(GD&TĐ) - Tôi đến ngõ 280 đường Trường Chinh, Hà Nội để tìm tới nhà riêng của cô giáo Lê Bích Đào - phu nhân Thiếu tướng, Anh hùng Lê Mã Lương. Việc hỏi thăm không khó, bởi cô hiện đã nghỉ hưu và đang tất bật với công việc mới: Tổ trưởng dân phố.
Nhưng có lẽ ít ai biết rằng cách đây gần 40 năm, cô giáo Hà Nội ấy đã mang theo nỗi nhớ “người thương” và có mặt trong đoàn quân “đi B” làm nhiệm vụ “trồng người” trên vùng đất Cam Lộ, Quảng Trị.
Cô giáo Lê Bích Đào (thời trẻ) - ảnh do nhân vật cung cấp |
Hồi ấy, cô giáo Lê Bích Đào đang ở tuổi đôi mươi, nhưng suy nghĩ của chị đã rất chín chắn. Như lời chị kể, vào khoảng giữa năm 1972, trong lúc đang sơ tán dạy học ở Trường cấp 2 Tiền Phong (Mê Linh, Vĩnh Phúc), khi biết giặc Mỹ đang tăng cường đánh phá miền Bắc, chị đã rất lo cho ba mình (thân phụ của chị là ông Lê Ba, khi đó đang là Thứ trưởng Bộ Điện-than kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực miền Nam).
Ngày ấy, chị đã trải lòng mình trong những trang nhật ký: “Có thể mình sẽ bị chết vì bom đạn giặc Mỹ. Ôi, nhưng lo cho ba ta nhiều hơn. Cụ lại đi công tác ở Thác Bà, nơi chúng vừa ném bom phá hỏng nhà máy mới xây dựng. Ngành điện đang thiệt hại khá lớn, ba mình sẽ còn phải vất vả nhiều. Thương ông cụ quá, chỉ ước riêng mình phải chịu đựng khổ sở để ông cụ được mạnh khoẻ...”.
Cô giáo Lê Bích Đào |
Ngôi trường cấp 2 nơi chị sơ tán hồi đó được gọi vui là ngôi trường “Ba đảm đang” vì trường có 100% giáo viên là nữ. Năm nào nhà trường cũng “treo giải” bằng những món quà giản dị cho cô giáo nào làm đám cưới, nhưng chẳng chị nào chịu cưới chồng, đơn giản vì người yêu của họ còn đang ngoài mặt trận.
Dạo ấy, dẫu tình yêu người lính trong chiến tranh thường rất mong manh, song ai cũng vững tin chờ đợi. “Mỗi khi có dịp đọc lại từng trang viết trong cuốn nhật ký, tôi lại rưng rưng nhớ tới những người bạn đồng nghiệp. Họ từng nắn nót viết vào sổ ghi chép những tên chữ của tôi và anh lồng vào nhau, để rồi tôi gửi lại vào chiến trường tặng anh”, chị Đào tâm sự. Sau ngày tiễn chân người yêu vào chiến trường, ở hậu phương Lê Bích Đào cũng ra sức phấn đấu và sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Đầu tháng 8-1973, cô giáo trẻ Lê Bích Đào tình nguyện có mặt trong đoàn quân “đi B” chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước khi lên đường, chị phải tập trung học chính trị và được phát quân trang, quân dụng như một người lính chiến, gồm: ba lô, quần áo, tăng võng, dao găm, ăng gô… và mỗi người còn được phát một chiếc áo len.
Cuộc hành quân từ Bắc vào Nam của đoàn giáo viên “đi B” ngày ấy phải đi mất 11 ngày theo tuyến đường Binh trạm quân đội. Chuyến đi thật gian nan vất vả, khi đi xe, lúc đi bộ, cả trời nắng cũng như trời mưa, họ phải vượt đèo, lội suối và nấu ăn giữa rừng, nhiều đêm phải mắc võng ngủ trong nhà dân.
Chị Đào chia sẻ: “Trong chặng đường hành quân, tôi đã chứng kiến một gia đình ở Quảng Bình có cô con gái chờ người yêu là bộ đội đã hơn 10 năm, không nhận được tin tức gì, vậy mà chị vẫn chung thủy chờ đợi, nhất định không nhận lời yêu của ai khác. Chính tấm gương của chị đã an ủi, động viên tôi rất nhiều”. Chị cũng kể lại một kỷ niệm vui, đó là từ nhỏ chị và các nữ đồng nghiệp do chưa qua rèn luyện gian khổ nên trước lúc lên đường, trong ba lô quân tư trang của các chị đều… căng phồng đủ thứ. Rồi trên chặng đường hành quân vất vả, để tất cả đồ đạc mang theo được gọn nhẹ, các chị đã lần lượt phải “chia tay” các tư trang thân thiết của mình dù cho rất luyến tiếc, nhưng riêng chiếc áo len màu xanh lam thì vẫn luôn có trong hành trang của chị, bởi chị đã ấp ủ một điều: sẽ gỡ ra, đan tặng “người thương” đang có mặt ở chiến trường Quảng Trị.
