Cô giáo mầm non biến “hàng hết date” thành đồ dùng dạy học

GD&TĐ - Trẻ trung, năng động và luôn tìm tòi sáng tạo trong cách dạy, đó là những gì mà nhiều đồng nghiệp nhận xét về cô giáo Vũ Thị Châm - Trường Mầm non Hoa Hồng (Mỹ Hào, Hưng Yên). Cô Châm còn là giáo viên đoạt giải Nhất từ Cuộc thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017.

 Cô Vũ Thị Châm đoạt giải Nhất Cuộc thi Cô giáo tài năng duyên dáng năm 2017
Cô Vũ Thị Châm đoạt giải Nhất Cuộc thi Cô giáo tài năng duyên dáng năm 2017

Luôn tích cực đổi mới, sáng tạo

 Từ những nguyên vật liệu tưởng như bỏ đi, tôi và các đồng nghiệp đã tái sử dụng một cách có ích, đó là tạo ra những đồ chơi vô cùng thú vị, độc đáo, các bé vô cùng thích thú và thêm yêu trường, yêu lớp 
Cô Vũ Thị Châm

Trở về từ Cuộc thi Cô giáo tài năng duyên dáng, cô Vũ Thị Châm - cho biết: Mỗi chuyên đề của cuộc thi là một bài học hay, kinh nghiệm quý trong đổi mới, sáng tạo dạy và học. Vì thế cô, lĩnh hội được rất nhiều kiến thức phục vụ cho công việc của mình.

Là giáo viên trẻ và cũng là một người mẹ trẻ nên cô Vũ Thị Châm rất đồng cảm với tâm lý của các bậc phụ huynh khi gửi con đến trường. Vì thế, khi trẻ đến trường, cô và các đồng nghiệp luôn tận tình, chăm sóc các bé như con của mình.

Cô Vũ Thị Châm - bộc bạch: "Với giáo viên mầm non, hạnh phúc nhất là khi thấy các con ngoan ngoãn, tiến bộ từng ngày. Nhìn các cháu nhanh nhẹn, hoạt bát, có kỹ năng ứng xử trong giao tiếp và phát triển toàn diện về các mặt giáo dục là các cô thấy vui rồi".

Qua tìm hiểu được biết, cô Vũ Thị Châm sinh năm 1988. Từ ngày học cấp 3 cô đã yêu thích nghề giáo viên mầm non và có năng khiếu múa, hát nên sau khi tốt nghiệp tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên - khoa Âm nhạc, cô quyết định xin vào trường mầm non làm giáo viên Âm nhạc và là "cô nuôi dạy hổ".

Cô Vũ Thị Châm - cho biết: Trước đây, các cô thường dạy hát cho trẻ theo kinh nghiệm truyền miệng, nghĩa là cô hát đến đâu, trò hát theo đến đấy.

Nhưng từ khi cô vào dạy ở trường, cô đã đổi mới phương pháp dạy bằng cách: Chia nhỏ các câu trong một bài hát rồi cho các con tập hát theo đàn hoặc theo nhịp vỗ tay. Cách dạy và học này tạo cho trẻ hứng thú hơn, yêu thích với bài học hơn.

Đặc biệt, giúp các con hát đúng nhịp phách, từ đó có những rung cảm đầu tiên về nhạc phẩm, cho dù đó là những rung cảm vẫn còn non nớt.

Theo đánh giá của Ban giám hiệu Trường mầm non Hoa Hồng, cô Vũ Thị Châm là giáo viên năng động, chịu khó học hỏi và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy học.

Tiêu biểu là sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy Âm nhạc theo độ tuổi của trẻ và kinh nghiệm làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có cho trẻ mầm non.

