Cô giáo người Giáy bám bản chỉ mong học trò đủ no, đủ ấm đến trường

GD&TĐ - Hơn mười năm gắn bó với trường vùng cao, cô giáo Lý Thị Diêm luôn mong truyền được giá trị con chữ giúp những đứa trẻ người Mông, Dao thoát nghèo.

Cô giáo Lý Thị Diêm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San cùng học trò. Ảnh NVCC
Cô giáo Lý Thị Diêm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San cùng học trò. Ảnh NVCC

Khó khăn chồng chất khó khăn

Nhiều người từng tự hỏi, điều gì khiến một cô gái dân tộc Giáy nhỏ bé bám trụ hơn mười năm ở vùng cao khắc nghiệt? Với cô giáo Lý Thị Diêm - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San (xã Dào San, Lai Châu), câu trả lời thật giản dị: Chỉ cần nhìn thấy học trò đến lớp đủ no, đủ ấm và đôi mắt sáng lên khi đọc được con chữ, mọi gian khổ đều trở nên xứng đáng.

Cô Diêm sinh ra ở một vùng quê còn nhiều khó khăn của Lai Châu, nơi mà việc học chưa thực sự được coi trọng. Dù vậy từ nhỏ, cô đã chăm chỉ học tập và luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho chính trẻ em quê hương mình.

“Mình hiểu rõ khát khao chạm đến con chữ của các em học sinh nơi đây lắm”, cô Diêm tâm sự.

Ngày nhận quyết định công tác về trường, cô còn không biết xã nằm ở đâu. Cô nghĩ, chắc cũng giống như những nơi từng thực tập, có trường học xây kiên cố, học sinh đủ sách đủ vở. Thế nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Trường lớp còn đơn sơ, mái tôn mùa đông thì lạnh buốt, mùa hè lại oi nóng. Đường đến trường quanh co, nhiều đoạn hiểm trở. Vào mùa mưa, đất đá lầy lội, sạt lở, có hôm cô phải bỏ xe, lội bộ băng qua suối mới đến được lớp.

"Trải qua những năm tiểu học, từ những đứa trẻ chỉ quen nói tiếng dân tộc, các em đã biết đọc - viết tiếng phổ thông, tự tin giao tiếp, biết đọc sách để tìm tòi thông tin đó là động lực chúng tôi gắn bó với nghề, động lực để truyền cảm hứng giúp các em vươn ra ra thế giới, thay đổi cuộc đời, thoát nghèo” - cô giáo Lý Thị Diêm chia sẻ.

“Những ngày đầu mới lên dạy, tôi nản lắm. Đường thì xa, đi không quen, sợ gặp tai nạn, lại lo lũ quét, đá lở bất ngờ có lúc tôi nghĩ hay là bỏ cuộc thôi, vì gian khổ quá. Nhưng rồi thấy học sinh ngoan ngoãn, hiếu học, chăm chỉ đến lớp, mình lại có thêm động lực.

Tôi tự nhủ, các cô giáo dưới xuôi còn bám trụ được mình ra ở đây, hiểu hết nỗi vất vả của các em nên càng không thể từ bỏ; phải đưa con chữ, đưa ánh sáng tri thức đến với những tâm hồn nhỏ bé nhưng đầy khát vọng ấy", cô Diêm xúc động nhớ lại.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất với cô không chỉ là đường đến trường mà còn là rào cản ngôn ngữ. “Nhiều em không biết tiếng Kinh. Mỗi giờ dạy, tôi lại phải dịch từ tiếng dân tộc sang tiếng Kinh rồi giảng giải. Có lúc giảng xong, nhìn học trò ngơ ngác, tôi vừa buồn cười vừa thương.” - cô Diêm kể.

Điều khiến cô sợ nhất vẫn là những lúc mưa lũ, thiên tai ập đến. Núi rừng sạt lở, đường bị chia cắt, có khi phải chờ vài ngày mới có thể đến lớp. “Những lúc như thế, tôi chỉ cầu nguyện cho các em bình an để còn được đến trường. Có em sau thiên tai mất mát quá lớn, mất nhà, mất người thân, rồi cũng mất cả động lực đi học, đau lòng lắm.”

Ngay cả dịp Tết lẽ ra là thời gian vui vẻ, nghỉ ngơi thì với cô lại là nỗi lo thường trực. Sau Tết, số học sinh nghỉ học khá nhiều; có em theo bố mẹ đi làm ăn xa, có em thì chán học. Những lúc như vậy, cô cùng đồng nghiệp phải gõ cửa từng nhà, trò chuyện với phụ huynh, thuyết phục các em quay lại lớp.

Với cô, hạnh phúc nhất là mỗi buổi sáng đến lớp, thấy các em đủ sĩ số, ăn đủ no, mặc đủ ấm, chăm chú nghe giảng, từng ánh mắt đều lấp lánh ước mơ bởi cô tin chỉ có con chữ mới giúp các em thay đổi cuộc đời.

co-diem-2.jpg
Một tiết học của học trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San. Ảnh NVCC.

Thương học trò như con mình

Trong suốt hành trình gieo chữ vùng cao, với cô giáo Lý Thị Diêm có một kỷ niệm khiến cô rơi nước mắt mỗi khi nhớ lại.

Ba năm trước, tại bản Ma Can - nơi xa nhất xã Dào San có một cậu học trò lớp 5 bị gãy chân sau tai nạn. Gia đình em vốn đã nghèo, nay càng kiệt quệ vì chi phí điều trị. Bởi vậy, bố mẹ cho nghỉ để ở nhà chăn trâu phụ bố mẹ làm nương.

"Thương học trò cuối cấp phải bỏ dở ước mơ, tôi đã nhiều lần vượt đường xa tới nhà em, thuyết phục bố mẹ. Tôi cũng tâm sự với phụ huynh nếu không cho con đi học tiếp, sau này lớn lên con chỉ biết làm nương làm rẫy thôi. Nếu được học, con sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bố mẹ sẽ thấy nhẹ lòng khi con được học hành đầy đủ" - cô nhớ lại.

Nhờ sự kiên trì của cô Diêm, nam sinh đó đã được đi học trở lại. "Ngày em trở lại lớp, đôi chân vẫn chưa đi bộ được, phải nhờ bố mẹ chở đến trường bán trú. Cuối tuần bạn ấy không về xin trực ở trường trông luôn. Thấy bạn ấy ngồi học, ánh mắt sáng lên, tôi mừng đến rơi nước mắt", cô Diêm nói.

Theo cô Diêm, hạnh phúc của giáo viên chính là học trò, mỗi ngày đến lớp có đủ sĩ số, ngoan ngoãn, chăm chỉ học là quá hạnh phúc rồi.

Cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Dào San (xã Dào San, Lai Châu) nhận xét: "Cô Diêm là một giáo viên nhiệt tình, chịu khó, tâm huyết với học trò. Cô có nhiều sáng kiến để thúc đẩy học trò ham học, hiểu giá trị của con chữ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa vàng dưới chân núi Kon Tu Rằng

Mùa vàng dưới chân núi Kon Tu Rằng

GD&TĐ - Giữa se lạnh đại ngàn, bà con Xơ Đăng Măng Cành (Quảng Ngãi) thu hoạch lúa bên ruộng bậc thang, tạo nên bức tranh mùa vàng bình dị, nên thơ.