Cô giáo người Sán Dìu nguyện gắn bó với giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Nhiều năm gắn bó với nghề, món quà ý nghĩa nhất mà cô giáo Lê Thị Gái nhận được là sự yêu mến của đồng nghiệp, học sinh nơi cô công tác.

Cô Lê Thị Gái cùng học sinh Trường THCS Đạo Trù trong giờ ngoại khóa.
Cô Lê Thị Gái cùng học sinh Trường THCS Đạo Trù trong giờ ngoại khóa.

Ước mơ và trách nhiệm

Cô giáo Lê Thị Gái là người con của đồng bào dân tộc Sán Dìu, hiện đang dạy môn tiếng Anh tại Trường THCS Đạo Trù (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục cũng là từng ấy thời gian cô gắn bó ngôi trường từng thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ cô Gái đã tham gia phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Ngoài giờ học, cô cùng bạn bè trèo lên những dãy núi sau nhà để lấy củi.

Cuộc sống tuy vất vả, thiếu thốn nhưng với sự hiếu học, cùng niềm tin chỉ có con chữ mới thay đổi được số phận, cô đã miệt mài ngày đêm đèn sách để hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo.

Nhìn thấy những khó khăn, vất vả của các em nhỏ nơi đây, cô giáo Lê Thị Gái như nhìn thấy chính mình thuở nhỏ. Và, cô quyết tâm bám trường để gieo con chữ cho mảnh đất nghèo, cho niềm tin “sự sống tươi đẹp sẽ nảy nở vào ngày mai”.

“Tôi ấn tượng với những bài giảng của cô giáo chủ nhiệm năm học lớp 2 và 3. Từ đó tôi có ước mơ trở thành cô giáo. Ra trường năm 2012, lúc đó tôi đi dạy hợp đồng, nhưng vì cơm áo gạo tiền, bố mẹ còn khó khăn nên đã đi làm công ty một thời gian. Và cuối cùng, vì sự yêu nghề và được bạn giới thiệu nên đã quyết tâm trở về tiếp tục với sự nghiệp trồng người.”, cô Gái nhớ lại.

Cô Lê Thị Gái kể, thời gian đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn với một ngôi trường nhiều học sinh, thiếu giáo viên. Bản thân cũng là một trong những giáo viên mới về, chưa có nhiều kinh nghiệm. Có lúc tưởng chừng sẽ bỏ cuộc. Nhưng tôi cùng giáo viên trong trường nhận được rất nhiều sự quan tâm của BGH, luôn động viên, khích lệ, chỉ ra ưu nhược điểm để tôi hoàn thiện được bản thân hơn.

Với lòng yêu nghề và sự cố gắng của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp trong trường, cô giáo trẻ đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của nhà trường.

Để giúp các em tiếp cận nhanh với môn học còn nhiều mới mẻ như tiếng Anh, cô Gái đã tích cực sử dụng những hoạt động đơn giản như: Chào hỏi thầy cô giáo, báo cáo sĩ số, lồng ghép nội dung bài học gắn với sở thích, sở trường của học sinh để phát triển kỹ năng đọc, nghe. Từ đó, phong trào đua nhau học tiếng Anh, góp phần tạo chuyển biến trong công tác dạy và học của nhà trường.

Cô giáo Lê Thị Gái hiện là giáo viên tiếng Anh Trường THCS Đạo Trù.

Cô giáo Lê Thị Gái hiện là giáo viên tiếng Anh Trường THCS Đạo Trù.

Mong muốn được cống hiến

Sống và gắn bó với giáo dục vùng khó, cô giáo Lê Thị Gái vẫn tự nhủ phải tự rèn luyện bản thân, thường xuyên trau dồi kiến thức. Dù công tác ở vùng xa nhưng cô Gái vẫn thường xuyên cập nhập thông tin về phương pháp giảng dạy để không bị lạc hậu, để có phương pháp giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu nhất.

