Cô giáo Thủ đô thầm lặng cống hiến với 'bảng đen, phấn trắng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Đỗ Thị Sáng - trường THCS Mai Dịch vẫn lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" với bảng đen, phấn trắng.

Cô Đỗ Thị Sáng trao đổi bài với học trò.
Cô Đỗ Thị Sáng trao đổi bài với học trò.

Say mê từng tiết dạy

Với những thầy cô ở trường THCS Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hình ảnh cô Đỗ Thị Sáng hiện lên chính là sự say sưa trong từng tiết dạy, tận tụy khi bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Trong một buổi dạy cuối chiều dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5, dù trời muộn, cô Sáng vẫn say sưa hướng dẫn học trò cùng với chồng vở cao ngất bên cạnh.

Hết tiết học, cô giáo này mới có thời gian kể về quãng thời gian gắn với mái trường THCS Mai Dịch. Thấm thoát 24 năm, cô Đỗ Thị Sáng về công tác tại trường. Hơn hai thập kỷ giảng dạy, cô luôn dành toàn bộ nhiệt huyết, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà giáo trước học sinh.

Không còn là cô sinh viên 21 tuổi với mái tóc đen dài năm nào, nhưng nữ nhà giáo này vẫn vững tay chèo và hết lòng vì thế hệ học trò. Hơn 20 năm ấy, cô Đỗ Thị Sáng đã “chở” biết bao nhiêu học trò sang sông, đã giúp biết bao nhiêu khát vọng vào bờ và đã biến biết bao nhiêu ước mơ thành sự thực. Từng ấy năm không phải quãng thời gian dài đối với một đời người nhưng lại là khoảng thời gian đáng quý, đáng trân trọng trong sự nghiệp trồng người.

Trong thời gian công tác, cô đã đưa biết bao "chuyến đò" cập bến thành công. Đơn cử như năm học 2018-2019, nhiều khó khăn, thách thức hiện ra như thay đổi trong phương thức thi cử, nhiều học sinh có năng khiếu, yêu thích bộ môn Ngữ văn nhưng lại từ chối tham gia đội tuyển.

Tuy vậy, cô Sáng luôn động viên, khích lệ tinh thần học trò. Cuối cùng “trái ngọt” cũng đến, đội tuyển học sinh giỏi môn Văn lớp 9 do cô bồi dưỡng đã có 3/5 học sinh tham gia thi cấp quận Cầu Giấy đạt giải. Trong đó có 2 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích.

Dù là tổ trưởng chuyên môn, cô Đỗ Thị Sáng luôn thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, không độc đoán áp đặt chủ quan. Cô cũng thường xuyên đi dự giờ, rút kinh nghiệm và đưa ra các cách giải quyết tình huống rất hay, giúp ích cho các giáo viên rất nhiều trong công tác chuyên môn.

Với những giáo viên trẻ mới ra trường còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, cô tận tình hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ để ai trong tổ cũng tiến bộ, vững chắc hơn về chuyên môn. Trong trường, mọi người thường đùa vui “thấy Sáng là thấy nụ cười tỏa nắng”.

Cô Đỗ Thị Sáng (bên trái ngoài cùng) và đồng nghiệp trường THCS Mai Dịch.

Cô Đỗ Thị Sáng (bên trái ngoài cùng) và đồng nghiệp trường THCS Mai Dịch.

Với nhiều giáo viên trẻ, ai cũng từng chật vật với giáo án, hồ sơ, sổ sách của các hoạt động chủ nhiệm, hoạt động sinh hoạt Đoàn. Cạnh đó, áp lực công việc cộng với bản thân chưa có kế hoạch, hướng đi, phương pháp cụ thể khiến nhiều thầy cô mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, cô Đỗ Thị Sáng đóng vai “tiền bối” cẩn thận, tỉ mỉ chữa từng giáo án trước khi giáo viên trẻ lên lớp.

Có những bài soạn đến vài lần vẫn chưa đạt, cô Sáng chẳng một lời nào chê trách mà chỉ vỗ vai động viên: “Cố gắng nhé! Lần sau chắc chắn sẽ tốt hơn”. Và cả kỉ niệm thi giáo viên giỏi năm ấy, cô trở thành vị “quân sư” sáng suốt, người “đồng đội” “lăn xả” vì tôi, luôn kề vai sát cánh bên tôi, người “chị cả” chịu đựng cái tính “dở dở ương ương con nít” của một cô giáo nọ vô điều kiện…