Sản phẩm tái chế của cô Vũ Thị Châm
 Sản phẩm tái chế của cô Vũ Thị Châm

Từ "hàng hết date" thành đồ dùng dạy học

Cô Vũ Thị Châm cho biết, cô tâm đắc nhất là Sáng kiến kinh nghiệm làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có cho trẻ mầm non. Từ sáng kiến này, cô đã xây dựng thành chuyên đề để tham dự thi Cuộc thi "Cô giáo tài năng duyên dáng năm 2017", giúp cô đoạt giải Nhất ở Cuộc thi.

Chia sẻ về chuyên đề này, cô Vũ Thị Châm - bộc bạch: Với phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm mà các trường mầm non đang thực hiện như hiện nay, thì việc làm thế nào để trẻ hứng thú, tích cực, tự giác tham gia vào các hoạt động giáo dục cần được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, cô quyết định tự làm đồ chơi cho trẻ, vừa tiết kiệm nguyên liệu sẵn có, vừa bảo vệ các em không phải tiếp xúc với các loại đồ chơi độc hại, nhiễm chì và hóa chất bên ngoài.

Cô chia sẻ, sử dụng nguyên vật liệu tái sử dụng trong tổ chức các hoạt động không có gì mới, nhưng làm thế nào để đạt hiệu quả, phát huy tích cực, khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ mới là điều quan trọng.

Bởi với các bé mầm non, đồ dùng, đồ chơi là người bạn, là nguồn vui, là phương tiện trong các hoạt động vui chơi, học tập; thông qua đồ chơi giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, hình thành và phát triển các chức năng tâm lý, phát triển nhân cách của trẻ.

Cô Châm cùng đồng nghiệp và các bé làm đồ chơi từ các lõi giấy vệ sinh
 Cô Châm cùng đồng nghiệp và các bé làm đồ chơi từ các lõi giấy vệ sinh

Theo đó, cô đã tận dụng mọi thứ có thể: Từ lõi giấy vệ sinh, tờ báo cũ, vỏ lon bia, chai nước ngọt, bìa cát tông... để biến chúng thành những đồ vật, con thú xinh xắn đáng yêu. "Chẳng hạn, khi làm búp bê, tôi đã tận dụng những lõi giấy vệ sinh để làm cốt.

Sau đó dùng bút chì màu hoặc bút lông, keo dán, kéo, giấy thủ công, chỉ, vải vụn để trang trí. Sản phẩm tạo thành vừa sinh động, đẹp mắt, giá thành lại rẻ và an toàn cho trẻ.

Cũng từ lõi giấy vệ sinh và bút màu và các phụ kiện như trên tôi có thể biến chúng thành những chú ngựa vằn xinh xắn, được các bé yêu thích" - Cô Vũ Thị Châm cho hay.

Theo kinh nghiệm của cô Châm, để có thể lôi cuốn trẻ hứng thú, tham gia vào các hoạt động học tập một cách tích cực, đồng thời giúp trẻ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, giáo viên cần nghiên cứu các tài liệu có liên quan đến chương trình học.

Từ đó xây dựng các bài soạn phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Chẳng hạn như, các đồ dùng dạy học hoặc các giáo cụ trực quan, giáo viên nên chú ý đến thẩm mỹ, màu sắc để thu hút trẻ tham gia vào các hoạt động học.

Hay như với những trẻ còn nhút nhát thì cần động viên các em thường xuyên tham gia vào các hoạt động nhóm và khuyến khích các em giao tiếp ở mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, giáo viên phải nắm vững phương pháp bộ môn để đưa đồ dùng vào các hoạt động giáo dục một cách hợp lý. Cần có sự kết hợp với phụ huynh một cách khéo léo, để phụ huynh cùng đóng góp các vật liệu đã qua sử dụng.

"Ngoài ra, giáo viên cần tạo ra nhiều cơ hội để trẻ được tham gia vào các hoạt động, được tham gia giúp cô những công việc vừa sức, đồ chơi được làm trên cơ sở hứng thú, theo nhu cầu của trẻ mới đạt hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục trẻ" - cô Vũ Thị Châm trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.