Người thầy đi khai hoang, mở trường ở vùng cù lao sông nước

GD&TĐ - Bài viết về tấm gương thầy Mai Văn Vân- người thầy được nhân dân huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng trìu mến gọi là “người đi khai hoang mở trường” đã vinh dự được nhận giải Nhất cuộc thi viết về Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017.

Người thầy đi khai hoang, mở trường ở vùng cù lao sông nước

Tác phẩm “Khi nằm xuống chỉ mong được qua trường lần cuối” của tác giả Cao Xuân Lương đạt giải Nhất tại cuộc thi viết "tấm gương nhà giáo Việt Nam" năm 2017 viết về tấm gương của thầy giáo Mai Văn Vân- Phó hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng).

Tác giả Cao Xuân Lương - giáo viên trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng), một cộng tác viên thân thiết của Báo Giáo dục và Thời đại- cho biết: Tôi biết thầy Mai Văn Vân từ năm 1999. Nghe chuyện thầy kể, tôi rất ấn tượng về thầy, nhiều lần muốn viết về thầy nhưng chưa thể viết được vì cứ thấy có cái gì đó chưa thật “nóng”.

Khi cuộc thi viết “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” năm 2017 được phát động thì người đầu tiên tôi nghĩ tới là thầy Mai Văn Vân. Đây là cơ hội tôi được khắc họa chân dung thầy, một người con của thành phố Sóc Trăng nhưng cả đời gắn với vùng cù lao sông nước, được người dân Cù Lao Dung gọi là “người đi khai hoang mở trường”.

Thầy Mai Văn Vân nhận bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng

Thầy Mai Văn Vân sinh năm 1959 ở phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ, thầy không xin về Sóc Trăng mà chấp hành sự phân công của tổ chức, tình nguyện về nhận nhiệm vụ tại Cù Lao Dung.

Năm 1990, thực hiện chủ trương chuẩn hóa các trường THCS, 4 trường THCS  trong xã An Thạnh 2 gom lại còn 1 trường THCS ở trung tâm xã. Có những điểm trường cách biệt chỉ đi lại được đường sông, nhiều học sinh học hết lớp 5 phải nghỉ học. Thầy đã đề nghị mở 3 điểm lẻ THCS, có hơn 500 học sinh tham gia học. Đến nay những điểm lẻ đều trở thành trường THCS trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

Ngoài ra, thầy còn là Trưởng ban phụ trách công tác Chống mù chữ và Phổ cập giáo dục tiểu học của xã An Thạnh 2. Với nhiệm vụ này thầy hoàn thành xuất sắc và được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 1998.

Năm 1997, trường THCS An Thạnh 2 được chuyển thành trường THPT cấp 2-3 An Thạnh 2 với 87 học sinh lớp 10. Lúc đó, do thiếu giáo viên THPT nên nhiều phụ huynh chuyển con em họ đi nơi khác học và trường có nguy cơ… không có học sinh.

Nắm bắt tình hình đó, thầy đã đề nghị BGH trường, UBND xã, Hội CMHS cho xin tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… với chính sách ưu đãi và hợp đồng thỉnh giảng giáo viên cấp 3 các trường lân cận.

Kết quả, nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh đầu quân về trường công tác và trở thành cư dân đất Cù Lao Dung như cô Huỳnh Thị Diễm Ngọc, thầy Trần Văn Thạch, thầy Ngô Quốc Hưng…Từ đó, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao.

Học sinh trường THPT Đoàn Văn Tố

Năm 2002, huyện Cù Lao Dung chính thức được thành lập. Cả huyện chỉ có 1 trường THPT, thầy Mai Văn Vân đã nghĩ đến việc học sinh THCS của các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam và một số địa bàn của xã An Thạnh 2, sau khi tốt nghiệp THCS có nhiều em nghỉ học do nhà ở xa trường THPT Đoàn Văn Tố.

Vì vậy, thầy đã đề nghị lãnh đạo cho mở phân hiệu cấp THPT tại trường THCS xã An Thạnh 3. Thực tế cho thấy, việc mở phân hiệu THPT tại trường THCS xã An Thạnh 3 đã giúp nhiều học sinh theo học hết chương trình THPT và đến năm 2005, trường THPT An Thạnh 3 được thành lập.

Hiện nay, số học sinh của trường trên 380 em, với 10 lớp. Như vậy, chỉ từ 1 lớp 6 năm học 1981-1982 của trường THCS An Thạnh 2, đến nay, với sự đóng góp không nhỏ của thầy Mai Văn Vân, huyện Cù Lao Dung có 3 trường THCS, 2 trường THPT, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn học sinh được đến trường học tập đầy đủ.

Thầy Mai Văn Vân và học sinh Trường THPT Đoàn Văn Tố

Trường THPT Đoàn Văn Tố được thành lập vào năm 1997, đến năm 2017 là tròn 20 năm. Trong thời gian đó, trường đã có 4.148 học sinh học lớp 12, trong đó có 3.425 em đỗ tốt nghiệp THPT, trên 500 em đỗ vào các trường đại học có danh tiếng.

Con số này so với các trường bạn thì không lớn nhưng với vùng đất cù lao cách trở này lại là kỳ tích. Nói như thế là vì, năm 2001 trường có 75 học sinh tốt nghiệp THPT, trong khi đó, từ năm 1975 cho đến trước năm 2000, số học sinh của đất Cù Lao Dung học xong lớp 12 chưa tới con số này. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại huyện có tới trên 80% là học sinh cũ của trường.

Khi được hỏi những năm đầu về trường có nhiều khó khăn như vậy, đã có lúc nào thầy tính đến chuyện rời cù lao như nhiều người trước đó hay không thì thầy nói ngay: Hồi còn học THCS ở Sóc Trăng, tôi đã sang Cù Lao Dung nên hiểu được thiệt thòi của các em học sinh ở đó. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ ở Cù Lao Dung, tôi đã xác định mình sẽ gắn bó với vùng đất này.

Thầy giáo được mệnh danh là “người đi khai hoang mở trường” của huyện Cù Lao Dung

Năm 2019 tôi sẽ nghỉ hưu, với gần 40 năm gắn bó với đất Cù Lao Dung, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc rời nơi này để về Sóc Trăng. Còn hỏi cái gì níu chân tôi ở Cù Lao Dung thì tôi nói ngay đó là tình người sâu nặng, là lòng ham học, hiếu học, quyết tâm theo học của con người đất cù lao đã níu chân tôi lại.

Thầy Vân chia sẻ: "Bao năm tháng ở đây, tôi nhận được rất nhiều tình cảm của phụ huynh, của học sinh, của đồng nghiệp rất sâu sắc. Những ngày mới sang, khó khăn không thể tả nổi, phụ huynh cho gạo, học sinh mang thức ăn tới, thầy trò chung tay chung sức xây dựng trường. Kỷ niệm đó làm sao quên được, làm sao mình có thể đi nơi khác được.

Với tôi, Sóc Trăng là nơi sinh, còn Cù Lao Dung là nơi tôi gắn bó hết đời mình. Sau nay, khi nằm xuống, tôi chỉ có một mong muốn là hãy cho tôi được đi qua, nhìn lại trường lần cuối là mãn nguyện rồi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.