Cô giáo vượt trăm cây số dạy tiếng Anh cho trò vùng biên

GD&TĐ - Thương trò vùng biên thiệt thòi, cô Lê Nguyễn Ái Vân luôn linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy để trẻ tiếp thu tiếng Anh một cách tốt nhất.

Kỉ niệm trên hành trình vận động học sinh ra lớp của cô Ái Vân cùng đồng nghiệp.
Kỉ niệm trên hành trình vận động học sinh ra lớp của cô Ái Vân cùng đồng nghiệp.

Vượt trăm cây số vì nhớ nhà

Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, sau khi tốt nghiệp Đại học, cô Lê Nguyễn Ái Vân (35 tuổi) được người quen rủ lên tỉnh Kon Tum công tác. Chưa có việc làm lại muốn đi nhiều nơi để trải nghiệm nên cô giáo trẻ thu xếp hành lý lên đường.

Tháng 12/2015 cô Vân chính thức nhận nhiệm vụ ở Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum). Những ngày đầu trường chỉ có 2 dãy phòng học nhỏ, còn nơi ở của giáo viên là khu nhà gỗ đã xuống cấp. Ở huyện biên giới Ia H’Drai nắng nóng quanh năm. Có những hôm trời oi bức, ở trong căn nhà được lợp bằng tôn, mồ hôi cô lã chã rơi.

“Thời tiết ở đây quanh năm khắc nghiệt, nắng nóng rất oi bức, khó chịu. Dù nóng nhưng mọi người vẫn cố gắng ở trong khu tập thể được lợp bằng mái tôn vì chẳng còn chỗ nào mát hơn. Thời điểm đó tôi chẳng biết phải làm sao, nước mắt cứ thế rơi”, cô Vân chia sẻ.

Thời điểm ấy đường sá nơi đây lởm chởm đất đá, mưa xuống lầy lội chẳng rõ lối đi. Sóng điện thoại cũng chập chờn, khi có lúc lại không nên mỗi khi nhớ gia đình cô Vân phải tìm đến chỗ cao để gọi về.

Cô Vân cùng học sinh vùng biên.

Cô Vân cùng học sinh vùng biên.

Ở xa gia đình, cuộc sống khó khăn đủ bề, cô Vân nhớ nhà da diết. Những ngày nghỉ cô tranh thủ vượt hàng trăm cây số về thăm cha mẹ. Say xe, không thể di chuyển bằng xe khách cô Vân chạy xe máy hơn 8 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Sau bữa cơm ấm cúm và ngủ một giấc ở nhà cô lại rong rủi trên xe máy quay trở về trường. Cũng có những hôm nhớ nhà bất chợt, cô gấp vội bộ quần áo rồi lên đường. 11 giờ đêm về đến nơi cả nhà đều bất ngờ, lo lắng vì thương con.

“Cha mẹ thấy tôi vất vả, cực khổ nên khuyên trở về nhà. Có thời điểm tôi cũng đắn đo, nhưng nếu tôi về lũ trẻ vùng biên sẽ thiệt thòi nên bản thân cố gắng lạc quan, vui vẻ. Dần dần những ngày khốn khó đã qua, để có nhiều thời gian dạy học cho các em mỗi năm tôi chỉ về nhà 1-2 lần. Thay vì cảm giác buồn tẻ, giờ tôi thấy rất yêu và gắn bó với mảnh đất nắng gió này”, cô Vân bộc bạch.

Một ngày cuối năm 2021 trên đường đi dạy thay ở điểm trường lẻ trở về, cô Vân không may bị té xe bất tỉnh. Nhờ được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên cô Vân không nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng kể từ đó, cô giáo trẻ thấy sợ, chẳng dám chạy xe máy một mình.

Hạnh phúc với tình cảm của trò

Những bông hoa tươi thắm cô Vân nhận được từ học trò.

Những bông hoa tươi thắm cô Vân nhận được từ học trò.

Ở huyện biên giới việc học tiếng Việt của trẻ người địa phương đã khó nên khi dạy tiếng Anh cho học sinh lại càng vất vả hơn. Có những kiến thức cô Vân dạy hôm trước đến ngày sau nhắc lại lũ trẻ đã quên. Nghĩ rằng không thể dạy trò theo cách thông thường, cô Vân nghĩ đủ trò để các em vừa học, vừa chơi.

“Học sinh nơi đây các em còn nhút nhát, ngại giao tiếp nên giáo viên luôn nhẹ nhàng, nghĩ đủ cách để giúp trò tiếp thu. Dù hơi khó khăn hơn vùng thuận lợi nhưng chỉ cần kiên trì, cố gắng thì mọi việc cũng tốt lên”, cô Vân bộc bạch.

Bên cạnh dạy chữ, những khi rảnh rỗi hay học sinh quên đến lớp cô Vân cùng giáo viên trong trường đến từng nóc nhà vận động, đưa các em ra lớp. Để các em thích thú khi đến trường cô Vân trích tiền lương mua mắm, muối hay bánh kẹo tặng trò. Sĩ số học sinh đến trường cũng dần tăng lên.

Dù khó khăn, vất vả nhưng cô Vân vẫn thấy vui, hạnh phúc vì tình cảm học trò dành cho mình. Dịp lễ 8/3 hay 20/11 những bông hoa dại, trái me, hoặc con cá suối… được học sinh mang đến, ngại ngùng dúi vào tay cô.

“Món quà tuy dân dã, nhỏ bé nhưng chứa đựng tình cảm dạt dào của trò vùng khó. Tôi rất trân trọng tình cảm ấy và hạnh phúc vì lũ trẻ đã nhớ đến những người dạy chữ. Đó là những kỉ niệm đẹp mà nhiều năm sau tôi cũng chẳng thể quên”, cô Vân tâm sự.

Thầy Quách Văn Vương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều giáo viên đang công tác tại trường nhà khá xa. Do đó thầy, cô phải ở lại đến cuối tuần hoặc vài tháng mới về thăm gia đình. Cô Vân cũng là một trong những giáo viên giảng dạy xa nhà, đường đi lại khó khăn nhưng rất tâm huyết và hết lòng vì học sinh. Thấu hiểu sự vất vả của giáo viên nên Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, chia sẻ để thầy, cô gắn bó lâu dài dạy chữ cho trò vùng biên.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Chọn môn thi - chọn tương lai

GD&TĐ - Khảo sát của nhiều sở GD&ĐT, Ngoại ngữ vẫn là môn được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT...

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.