Thầy giáo tiếng Anh sáng tạo phần mềm dạy học

GD&TĐ - Sáng đầu tuần, không ít người ở hành lang Trường ĐH Bách khoa tò mò nhìn theo một giảng viên lỉnh kỉnh với cặp, túi đầy máy móc: Laptop, bộ đàm, máy phát sóng, loa… theo sau còn có mấy trợ giảng cũng tay mang tay xách.

Giảng viên Nhữ Đình Ngọc Anh nhận Học bổng Chính phủ Australia
Giảng viên Nhữ Đình Ngọc Anh nhận Học bổng Chính phủ Australia

Nhìn thoáng qua cứ ngỡ thầy là giảng viên một môn kỹ thuật nào đó. “Không phải đâu! Đó là thầy giáo dạy tiếng Anh Nhữ Đình Ngọc Anh của chúng em đó – một sinh viên năm thứ tư giải thích”.

Tiết học giảng viên… ngồi chơi!

Giảng viên Ngọc Anh tiết lộ những chiếc túi anh mang máy móc nặng khoảng 20 kg. Ngoài đồ ở nhà chuẩn bị sẵn, anh còn qua phòng thiết bị mượn tiếp. Giờ túi cũng đã nhẹ hơn nhiều vì anh sắm được máy laptop “thanh cảnh” hơn, mua được loa nhỏ gọn hơn… Tất cả để phục vụ cho giờ học Tiếng Anh công nghệ 4.0!

Tiết dạy của Ngọc Anh rất khác biệt, lấy người học làm trung tâm, còn giảng viên thì... không làm gì! Trong lớp học có khoảng 25 – 30 sinh viên, luôn luôn có 3 nhóm, mỗi nhóm 3 sinh viên được giao phụ trách 3 tiết mục khác nhau để “trình diễn” trong buổi học. Ba nhóm sẽ sử dụng tất cả những công nghệ mà thầy Ngọc Anh đã dạy. Và giờ học cứ tự chạy, thầy Ngọc Anh chỉ ngồi… chơi, chữa bài, hoặc có khi giải quyết các vấn đề mà 3 nhóm không tháo gỡ được.

Để có được giờ học kỳ lạ như vậy, Nhữ Đình Ngọc Anh đã trải qua quãng thời gian nghiên cứu tạo dựng các mô hình và phần mềm dạy học tự động. Bộ môn của Ngọc Anh khá đặc biệt vì dạy đến 50 môn khác nhau, giảng viên phải ngồi soạn ra nhiều giáo trình, rồi lại thay đổi, cập nhật hàng năm Ngọc Anh đã tự đặt câu hỏi:

Tại sao sinh viên không chủ động ngồi xem video clip, sau đó có phần mềm gợi ý ra một video clip tương tự, tự thiết kế các bài giảng phù hợp với nhu cầu, tiến độ học tập của sinh viên? Khi đó, giảng viên chỉ cần ngồi một chỗ cũng biết được sinh viên của mình học bao nhiêu tiếng/tuần, hiện đang ở trình độ nào, sau 6 tháng đã tăng được lên trình độ nào…? Làm như vậy còn tăng được thời gian tự học của sinh viên.

Tích hợp công nghệ, truyền thông vào giáo dục

Năm 2014, ý tưởng dần thành hình hài khi Ngọc Anh lập Dự án VPROMISE (Vietnamese People"s Resolution of One Million IELTS (band) Seven or Equivalent) tổng hòa 3 thế mạnh: Giáo dục, Công nghệ và Truyền thông, dùng mô hình phần mềm học tiếng Anh chạy song song với show truyền hình… để dạy được đến 1 triệu học trò cùng lúc.

Phần mềm có thể tự động lên YouTube lấy một video bất kỳ, sau đó tự phân câu hỏi khó hay dễ tùy từng trình độ của người chơi. Mọi người cùng xem chung video clip nhưng bài tập ra cho các đối tượng lại khác nhau. Ra đề xong, phần mềm tự tua băng, chữa phát âm, từ vựng… kỹ lưỡng cho từng người.

