Một người thầy lặng lẽ

GD&TĐ - Dáng người cao gầy, bước đi lúc nào cũng như vội vàng về phía trước, nét mặt cương nghị và đôi mắt dù đã ở độ tuổi xấp xỉ lục tuần vẫn sáng như một nghị lực không mệt mỏi, một quyết tâm làm tất cả những gì tốt đẹp cho các em học sinh, cho đồng nghiệp và cho ngành Giáo dục.

Một người thầy lặng lẽ

Nhiều ý tưởng sáng tạo

Trường Tiểu học Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là điểm sáng điển hình của toàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh về mô hình thư viện xanh, được xây dựng từ năm 2013. Cái độc đáo của thư viện xanh này là những ống nhựa có nắp đậy, đựng sách, báo được cuộn lại ở bên trong, và treo lên cành cây. Mỗi cây là một chủ đề như Thế giới đó đây; Văn học; Toán học; Báo Thiếu niên Tiền phong, để các em học sinh tìm đọc. Ý tưởng này của thầy Hiệu trưởng Phan Duy Dương xuất phát từ hình ảnh cái ổng quyển của học sinh thời xưa.

“Trước năm 1945, chúng ta cũng đã từng có ổng quyển để các sĩ tử bỏ sách vào, lều chõng đi thi. Lấy ý tưởng đó, tôi đã sáng tạo nên những ống sách cho học trò thời nay. Được sự đồng lòng của toàn thể giáo viên nhà trường, thư viện xanh đã được dựng lên với những cây tri thức như thế. Dưới gốc cây có ghế đá để các em ngồi đọc, trao đổi với nhau”, thầy Phan Duy Dương nói.

Mặc dù sau bão, thư viện xanh bị thiệt hại lớn, nhưng nhà trường đã kịp thời khắc phục để học sinh vẫn tiếp tục được sử dụng. Bên cạnh đó, trường còn thành lập được CLB Dân ca ví giặm, tham gia các cuộc thi, liên hoan cấp huyện, tỉnh và giành được giải cao. Từ đó, giáo dục các em về truyền thống văn hóa quê hương, giữ gìn và phát huy di sản quý báu đó.

Quan trọng nhất vẫn là phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt. Với vai trò là Hiệu trưởng, thầy Dương tích cực chỉ đạo sát sao nhà trường triển khai các hoạt động đổi mới giáo dục như: Áp dụng các nhân tố tích cực Mô hình Trường học mới; thay đổi đánh giá học sinh theo Thông tư 22; giáo dục theo hướng mở, để học sinh mạnh dạn, tự tin hơn… Nhờ đó, góp phần giữ vững và phát huy vị trí tốp đầu về chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Kỳ Sơn trong tỉnh. Năm 2013, trường cũng đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2, giai đoạn 2013 - 2018.

Muốn trò giỏi, thầy phải giỏi và nhiệt tình

Sinh ra và lớn lên trong không khí của một gia đình nhà giáo, cậu con trai cả Phan Duy Dương cũng thích theo nghề dạy học. Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Hà Tĩnh, thầy giáo trẻ rời quê nhà ở huyện Lộc Hà đến công tác tại huyện Kỳ Anh - một trong những địa bàn vùng xa xôi, khó khăn nhất cả tỉnh.

“Lần lượt dạy học tại các xã Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Sơn, càng tiếp xúc, gắn bó với học sinh, tôi lại càng yêu thích nghề giáo, trân trọng nghề hơn. Làm cái gì cũng vậy, phải đam mê mới nghĩ ra được nhiều sáng tạo”, thầy Dương tâm sự.

Chính vì sự cố gắng, nỗ lực với nghề, với học sinh một cách vô tư như thế, nên ở đâu, và ở cương vị nào, thầy cũng đạt được những kết quả xuất sắc. Khi đang là giáo viên dạy Toán cấp 2 tại trường phổ thông cơ sở, thầy liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện đồng thời bồi dưỡng nhiều em đạt học sinh giỏi các cấp. Thầy Dương còn nhận đỡ đầu, giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, để các em yên tâm đến trường.

Giờ đây, nhiều học sinh của thầy đã thành đạt, trong đó có những người tiếp nối bước chân của thầy, cũng trở thành nhà giáo. Thầy Dương quan niệm, để có được học sinh giỏi phải có thầy giỏi. Ở địa phương còn nhiều khó khăn, học trò thiếu thốn, vất vả, thì giáo viên phải nhiệt tình, chăm lo cho các em.

Để góp phần tạo nên những thế hệ giáo viên có tài năng và tâm huyết như thế, thì phải cần đến trách nhiệm sự quan tâm, bồi dưỡng của người quản lý. Năm 1995, thầy Phan Duy Dương được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Lâm sau khi được tách ra khỏi trường phổ thông cơ sở. Sau 10 năm gắn bó, thầy lại được điều chuyển đến Trường Tiểu học Kỳ Sơn cho tới nay. Hơn 20 năm quản lý, điều mà thầy luôn giữ đó là sự công tâm, trách nhiệm và phải “biết cách quản lý, sử dụng người”.

Suốt cuộc đời hơn 30 năm cống hiến trong nghề cho đến nay, thầy Phan Duy Dương đã vinh dự nhận được nhiều thành tích, bằng khen. Mới đây nhất là danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2017, như một sự ghi nhận xứng đáng cho biết bao nỗ lực không mệt mỏi bao năm qua của một thầy giáo làng.

Nhưng thành quả lớn nhất mà thầy giáo già nhận được, chính là sự yêu mến của học sinh, tin tưởng của phụ huynh và sự tôn vinh của cán bộ, giáo viên nhiều thế hệ. Đó cũng là phần thưởng cao quý nhất cho một người làm nghề cao quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…