Từ đó đến nay đã hơn 10 năm, năm nào cậu học trò nhỏ cũng không quên gọi điện chúc mừng cô ngày 20/11 khiến tôi xúc động mãi...
Đó là tâm sự của giáo Đỗ Thị Đậu - Giáo viên chủ nhiệm lớp 6 (Trường THCS Di Trạch – Hoài Đức – Hà Nội). Cô Đậu cũng là người vừa nhận giải thưởng Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố.
Làm bạn với trò từ những ngày đầu tiên
Gia đình cô Đậu có mẹ là giáo viên dạy cấp 3, bố là bộ đội - luôn công tác xa nhà vì tính chất công việc. Có lẽ điều đó khiến mẹ cô vất vả hơn khi vừa chăm con, chu toàn mọi công việc gia đình, vừa đảm bảo công tác ở trường ở lớp. Mẹ cũng là thần tượng của cô Đậu. Đó cũng chính là lý do cô Đậu quyết theo nghề giáo và hạnh phúc bên người chồng cũng làm việc trong quân đội.
Theo chồng, cô Đậu quyết định chuyển công tác về Hoài Đức (Hà Nội) để gần gia đình chồng hơn. Và cũng từ đó, cô Đậu như có duyên với mái trường THCS Di Trạch, cho đến nay cũng đã 5 năm.
Đảm nhiệm vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp, lại là khối lớp 6 – lớp đầu tiên và căn bản của khối THCS, cô Đậu gặp không ít khó khăn, làm sao để các em “tạm quên” đi môi trường Tiểu học để hòa nhập với trường mới, bạn bè, thầy cô mới. Hơn nữa, với những học sinh còn chậm tiến bộ, mải chơi, hay những học sinh không hòa đồng, ngại giao tiếp,… cô Đậu phải “nghiên cứu” kỹ tâm lý từng đối tượng học sinh để có những cách dạy, cách uốn nắn cho phù hợp.
Đặc biệt, do tính chất công việc, phụ huynh học sinh đi làm từ sớm đến tối muộn mới về nên việc gặp gỡ, trao đổi giữa nhà trường và gia đình khi cần thiết gặp nhiều khó khăn. Cô Đậu phải trò chuyện qua điện thoại, hoặc nhờ ban phụ huynh học sinh trực tiếp đến nhà nên gặp nhiều hạn chế.
Là một giáo viên chủ nhiệm, cô Đậu có cơ hội gần gũi và gắn bó với học trò nhiều hơn. Ngay khi các em đặt chân vào mái trường, cô và trò đã làm quen và cùng “làm bạn” với nhau. Mỗi học sinh là một sắc màu khiến cô giáo trẻ càng yêu nghề, yêu trò và phấn đấu nhiều hơn.
Cô Đậu cho biết: Là một giáo viên chủ nhiệm thì việc tìm ra biện pháp giáo dục học sinh, nhất là những học sinh cá biệt gặp không ít khó khăn. Tôi đã phải kết hợp với Hội Cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể vừa theo dõi, vừa uốn nắn các em. Có biểu hiện gì không đúng, thì giảng giải cho các em hiểu việc đó sai chỗ nào, khắc phục điều đó ra sao.
Tôi nghĩ mỗi người đều không nên miệt thị hay trì triết học sinh. Mỗi chúng ta phải luôn tôn trọng các em, phải coi các em như con, như em của mình. Tình yêu thương của các thầy cô sẽ khiến học sinh cảm nhận một cách… “dễ hiểu, dễ vào” nhất.
Có lẽ tình yêu học trò đã khiến cô Đậu luôn đạt giải cao trong các phong trào, các cuộc thi và đặc biệt là giải nhất cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp Thành phố. Cô cũng là giáo viên đạt giải C sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố trong năm vừa qua.
Là giáo viên dạy môn Toán nhưng cô Đậu cho rằng: Ngoài dạy kiến thức, giáo viên còn phải dạy cho học sinh kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, đánh thức tiềm năng , năng khiếu ở mỗi cá nhân học sinh để các em có thể phát huy và phát triển độc lập. Lập kế hoạch cụ thể, giao việc đúng người, xử lí đúng đối tượng, khen chê động viên khuyến khích kịp thời…là những kinh nghiệm mà cô Đậu muốn chia sẻ.
Chưa có ngày khai giảng cùng con!
Song song với công việc, cô giáo trẻ luôn cố gắng là một người mẹ biết quan tâm chăm sóc cho con; một người vợ - hậu phương vững chắc cho chồng bảo vệ bình yên bầu trời Tổ quốc.
Sắp xếp công việc hợp lý để dành thời gian cho gia đình, nhưng nhiều lúc, cô Đậu cảm thấy có lỗi khi nghe các con tâm sự. Cô con gái nhỏ luôn nói: “Ước gì mẹ làm nghề khác để tối mẹ không phải thức soạn bài như vậy. Mẹ sẽ có thời gian chơi cùng con, xem ti vi cùng con,...” Cũng vì chồng đi công tác xa nhà thường xuyên, một mình “đóng hai vai” nên cô Đậu khó có thời gian chơi với các con.
Kỉ niệm mà cô nhớ mãi và cũng luôn cảm thấy áy náy, đó là khi con trai khi vào lớp 1 với mong muốn: “Mai con muốn được mẹ đưa con đến trường mới dự khai giảng mẹ ạ! Chưa năm nào mẹ đi khai giảng với con”.
Biết là ngày đầu tiên con vào lớp 1 rất có ý nghĩa với con. Nhưng ngày đó mẹ cũng như cô giáo của con phải tiếp nhận lớp học trò mới. Mẹ của con cũng phải làm công việc giống cô giáo của con nên mẹ không thể đưa con đi.
Nhìn con trai lủi thủi đi dự lễ khai giảng, cô giáo trẻ lại quay đi, nén giọt nước mắt vào trong để động viên con. Đúng là, một giáo viên có thể dự lễ khai giảng với hàng trăm học sinh, nhưng với con mình thì lại không có ngày ấy, nhất là khi chồng cô Đậu cũng không thường xuyên ở nhà.
Sau những lần trò chuyện đó, cô Đậu lại thức khuya hơn, bởi cô dành thời gian chơi đùa, tâm sự, học bài cũng con. Khi con đã ngủ, cô lại dậy soạn bài bên ánh đèn và cũng chẳng bao giờ để ý đến thời gian.
Cô Nguyễn Thị Diệp – Hiệu trưởng Trường THCS Di Trạch - nhận định: Cô Đậu là một giáo viên giỏi chuyên môn về Toán - Tin, luôn giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những phần thiết kế bài giảng cần ứng dụng Công nghệ thông tin.
Mặc dù điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn, chồng là phi công, bố mẹ già, con nhỏ nên cô Đậu rất vất vả để sắp xếp công việc cũng như thời gian cho gia đình. Tuy vậy, cô Đậu vẫn nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi Toán cấp huyện, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm quý báu chia sẻ với đồng nghiệp, được mọi người yêu mến, tin tưởng.
Trong cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi vừa qua, cô Đậu là 1 trong 5 giáo viên được Công đoàn Thành phố Hà Nội tuyên dương là Giáo viên vượt khó trong cuộc thi. Hàng năm, phụ huynh đều gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà trường vì sự tận tâm của tập thể giáo viên, trong đó có cô giáo trẻ Đỗ Thị Đậu. Đó cũng là niềm vinh dự của chúng tôi khi được phụ huynh tin yêu.