Ngọc Anh còn là nhà đồng sáng lập “8 IELTS” - một show truyền hình dạy tiếng Anh có tính tương tác, dùng thần tượng để “dẫn dụ”, lấy cảm hứng cho khán giả nói tiếng Anh, từ đó tăng hứng thú học tập. Khi xem show, người xem vừa học tiếng Anh, đồng thời thông qua phần mềm đo được sự tiến bộ.

Ngọc Anh thường là người phụ trách về học thuật, thiết kế bài giảng trong show và phần mềm. Anh hợp tác với các học trò cũ giỏi lập trình, có cùng đam mê giáo dục. Phần mềm của nhóm thầy trò hiện hoạt động được hơn 2 năm trên cả Android và iOS, đã nâng cấp lên phiên bản 4.0 với khoảng 50.000 người cài đặt, 7.000 người dùng thường xuyên.

Năm 2017, Ngọc Anh đem dự án của mình đi thi Innovation ForGood Award tại Việt Nam do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức và giành giải Nhất. Hiện Ngọc Anh dự định phát triển một server Big Data rất lớn để xử lý dữ liệu người học. Anh đang thương thảo với một số đối tác để tiếp tục nâng cấp sáng tạo của mình.

Mỗi ngày như sống trong mơ

Năm 2016, Ngọc Anh nhận Học bổng Chính phủ Australia, du học Australia trong 2 năm. Với Ngọc Anh, đây là cơ hội đổi đời, giúp anh thực hiện những mong ước của mình. Ngọc Anh hướng trọng tâm vào giữa ngã ba: Giáo dục, Truyền thông và Công nghệ.

Thế nên những gì học ở trường không thỏa mãn được nhu cầu của anh. Vậy là ngoài giờ học chính khóa, 1 tuần Ngọc Anh tham gia 4 – 5 hội thảo về khởi nghiệp, truyền thông, lãnh đạo, giáo dục..., gặp những nhà đầu tư và những người cùng ý tưởng, đam mê với mình. Lúc nào Ngọc Anh cũng chỉ ước 1 ngày nhiều hơn 24 tiếng để đủ thời gian cho con người ưa hoạt động như mình thỏa sức đam mê, sáng tạo.

Ngọc Anh kể, các cuộc thi bên Úc rất thú vị và hữu ích cho những người trẻ đam mê khởi nghiệp, ví dụ trong vòng 24 giờ phải thành lập xong đội và làm ra dự án, viết phần mềm thi đấu với nhau, sau đó thuyết trình, phản biện, xin “cá mập” đầu tư. Những cuộc thi như thế giúp Ngọc Anh thêm kiến thức về khởi nghiệp, về những khái niệm mà nếu chỉ học kỹ năng giảng dạy tiếng Anh thì không bao giờ biết được.

Trở về bục giảng đại học ở Việt Nam từ 7/2018, Ngọc Anh tâm sự: “Tôi thấy mỗi ngày như sống trong mơ vì những gì mình ghi chép đã trở thành thực tế”. Ngọc Anh mới đăng ký tiết dự giờ bắt buộc cho chương trình song bằng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với một trường ở Anh.

Dù lúc đó là 7 giờ sáng nhưng các giảng viên đến dự giờ rất đông, bày tỏ sự thích thú với giờ dạy của Ngọc Anh, đề nghị anh mở lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ. Nhận lời đề nghị mà Ngọc Anh cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Vậy là trong thời gian sắp tới, không chỉ có một mình anh là người đột phá mà sẽ có một đội ngũ cùng tiến bước, để thời gian tới sẽ có thêm nhiều giờ học tiếng Anh công nghệ 4.0 ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

 Nhữ Đình Ngọc Anh

- Người Việt Nam đạt điểm tối đa phần nói trong kỳ thi IELTS;
- Sáng lập dự án V.P.R.O.M.I.S.E.;
- Giành Học bổng Chính phủ Australia; bằng Thạc sĩ loại High Distinction
- Quán quân InnovationForGood Award trong khuôn khổ Vietnam Internet Forum 2017;
- Quán quân giải thưởng Giáo viên tiếng Anh IELTS 2018 thế giới do Trường Đại học Cambridge, Hội đồng Anh, Tổ chức IELTS và Hiệp hội Các giáo viên tiếng Anh toàn cầu tổ chức;
- Đồng sáng lập chương trình “8 IELTS”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.