Cô giáo trường nội trú chia sẻ chuyện dạy 'học sinh hư'

GD&TĐ - Học sinh học nội trú thiệt thòi lắm vì vậy mỗi thầy cô dạy nội trú như tôi luôn cố gắng dành tình yêu thương, sự quan tâm nhiều nhất đến học sinh, để các em không cảm thấy thiếu thốn, thiệt thòi khi sống xa gia đình.

Cô Lê Thị Huyền Diệp (giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).
Cô Lê Thị Huyền Diệp (giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).

Cô Lê Thị Huyền Diệp (giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ.

Lấy danh dự để bảo lãnh học trò

Năm 2004, cô Diệp tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cầm trên tay tấm bằng sư phạm ngành Vật lý, cô Diệp được phân công về công tác tại Trường THPT huyện Bình Gia, huyện vùng núi khó khăn cách thành phố Lạng Sơn 70 km.

Ngày về nhận công tác, cô Diệp là một giáo viên trẻ khi chứng kiến cảnh học sinh của mình phải sống xa nhà đi ở trọ, thiếu thốn đủ bề, bữa ăn của các em chỉ cơm trắng với một ít rau, hôm nào sang lắm có thêm một ít lạc hoặc một ít cá cá khô. “Nhiều em gia đình khó khăn một tuần bố mẹ chỉ cho vỏn vẹn 10 nghìn đồng”, cô Diệp kể.

Thấy được sự thiếu thốn, khó khăn của học sinh, cô Diệp thường xuyên lui tới động viên, giảng bài phụ đạo cho các em.

Cô Diệp cùng học trò của mình những ngày ôn thi cuối. Ảnh Ngô Chuyên.

Cô Diệp cùng học trò của mình những ngày ôn thi cuối. Ảnh Ngô Chuyên.

“Lúc tôi đến với các em, không đơn thuần với vai trò là cô giáo mà còn như người chị đi trước. Ngoài hỗ trợ các em học, tôi cũng kể cho các em những câu chuyện nghị lực, cuộc sống sinh viên qua đó để các em có mục tiêu, ước mơ cho bản thân mình”, cô Diệp nói

Bốn năm công tác tại Trường THPT huyện Bình Gia, cô Diệp được điều chuyển về Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn.

Cô Diệp tâm sự: “Hai môi trường giảng dạy này khác nhau rất nhiều, đối với học sinh nội trú, thầy cô chính là cha mẹ, người thân. Thầy cô là người đồng hành, sát sao trong việc học tập, sinh hoạt hằng ngày của các em. Thậm chí những lúc các em ốm, sốt người đầu tiên bên các em chính là thầy cô”.

Cô Diệp kể thêm: “Trước đây, một học sinh tôi chủ nhiệm vi phạm nội quy rất nặng. Lúc đó, nhà trường đã phải thành lập hội đồng kỷ luật và hình thức kỷ luật là sẽ gọi gia đình đón về. Lúc đó, tôi sốc vô cùng tuy nhiên để xin cho học sinh có cơ hội sửa đổi, tôi đã lấy tư cách giáo viên của mình để bảo lãnh trước hội đồng nhà trường cho học sinh đó. Khi được tôi bảo lãnh, em ấy đã bật khóc”.

Để giúp em ấy lấy lại sự tự tin và thay đổi ngoài những giờ lên lớp, cô Diệp hằng ngày dành một khoảng thời gian 30 đến 1 tiếng để giảng dạy, động viên cậu trò đặc biệt này.

Sau thời gian một năm miệt mài học tập, thành tích của nam sinh đó đã được cải thiện. “Ngày em ấy nhận được giấy báo nhập học của Trường ĐH Công Nghiệp Thái Nguyên, em đã gọi điện cho tôi và nói mẹ ơi con đỗ đại học rồi. Tự dưng lúc đó, nước mắt tôi cứ tuôn trào, hạnh phúc vỡ òa”, cô Diệp chia sẻ.

Cũng chính sự gắn bó, tận tâm đó mà nhiều học sinh của cô Diệp đã gọi cô bằng hai từ thân thương “mẹ Diệp”.

Hy sinh niềm vui riêng

Cô Diệp luôn tận tụy giúp học sinh hiểu bài. Ảnh Ngô Chuyên.

Cô Diệp luôn tận tụy giúp học sinh hiểu bài. Ảnh Ngô Chuyên.

Khác với những giáo viên trường THPT bình thường, giáo viên trường nội trú, ngoài việc giảng dạy các cô còn đảm nhiệm công tác trực đêm, kèm cặp học sinh học hành. Để có thể hoàn thành tốt công việc của mình, mỗi giáo viên nội trú luôn có sự đồng hành, thông cảm của gia đình.

Cô Diệp chia sẻ: “Nhiều hôm đi từ sáng sớm, đến tối muộn mới về, có những hôm đi trực, chồng đi làm xa phải gửi con cho ông bà chăm sóc. Dẫu thương con, nhưng nhìn thấy học trò xa gia đình chỉ có mỗi thầy cô bên cạnh những chạnh lòng đó biến mất đi lúc nào không hay”.

Cô Diệp nói thêm: “Con gái tôi từng viết trong bài tập làm văn của mình “mẹ em là một cô giáo, ngày phải lên lớp, tối đến soạn bài, chữa bài qua mạng cho các anh chị, nhiều hôm còn đi trực ở trường. Không có thời gian chơi với con, nhưng con hiểu và thông cảm con cho mẹ, con tự hào về mẹ, mẹ hãy cố gắng”, tôi đã bật khóc khi đọc những dòng văn đó. Nhưng đó cũng chính là động lực để tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa”.

Theo chia sẻ của cô Lương Ngọc Thanh – Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn, cô Diệp là một giáo viên vững chuyên môn, là người rất tận tụy với học sinh. Đối với mỗi bài giảng, nếu học sinh chưa hiểu cô sẽ cố gắng tận dụng mọi thời gian, thậm chí giảng đi giảng lại làm sao cho các em hiểu và làm được bài tập, nhưng điều gì mà tốt nhất cho học sinh là cô không ngần ngại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