh như Sơn La, Nam Định, Kom Tum, Quảng Trị...
"Lứa tuổi học sinh THCS có rất nhiều điều muốn chia sẻ, giãi bày. Hiểu và nắm bắt được tâm sinh lý của học sinh, tôi tạo đường link Padlet để các em có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình. Tôi cũng sử dụng nhiều ứng dụng trong Microsoft Team để thông báo các kế hoạch tuần, kế hoạch tháng, thông tư tới toàn thể cán bộ giáo viên nhằm thay đổi hình thức họp cơ quan trong nhà trường” - cô Kim Dung nói.
Không chỉ vậy, cô Dung thường sử dụng các công cụ như: Microsoft Forms, Kahoot, Quizizz; Sway, Padlet… để khảo sát thông tin và tổ chức các trò chơi cho giáo viên và học sinh trong nhà trường. Ví dụ như khai bút đầu xuân, ngoại khóa, 8/3, 20/10... Không những thế, cô còn hướng dẫn học sinh về ứng dụng Canva để các em có thể làm thiệp, video tặng thầy cô, bạn bè chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Học sinh đã biết làm các bài thuyết trình trong các hoạt động nhóm, ứng dụng một cách hiệu quả trong học tập.
Lan tỏa tinh thần đổi mới tới mọi người
Cô Nguyễn Kim Dung là một trong những thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam” trên Facebook. Từ đây cô đã quen và tiếp cận với rất nhiều đồng nghiệp giáo viên nhiệt huyết, sáng tạo trên toàn quốc. Các thầy cô luôn có một tinh thần sẵn sàng hỗ trợ nhau và cố gắng đưa nền giáo dục Việt Nam đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Từ hiểu biết cá nhân của mình, cô và các thành viên trong cộng đồng đã lan tỏa ứng dụng CNTT đến các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Hiện tại, cô Dung tham gia và là thành viên của rất nhiều hội nhóm ứng dụng CNTT vào dạy học như Team Hanoian, Dự án hỗ trợ giáo viên về CNTT, Dự án luyện phát âm và giao tiếp Tiếng Anh. Cô đã hướng dẫn nhiều giáo viên làm hồ sơ ứng cử để trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft.
Cũng theo cô Dung, với quan điểm “sẻ chia là hạnh phúc”, dù nhiều lúc bận rộn trong công việc gia đình nhưng cô vẫn luôn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa những giá trị giáo dục, sự thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý tới thật nhiều vùng miền. Những điều tuy bình dị nhưng mang lại hạnh phúc không chỉ cho bản thân cô mà còn góp thêm niềm hạnh phúc tới cộng đồng và xã hội. Nhiều buổi chia sẻ đến đêm khuya và thấy rất cảm phục tinh thần học hỏi của bạn bè đồng nghiệp trên toàn quốc.
Là giáo viên Thể dục tại Trường THCS Đông La, thầy Văn Công Thư chia sẻ: "Trong cuộc sống hay trong công việc, cô Dung luôn là một người vui vẻ, gần gũi, thân thiết với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Vì vậy mọi rắc rối trong công việc, những phản ảnh từ phía phụ huynh hay những lời tâm sự của các em học sinh cô đều vun vén vẹn tròn. Qua đó, tôi luôn cảm thấy ngọn lửa yêu nghề, yêu đời, yêu người trong ánh mắt, nụ cười, trong công việc và cuộc sống hàng ngày của cô. Cô cũng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa hướng về cộng đồng xã hội. Với nhiều cống hiến thầm lặng, cô đã gặt hái được nhiều thành công trên hành trình ấy".
Những nỗ lực trong phong trào: “Thi đua dạy tốt - học tốt”; “Đổi mới phương pháp dạy học”; “Ứng dụng CNTT vào hoạt động giáo dục” của cô Kim Dung đã đạt được kết quả cao, được các Ban ngành và các thành viên trong nhóm “Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam” ghi nhận. Những sáng tạo đổi mới về CNTT mà cô tích lũy đã trở thành những sáng kiến kinh nghiệm có giá trị, có sức lan tỏa trong ngành Giáo dục. Cô Nguyễn Thị Kim Dung đã có 2 sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B và C cấp ngành Giáo dục và 1 sáng kiến kinh nghiệm được Sở khoa học và công nghệ TP Hà Nội công nhận để xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố và cấp Nhà nước...