“Bản thân tôi không ngừng học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những đổi mới trong dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá theo chủ trương của ngành Giáo dục, khắc phục mọi khó khăn với một mục tiêu chung của ngành Giáo dục Tam Đảo là từng bước nâng cao chất lượng học sinh niềm núi và không để học sinh phải bỏ lại phía sau trên con đường chiếm lĩnh tri thức”, cô Gái cho biết.

Với nỗ lực của bản thân, cô Lê Thị Gái đã đạt được nhiều thành tích trong dạy học. Đơn cử như: Năm học 2021-2022 cô đạt Giải Khuyến khích cấp huyện thi Thiết kế bài giảng điện tử; Năm học 2022-2023 cô đạt Giải Nhất (đồng đội) thi văn nghệ cấp huyện.

Đặc biệt, trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong năm học 2022-2023 vừa qua, học sinh của cô Gái đã có 2 em đạt giải cấp huyện trong đó có 1 em đạt giải Nhì và một em đạt giải 1 Khuyến khích.

Cô Gái mong muốn học sinh ở Đạo Trù ngoài nói tốt tiếng Sán Dìu, tiếng phổ thông, sẽ nói tốt Tiếng Anh.

Cô Gái mong muốn học sinh ở Đạo Trù ngoài nói tốt tiếng Sán Dìu, tiếng phổ thông, sẽ nói tốt Tiếng Anh.

Đối với một địa phương vùng khó khăn như Đạo Trù, việc có nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn tiếng Anh, là minh chứng cho sự nỗ lực đưa ra được những sáng kiến hiệu quả của cô Gái và giáo viên dạy tiếng Anh của nhà trường.

Cô Gái còn cho biết, trong tương lai, cô tự hứa với bản thân phải cố gắng học hỏi, tìm tòi phương pháp giảng dạy để truyền đạt lại những kiến thức mình đã có cho các em học sinh, mong muốn các em học sinh ở Đạo Trù ngoài nói tốt tiếng Sán Dìu, tiếng phổ thông, sẽ nói tốt Tiếng Anh nữa.

Hiện tại, sau nhiều năm cống hiến, cô Gái vẫn chỉ đang là giáo viên hợp đồng của nhà trường. Mong ước của cô là được có cơ hội vào biên chế ngành giáo dục để tiếp tục được cống hiến cho quê hương.

“Dù có được vào biên chế hay vẫn dạy hợp đồng thì tôi vẫn sẽ nỗ lực cống hiến cho công tác giáo dục của địa phương. Hạnh phúc của tôi là khi thấy học sinh của mình thành đạt, bước tới vinh quang, đạt được nhiều thành tựu sau này sẽ thành công và giúp Đạo Trù ngày càng giàu đẹp hơn”, cô Lê Thị Gái khẳng định.

Trao đổi với phóng viên, thấy Nhà giáo Lê Mạnh Quỳnh - Hiệu trưởng trường THCS Đạo Trù, cho biết: “Cô Lê Thị Gái là một cô giáo trẻ, nhiệt huyết với nghề, là tấm gương cho đồng nghiệp về tinh thần trách nhiệm, chịu khó tìm tòi, sáng tạo để đạt hiệu quả cao trong giảng dạy. Nhờ có cô Gái mà đội tuyển tiếng Anh do cô Gái đảm trách đã đoạt nhiều giải thưởng, đem lại thành tích cao cho nhà trường”.

Trường THCS Đạo Trù có tới 89,6% học sinh là người dân tộc thiểu số trong đó phần đông là dân tộc Sán Dìu. Có thể nói xã Đạo Trù là vùng quê khó khăn về nhiều mặt của huyện Tam Đảo, trong đó có giáo dục.

“Mỗi học trò có những hoàn cảnh, tính cách khác nhau, do đó, ngoài sự nghiêm khắc trên lớp học, có cơ hội là tôi tìm đến học sinh để chia sẻ, lắng nghe các em, đồng hành cùng các em. Đã có lúc học sinh vì lý do này nọ không đi học, bỏ học, tôi đến tận để tìm hiểu nguyên nhân rồi tâm sự, động viên các em cố gắng đến trường”, cô Gái nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