Chiếc áo len do cô giáo Lê Bích Đào đan tặng người yêu - Anh hùng Lê Mã Lương - năm 1973 |
Vào tới Quảng Trị, ngay trong ngày đầu tiên, Lê Bích Đào và cô bạn gái thân thiết cùng đi trong đoàn đã xin phép tới thăm đơn vị của người yêu, còn người bạn gái cùng đi cũng muốn tới thăm nơi người yêu mình đã hy sinh trong trận chiến Thành cổ.
Những cô giáo trẻ đã tận mắt chứng kiến giữa mảnh đất đầy bom đạn ấy một cảnh tượng thật tiêu điều, xơ xác, những mảnh bom, mìn, bom bi, xác các loại xe tăng, xe bọc thép của địch vẫn còn đang vứt chỏng chơ. Hai chị đã gặp rất nhiều xe của Quân giải phóng và liên tiếp vẫy xe đi nhờ. Sau khi lội qua vài con suối, vượt qua hai quả đồi, hỏi mãi rồi chị cũng tìm được Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) của Lê Mã Lương.
“Khi ấy, anh đang là Chính trị viên Tiểu đoàn. Chúng tôi đã được các anh chiêu đãi bữa ăn toàn những đồ hộp: nào thịt hộp, cá hộp, ruốc… rồi những loại rau do các anh trồng được”, chị Đào nhớ lại. Cuộc gặp ngắn ngủi ấy sớm kết thúc, ngay chiều hôm ấy, hai chị lại tất tả vẫy xe trở lại Đông Hà, về tới nơi thì cũng đã 23 giờ đêm.
Những lá thư và nhật ký chiến trường của vợ chồng cô giáo Lê Bích Đào |
Chị Đào được phân công về Phòng Giáo dục huyện Cam Lộ và có những ngày tháng thật khó quên ở ngôi trường nằm sát đường 9, do bộ đội Sư đoàn 304 xây tặng nhân dân Cam Lộ. Số giáo viên mới về trường lúc đó gồm 6 người thì có tới 5 đồng nghiệp nam quê miền Trung, chỉ mình chị là nữ từ Hà Nội vào tăng cường. Vì không có giường ngủ nên cô giáo trẻ đã phải mắc võng nằm cả tháng trời.
Chị tâm sự: “Sau này, các anh bộ đội pháo binh đóng quân gần đó đã mang sang cho tôi những hòm đạn để kê làm giường và những tấm tôn che làm phòng ngủ, phòng làm việc. Các bà má thì đem vào cho chúng tôi nào rau, đậu, bí, chè xanh; các em học sinh cũng thường hái những bông hoa rừng về cắm lên bàn làm việc kê tạm của cô giáo. Chúng tôi đã sống trong tình yêu thương, đùm bọc của nhân dân xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ, những người dân nghèo khó nhưng luôn một lòng đi theo cách mạng”.
Sau một thời gian ngắn, những thầy giáo, cô giáo làm nhiệm vụ “trồng người” trên vùng đất còn vương khói súng ấy đã tranh thủ đi rừng kiếm củi, kiếm rau tàu bay, rau má... Lúc rảnh rỗi, chị Đào lại cùng các em học sinh tháo gỡ chiếc áo len màu xanh lam ra rồi đan lại thành một chiếc áo gửi tặng người yêu. Nhiều đêm bên ngọn đèn dầu leo lắt, Lê Bích Đào đã ngồi cặm cụi đan áo rất khuya và gửi gắm vào trong từng mũi len bao nỗi nhớ thương cùng sự hồi hộp, lo lắng sau mỗi trận đánh của anh. Một thời gian sau, chị lại xa người yêu, bởi Lê Mã Lương đã cùng đơn vị nhận nhiệm vụ hành quân vào Quảng Nam. Từ đó, chiếc áo len chị tặng đã theo anh suốt những năm tháng dọc dài khắp các chiến trường, từ Quảng Trị-Khe Sanh đến Thượng Đức-Quảng Đà, tới ngày đất nước thống nhất, rồi lại theo anh sang Campuchia, lên biên giới phía bắc…
Vừa ôn lại chuyện cũ, cô giáo Lê Bích Đào vừa giới thiệu với chúng tôi những kỷ vật kháng chiến của gia đình, đó là chiếc áo len, cuốn nhật ký và hàng trăm lá thư của hai vợ chồng hiện vẫn đang được lưu giữ cẩn thận. “Sâu đậm nhất là khoảng thời gian 4 năm chúng tôi yêu nhau từ 1971-1974, cũng là 4 năm chúng tôi xa cách vì bom đạn chiến tranh. Ngày ấy, những bức thư chứa chan tình cảm và ắp đầy những lời động viên đã trở thành nhịp cầu để hai chúng tôi vượt qua gian khó, mong chờ ngày non sông thống nhất”.
Hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm những kỷ vật kháng chiến, năm 2010, chị Lê Bích Đào đã gửi tặng chiếc áo len kỷ vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự , và như lời chị tâm sự: “Những lá thư úa màu thời gian, những cuốn nhật ký sờn mép hay chiếc áo len tôi đan tặng anh ngày nào đã trở những kỷ vật quý của gia đình. Nhìn vào những kỷ vật ấy, thế hệ trẻ sẽ có dịp hiểu thêm về thế hệ cha anh mình, những người từng một thời “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước”.
Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh