(GD&TĐ) - Gắn bó với trường THCS Giảng Võ ngay từ những ngày đầu thành lập, cô Đặng Hồng Phượng là một trong những giáo viên mà rất nhiều học trò cùng phụ huynh không thể nào quên. Bằng tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã giúp nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành.
Cô giáo Hà Nội
Cô giáo Đặng Hồng Phượng |
Thăm nhà cô giáo Phượng vào một chiều thu, nắng vẫn còn khá nóng, tuy nhiên khi bước vào căn nhà nhỏ nơi phố cổ, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự mát mẻ, thanh khiết…
Bên cạnh lọ hoa, tranh phố cổ là bức phù điêu độc đáo mà gia chủ đã rất khéo léo, khi sắp đặt một cách nghệ thuật, vào trong khung tranh chiếc đồng hồ đeo tay cũ, bánh đà của máy khâu cổ, cây ba toong, và những kỷ vật gợi nhớ tới ký ức một thời chiến gian khổ, thời bao cấp nhọc nhằn, cũng là hình ảnh thường thấy ở gia đình những cô giáo Hà Nội năm xưa.
Câu chuyện được bắt đầu với tâm sự xúc động của cô giáo Phượng về lớp học sinh lớp 9A10 do cô chủ nhiệm vừa mới ra trường.
Cô cho biết: “Thấm thoắt đã bốn năm trôi qua, ngày nào còn là những cậu bé, cô bé bước chân vào cổng trường, giờ đây đã là những cô, cậu thanh niên cao lớn phổng phao ra dáng lắm rồi, cảm giác “người chở đò” đưa học sinh sang sông trên chuyến đò đặc biệt này, đối với tôi rất bùi ngùi.
Thực là khó quên khi đã gắn bó với học sinh chừng đó thời gian, hiểu tính nết từng đứa. Học trò cũng giống như con mình vậy…và các con dường như cũng hiểu nỗi lòng của cô”.
Là giáo viên chủ nhiệm, cô Phượng đón lứa học sinh này vào THCS từ lớp 6 khi đã ở độ tuổi “bà giáo”, sức khỏe đã giảm, lại thêm sự cách biệt về thế hệ, trong lòng không khỏi lo lắng: liệu mình có đủ “chiêu” để “chiến đấu” với lũ hổ con cứng đầu này không…
Theo cô Phượng, đã vào nghề cố gắng “sống, chết” vì nghề, xác định “yêu nghề, nghề chẳng phụ” nhận việc gì là làm hết sức. Xuất phát từ chữ tâm, cô đã chuyển tải thông điệp này đến với các học trò của mình. Yêu cầu học sinh phải trung thực trong học tập, ép học sinh học tập xét trong một góc độ giáo dục cũng chưa hẳn đã là cách làm hay, nhưng việc đó giúp các em cảm nhận được từng bước tiến hơn lên của mình trong một mặt bằng chung, tạo sự hứng thú trong học tập.
Nắm hiểu học sinh ở lứa tuổi này, có sự biến đổi rất nhiều cả về thể chất và tâm sinh lý và đặc biệt trong xu thế xã hội ngày nay, khi hình mẫu học sinh chăm chỉ và có kết quả cao trong học tập dường như là chưa đủ với các em, mà còn phải có thêm những yếu tố có vẻ hơi “gai góc”, cá tính để tạo nên sự khác biệt, vừa biết học…hết sức, nhưng cũng phải biết chơi…hết mình.
Từ đó cô Phượng đã uốn nắn các em ngay từ những kỹ năng sống thông thường, từ việc sử dụng giấy, bút, kế hoạch chi tiêu những khoản tiền nhỏ, ý thức tiết kiệm, chia sẻ với cộng đồng…Tạo cho các em thấy được ngay từ những việc nhỏ cô đã yêu cầu khắt khe như vậy, thì việc học hành chắc chắn là chặt chẽ hơn nhiều.
