Mong muốn cống hiến cho quê hương
Cô giáo Lý Thị Ba sinh ra và lớn lên ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ văn năm 2018, cô được phân công về dạy tại quê hương. Trở thành giáo viên dạy môn Ngữ Văn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khao Mang, cô Lý Thị Ba luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được học trò yêu, đồng nghiệp quý.
Khao Mang là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống chiếm tới 90%, người Kinh chiếm 3% còn lại là đồng bào dân tộc Tày và Thái. Địa hình đồi núi bị chia cắt, thời tiết diễn biến bất thường là những khó khăn cho bà con nơi này. Nhiều năm gần đây, Khao Mang đang nỗ lực tạo sự đổi thay, trong đó vai trò của giáo dục được cho là hết sức cần thiết và quan trọng.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương miền danh thắng Mù Cang Chải, cũng là người cùng dân tộc với các em học sinh nên cô giáo Lý Thị Ba đã hiểu và hết sức đồng cảm với học sinh của mình. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, tôi luôn không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để thật sự xứng đáng là người gieo chữ - người mẹ thứ hai đáng tin cậy của các em học sinh thân yêu.
Cô giáo Lý Thị Ba và các đồng nghiệp trong trường sinh hoạt chuyên môn. |
Cô Lý Thị Ba tâm sự: "Từ khi còn nhỏ tôi đã ước mơ trở thành một người giáo viên để đem cái chữ về với các em nhỏ mến yêu của bản làng. Với bao nỗ lực không ngừng vươn lên trong học tập, tôi tốt nghiệp ngành Đại học sư phạm Ngữ Văn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ước mơ đó càng trở thành hiện thực hơn khi vào tháng 8 năm 2018 tôi trúng tuyển và được ngành Giáo dục Mù Cang Chải phân công về công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Khao Mang.
Hết lòng vì học sinh thân yêu
Trực tiếp đến gia đình học sinh để vận động phụ huynh cho con đi học là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô giáo Lý Thị Ba. Với vai trò chủ nhiệm lớp, cô thường xuyên phải xuyên rừng, vượt núi để đến các gia đình học sinh hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học để giúp đỡ bố mẹ, thuyết phục các em ra lớp.
"Tôi nhớ nhất một học sinh nữ có bố bị bệnh không lao động được, em phải ở nhà làm việc, không được đến lớp. Đi bộ đến nhà em vận động ra lớp trên con đường núi thật dài, nhà chỉ bên kia núi nhìn thấy được mà đi từ chiều sớm, lúc quay về đã 23h đêm", cô Lý Thị Ba cười vui nói.
Nhiều năm liền trong công tác giảng dạy, cô Ba đã cùng các đồng nghiệp chia ngọt, sẻ bùi với học trò. Từ giúp đỡ các em mua đồ dùng học tập cần thiết, đồng thời giáo dục các em tinh thần giúp đỡ, tương thân, tương ái, phát động phong trào nuôi heo đất để giúp đỡ những bạn khó khăn...
Bên cạnh đó, cô giáo Lý Thị Ba đã đã vận động học sinh luôn đi học đều và vươn lên trong cuộc sống. Có nhiều em đạt học lực khá, giỏi, trong đó có một học sinh đã được nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc năm 2020. Sau tốt nghiệp THCS, tỉ lệ phân luồng học sinh đi học THPT, Trung cấp nghề vượt chỉ tiêu.
Cô giáo Lý Thị Ba đến khu nhà ở cho học sinh và động viên các em học tập. |
Khi nói về nỗ lực trong công việc của mình, cô Ba cho biết: Trong công tác giảng dạy, tôi luôn không ngừng học hỏi, tự tìm tòi, tự bồi dưỡng; thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học; tích cực dự giờ học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp; mạnh dạn tham gia giảng dạy các chuyên đề chuyên môn tổ, cụm khu,… để nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân. Những nỗ lực không mệt mỏi của tôi chỉ mong có một điều duy nhất là dạy học thật tốt, để các em học sinh bản làng mình có tri thức để làm giàu đẹp cho gia đình, quê hương.
Ghi nhận những nỗ lực dạy học tốt và sự nhiệt thành trong công việc, ý chí không ngừng vươn lên trong công tác, cô giáo Lý Thị Ba được đánh giá luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày 20/7/2021, cô giáo Lý Thị Ba đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm học 2020-2021 đạt Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện. Năm học 2021-2022 đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Thầy Phạm Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang: Các thầy cô giáo đã đổi mới sáng tạo, kết hợp dạy học tích hợp liên môn, giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn bài học với thực tế, giúp học sinh hiểu bài học tốt hơn. Với môn Ngữ Văn, cô giáo Lý Thị Ba đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để tăng hiệu quả tương tác giữa cô và trò, tạo sức hấp dẫn môn học. Khuyến khích học sinh chủ động, tích cực trao đổi, nghiên cứu bài học; học sinh trình bày, báo cáo sản phẩm, tự đánh kết quả thảo luận, giúp các em mở rộng và có thêm nhiều kiến thức mới.