Cô giáo mầm non nỗ lực đổi mới sáng tạo trong dạy học và quản lý

GD&TĐ - Trong suốt 25 năm công tác, dù ở cương vị nào, nhà giáo Lê Thị Mười Ba - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) cũng luôn là người gương mẫu trong mọi hoạt động giáo dục tại địa phương.

Nhà giáo Lê Thị Mười Ba, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt)
Nhà giáo Lê Thị Mười Ba, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt)

Người giữ trẻ mẫu mực, hết lòng với nghề

Cô Lê Thị Mười Ba, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) là một trong những tấm gương sáng đi đầu trong ngành giáo dục mầm non quận Thốt Nốt.

Hơn 25 năm gắn bó với ngành giáo dục mầm non quận Thốt Nốt, cô Mười Ba  luôn yêu nghề, mến trẻ, gương mẫu, tận tụy, phấn đấu vì sự nghiệp phát triển giáo dục địa phương.

Ông Lê Thanh Thái, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt cho biết khi còn là cô nuôi dạy trẻ, cô Lê Thị Mười Ba luôn là người tiên phong tham gia các phong trào và các cuộc thi do nhà trường và ngành phát động. Tại các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận; hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo,  cô luôn đạt được các giải cao.

Ngoài ra, với cương vị đại biểu Hội đồng nhân dân phường Thạnh Hòa, cô Mười Ba luôn tích cực tham gia đóng góp cho sự phát triển của giáo dục địa phương, được nhân dân tín nhiệm ở cả 3 nhiệm kỳ từ năm 2011 - 2026. Theo cô, "niềm vui lớn nhất của cô là được góp phần nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ngày càng khỏe mạnh, khôn lớn, trưởng thành trở thành những công dân có ích cho xã hội".

Nhiều năm học liên tục, Trường Mầm non Thạnh Hòa đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Cá nhân cô Mười Ba đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” của Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ.

Năm học 2019 – 2020, Cô Lê Thị Mười Ba được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

 Năm học 2019 – 2020, Cô Lê Thị Mười Ba được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

Tấm gương điển hình trong quản lý, giảng dạy và học tập

Dù ở bất kỳ cương vị nào, là giáo viên trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy hay làm cán bộ quản lý, cô Lê Thị Mười Ba luôn thể hiện vai trò trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong công việc, cô Mười Ba luôn chọn giải pháp mềm dẻo, phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy trẻ làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Ngay từ đầu mỗi năm học, cô luôn cùng các phó hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể cán bộ giáo viên; tổ chức ký kết giao ước thi đua cho giáo viên, từng tổ chuyên môn nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ năm học theo các tiêu chí thi đua của ngành.

Các hoạt động giáo dục như đổi mới phương pháp dạy học, phấn đấu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” được cô chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả tốt trong nhiều năm học liên tục.

Bên cạnh đó, cô Mười Ba luôn chú trọng việc tự học để nâng cao kiến thức chuyên môn, quản lý. Nhận thức rõ giáo viên là yếu tố quyết định, là khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, cô rất quan tâm đến việc phát triển nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Cô còn động viên giáo viên học thêm tin học, bồi dưỡng thêm nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bậc học mầm non. Đến nay, 100% giáo viên của trường đã ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác giáo án điện tử nâng cao hiệu quả chất lượng bài giảng.

Cô Mười Ba cũng xây dựng các chỉ tiêu thi đua gắn với nhiệm vụ của giáo viên, hàng tháng đánh giá, xếp loại chất lượng giảng dạy từng người,  là điều kiện để khen thưởng phong trào thi đua, qua đó đã động viên đội ngũ giáo viên tích cực học tập và sáng tạo trong dạy và học.

Cô thường xuyên tổ chức kiểm tra thăm lớp, dự giờ hàng tháng, hàng tuần để đánh giá chất lượng đội ngũ và có những biện pháp bồi dưỡng chuyên môn phù hợp với từng giáo viên, giúp giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy.

Bên cạnh đó, cô thường xuyên tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương những giải pháp thiết thực như bổ sung đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cho nhà trường, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi, vận động trẻ ra lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