Thầy trò gặp khó
Thời gian qua, một số xã trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đạt chuẩn nông thôn mới. Vô tình cũng khiến đời sống giáo viên và học sinh gặp không ít khó khăn. Khi xã lên nông thôn mới, học sinh mất chế độ bán trú, do đó bữa cơm của các em không được đủ đầy dưỡng chất như trước. Bên cạnh đó, những năm qua cũng có một số trường hợp giáo viên xin nghỉ dạy hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, theo ngành Giáo dục huyện Kon Plông có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng không hoàn toàn vì xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Võ Xuân Tựu, Phó phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), cho biết: Từ năm 2020 đến nay, có khoảng 7 giáo viên xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc có lý do. Trong đó, có khoảng 4 - 5 giáo viên xin chuyển công tác để về gần nhà, có thể chăm sóc cho bố mẹ già hoặc con nhỏ.
Riêng những trường hợp xin nghỉ việc, theo ông Tựu chủ yếu là giáo viên tại xã Pờ Ê, khu vực khó khăn của địa phương. Giáo viên xin nghỉ việc với những lý do: Nhà cách nơi giảng dạy xa, đường sá khó khăn hoặc có con nhỏ…
Theo ông Tựu, là một trong những khu vực khó khăn của tỉnh Kon Tum, do đó ngành Giáo dục luôn tạo mọi điều kiện và khích lệ tinh thần giáo viên. Bên cạnh đó, các nhà trường gần gũi, chia sẻ và tạo điều kiện để tăng thêm thu nhập cho giáo viên. Từ đó, giúp thầy cô gắn bó hơn với giáo dục vùng khó.
Tương tự, huyện Đăk Glei trong những năm qua cũng có một số trường hợp xin chuyển công tác. Theo ông Lê Hải Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, địa phương là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đường sá xa xôi, hiểm trở và đời sống của giáo viên, học sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành Giáo dục luôn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ. Cũng theo ông Lâm, đối với những giáo viên đủ năm công tác, nếu có mong muốn thì địa phương sẽ tạo điều kiện để luân chuyển.
Quan tâm, sẻ chia với giáo viên
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, cho biết: Qua tìm hiểu, nắm bắt thông tin, trong năm học 2020 - 2021 trên địa bàn huyện Kon Plông có 9 trường hợp xin nghỉ dạy và chuyển công tác sang địa phương khác. Những trường hợp này là giáo viên đang công tác tại xã Pờ Ê và thị trấn Măng Đen. Lý do những giáo viên xin nghỉ dạy và chuyển công tác là vì sức khỏe không đảm bảo hoặc làm công việc khác.
Theo bà Trung, xã lên nông thôn mới sẽ có nhiều mặt mang tính lâu dài, chiến lược. Tuy nhiên, cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Nhưng qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên, những trường hợp xin nghỉ để chuyển qua làm công việc khác thì không xuất phát từ việc xã lên nông thôn mới.
Để kịp thời hỗ trợ cán bộ, giáo viên, đặc biệt ở những vùng khó khăn, ngành Giáo dục đã tăng cường động viên về tinh thần cũng như vật chất. Bên cạnh đó, quan tâm, ưu tiên đặc biệt đối với giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT phối hợp với Công đoàn các cấp thường xuyên quan tâm, theo dõi để động viên kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên vùng sâu, vùng xa ổn định tư tưởng, an tâm công tác.
“Song song với việc quan tâm, động viên tinh thần giáo viên, về lâu về dài sở đang tính đến giải pháp tăng cường đào tạo theo địa chỉ để sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng kiến nghị, đề xuất với các cấp để có những chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo viên”, bà Trung chia sẻ.