Bên cạnh giảng dạy chuyên môn, cô Sáng luôn quan tâm đến “đánh thức trí tuệ và tâm hồn học sinh, đánh thức niềm say mê và hứng khởi với môn học”. Là người “đứng mũi chịu sào” trong các chương trình ngoại khoá, học sinh được lồng ghép kiến thức, tình yêu quê hương đất nước, biết phân biệt giữa cái xấu và cái tốt…

Quý cô vì tấm lòng, tận tâm với nghề

Hơn 20 năm trên bục giảng, hầu như năm nào lớp cô Sáng chủ nhiệm cũng có những trường hợp đặc biệt. Có thể là học sinh vì mồ côi cha mẹ hoặc cha mẹ ly hôn nên chán nản, bỏ bê việc học, có học sinh điều kiện kinh tế gia đình còn bấp bênh, vất vả, bố mẹ bận mưu sinh, thiếu tình thương, sự quan tâm của cha mẹ… Thế là bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tình thương, cô Đỗ Thị Sáng lại dồn hết cho đám trò nhỏ.

Có lần, cô Đỗ Thị Sáng kể: “Vui nhất là khi mọi tâm tư thầm kín, mọi chuyện buồn phiền, lo lắng của bản thân trong gia đình, trong cuộc sống… Học trò đều không ngần ngại tâm sự với tôi”. Theo cô Sáng, các con quý mình không phải chỉ vì dạy hay mà hơn hết là tấm lòng, sự tận tâm của chị dành cho học trò.

Với tấm lòng yêu nghề, tất cả vì học sinh thân yêu, cô giáo này luôn gần gũi, thương yêu, quan tâm giúp đỡ và chỉ bảo cho các con từng bước trên con đường học tập. Không chỉ vậy, các em luôn được lắng nghe và đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng. Tuy vậy, các em cũng được thẳng thắn chỉ ra những điều sai trái và hướng dẫn các con khắc phục những nhược điểm của mình.

Học trò sôi nổi tham gia phát biểu xây dựng bài trong giờ dạy của cô Đỗ Thị Sáng.

Học trò sôi nổi tham gia phát biểu xây dựng bài trong giờ dạy của cô Đỗ Thị Sáng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Trà - Tổ Xã hội, trường THCS Mai Dịch - Hà Nội, cho biết, hơn 20 năm qua, cô Sáng đã giảng dạy và hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh. Trong dạy học, cô luôn tâm niệm rằng đã đứng trên bục giảng, thầy cô phải hết lòng thương yêu học trò, làm hết trách nhiệm của người thầy, làm tròn bổn phận của người đi trước với người đi sau.

“Tấm gương truyền nguồn cảm hứng, lòng nhiệt huyết với nghề cho chúng ta chẳng ở đâu xa. Họ không cần phải là một người nổi tiếng đang đứng trên đỉnh cao danh vọng, mà có thể chỉ là một cô giáo bình thường với một thái độ làm việc nghiêm túc, tích cực và luôn sẵn sàng lan tỏa niềm cảm hứng đó tới người khác như người tổ trưởng “truyền lửa” của chúng tôi…”, cô Trà chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Mỹ Hảo - Hiệu trưởng trường THCS Mai Dịch, không chỉ thực hiện tốt vai trò tổ trưởng tổ xã hội mà cô Sáng còn là người động viên các thầy cô đổi mới trong cách nhìn, cách dạy học.

Cô Đỗ Thị Sáng với nhiều hoạt động sáng tạo, trải nghiệm giúp học trò yêu thích môn học.

Cô Đỗ Thị Sáng với nhiều hoạt động sáng tạo, trải nghiệm giúp học trò yêu thích môn học.

Trong dạy học, cô Sáng đã áp dụng công nghệ thông tin trong môn học. Tuy vậy, cô cho rằng vai trò giáo viên, phấn trắng, bảng đen “không thể bỏ qua được”. Với nhiều tác phẩm cần sinh động, cô Sáng sẽ gợi ý học trò sân khấu hoá tác phẩm hoặc quay clip thực tế để tạo hứng khởi cho tiết học.

“Dù chuyển đổi số thế nào thì vai trò thầy cô với phấn trắng bảng đen không hề lu mờ. Phần mềm hỗ trợ, giúp bài giảng nhiều màu sắc, gần gũi hơn với học trò còn nội dung trên bảng mới là chính để các em nắm rõ nội dung bài học”, cô Hảo nêu quan điểm.

Với những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, cô Đỗ Thị Sáng đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cùng các phần thưởng cao quý khác của ngành giáo dục. Năm học 1999-2000, cô đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Từ năm 2000-2008, có 5 sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố. Từ năm 2004-2008, cô đều đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2003-2008, năm 2013.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