Thực tế đúng như vậy, trong giảng dạy cô đã tạo sức ép đáng kể thậm chí có lúc “quân phiệt” với các em. Nhưng ngẫm ra, được tôi luyện trong một môi trường khắc nghiệt, sẽ giúp các em có một sức chịu đựng tốt, để vượt qua những thử thách lớn hơn sau này.
Khẳng định một “thương hiệu”
Chắc hẳn, các cô, nhiều trò sẽ không thể quên được món quà “mừng tuổi” với hàng lô bài tập toán…Nhưng nhờ có vậy, trải qua 4 năm học tập, rèn giũa, lứa học trò 9A10 của cô đã kịp “sưu tầm” một loạt thành tích học tập vô cùng ấn tượng với 43 giải cấp quận trong các kỳ thi học sinh giỏi, 24 giải học sinh giỏi cấp thành phố; trong đó có 4 giải nhất, 11 giải nhì, 8 giải ba, 1 giải khuyến khích. Trong cuộc thi giải toán trên Internet Violympic học trò của cô đạt 4 giải quốc gia với 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng …
Là giáo viên phụ trách môn toán, cô đã kịp thời truyền cảm hứng cho các em, tạo nên không khí thi đua học tập sôi nổi, hào hứng nỗ lực không ngừng để rồi từng bước ngoạn mục, đem về những tấm huy chương ghi nhận thành tích trong học tập. Chừng đó dường như đã quá đủ để khẳng định một “thương hiệu” bồi dưỡng học sinh giỏi của cô giáo Phượng từ nhiều năm nay.
Nói về cô giáo chủ nhiệm của mình, lớp trưởng Nguyễn Bảo Châu - Học sinh đạt giải Ba môn Hóa kỳ thi Học sinh giỏi Thành phố - cho biết: “Năm học vừa qua, lớp em có trên 50 bạn đỗ vào các trường chuyên danh tiếng tại Hà Nội như: trường THPT Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên ĐH Tổng hợp, chuyên Sư phạm, chuyên Chu Văn An,… Có nhiều bạn đỗ cả 3 trường như: Cao Khánh, Huy Vũ, Anh Quân, Bảo Châu, Trung Hiếu, Gia Thái… trong đó có 5 bạn đỗ thủ khoa. Có được kết quả này, một phần lớn do sự dạy dỗ, dẫn dắt của cô Phượng chủ nhiệm”.
Em Khương Lê Trung Hiếu, cũng là học sinh đã đạt nhiều giải nhất, nhì về môn toán ở cấp thành phố, cấp quận, trong lưu bút của mình đã tâm sự: “Cô Phượng là người mẹ của lớp A10, bốn năm gắn bó cùng lớp, cô hiểu rõ từng bạn, cô nghiêm khắc, khó tính mà vô cùng tâm huyết, tận tụy. Các bạn hay phàn nàn về lượng bài tập mà cô giao, nhưng nghĩ lại mà thương cô lắm! Cô ốm mà vẫn cố đi dạy, cô đi xe giữa buổi tối rét buốt để mua bó hoa về mừng cho đội tuyển toán thi tốt, cô chủ nhiệm như vậy thật là hết ý…”.
Chị Lê Thị Bình - Mẹ của em Nguyễn Bảo Châu, nói về cô giáo trong niềm vui pha lẫn xúc động, tự hào: “Cô Phượng đã tạo được sự hứng thú và sự ganh đua học tập cho các em học sinh, con tôi khi bắt đầu vào học lớp 6 so với lớp sức học cũng bình thường nhưng cô Phượng đã tạo cho cháu một động lực mạnh mẽ, tự phấn đấu vươn lên trong học tập. Một số phụ huynh khác cũng có cảm nhận như tôi, thậm chí không nghĩ là con mình lại tiến bộ vượt bậc như vậy, đó là sự khác biệt của cô Phượng…”.
MS 2029