Xem trò như con
Cô Y Lót (SN 1988, người Giẻ Triêng) sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) nên đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Từ những ngày còn nhỏ, khi ngồi trên ghế nhà trường Y Lót đã ước mơ trở thành cô giáo. Bởi cô muốn tương lai của mình sẽ tốt đẹp hơn, không phải vất vả, khó nhọc bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đồng thời, nếu trở thành giáo viên Y Lót có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho học trò nghèo vùng biên, nơi mình sinh sống.
Để biến ước mơ thành hiện thực, Y Lót rất chăm chỉ đến trường và học tập. Không phụ sự mong mỏi của bố mẹ và cố gắng, nỗ lực của bản thân Y Lót thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Đến năm 2011, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Khoa Tiểu học - Mầm non thì cô giáo Y Lót được biên chế vào ngành Giáo dục huyện Ngọc Hồi. Sau đó, cô được phân công về công tác tại xã Đăk Ang, một trong những xã khó khăn nhất của huyện.
“Mặc dù có công việc ổn định nhưng mình luôn cố gắng học tập, trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Qua đó, mình vận dụng vào thực tế để yêu thương, chăm sóc trẻ. Mình xem học trò như con mình nên luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Mình nghĩ rằng nếu bản thân dành tình thương cho các em thì học trò cũng sẽ ngoan ngoãn, yêu quý mình”, cô Y Lót tâm sự.
Để các em chăm chỉ đến trường, cô Y Lót sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo ở trẻ.
Vận động cho trẻ ra lớp
Cô Y Lót tâm sự, trước kia khi mới đảm nhận công việc giảng dạy thì cái khó khăn nhất đối với cô là phụ huynh không có thói quen cho con em mình đến trường học mẫu giáo. Do đó, cô thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh cho các em ra lớp học chữ.
Tuy nhiên, người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy nên thường đi từ sáng đến tối mới về nhà. Để có thể gặp được phụ huynh, cô Y Lót tranh thủ khi trời còn chưa sáng tỏ hoặc đêm đến nhà trò chuyện, sẻ chia cùng gia đình học sinh. Những ngày đầu, cô chỉ nhận lại những cái lắc đầu. Nhưng nhờ kiên trì vận động nên qua nhiều tháng phụ huynh cũng đồng ý cho con em mình ra lớp.
“Việc vận động phụ huynh cho các em ra lớp đã khó, nhưng giữ chân các em ở lại càng khó hơn. Chính vì vậy, mình thường xuyên sáng tạo, tự làmnhững đồ dùng, đồ chơi dạy học cho trẻ. Bên cạnh đó, sáng tạo xây dựng các góc học tập theo chủ đề, chủ điểm để phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của trẻ. Qua đó, giúp các em hình dung được môi trường sống xung quanh và tạo hứng thú cho trẻ yêu thích đến trường”, cô Y Lót tâm sự.
Cũng theo cô Y Lót, học sinh của trường trên 70% là con em đồng bào DTTS nên việc tăng cường Tiếng Việt rất quan trọng. Chính vì vậy, Y Lót thường xuyên khuyến khích phụ huynh ở nhà phải thường xuyên giao tiếp với con bằng Tiếng Việt. Đồng thời, ở trường cô Y Lót sử dụng cả Tiếng Việt và tiếng bản địa để trò chuyện, giảng dạy các em. Từ đó, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn và nâng cao vốn Tiếng Việt.
Không những thế, cô giáo Y Lót luôn tiên phong và nêu cao trách nhiệm trong công việc, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động dạy học với đồng nghiệp theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm. Đồng thời cô luôn là người tiên phong trong các cuộc vận động và các cuộc thi do trường cũng như ngành phát động. Với những nỗ lực, cống hiến của mình thì nhiều năm liền cô giáo Y Lót luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hưng - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Ang cho biết, cô Y Lót là giáo viên có năng lực và nhiều sáng tạo trong chuyên môn. Bên cạnh đó, cô luôn hoà đồng và thân thiện với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh.
Theo cô Hưng, bên cạnh công tác dạy học, cô Y Lót còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của trường, địa phương. Năm học 2020-2021, cô giáo Y Lót vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Giấy khen của Sở GD&ĐT vì có những thành tích xuất sắc trong công tác dạy học.