“Cô giáo làng” được đề cử Giải thưởng “Sáng kiến Thủ đô” năm 2021

GD&TĐ - Từng được nhận giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2018, cô Nguyễn Thị Ly Nga - giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) được đề cử Giải thưởng “Sáng kiến Thủ đô” năm 2021.

Cô Nguyễn Thị Ly Nga cùng học sinh của mình trong một hoạt động văn hoá, văn nghệ - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Ly Nga cùng học sinh của mình trong một hoạt động văn hoá, văn nghệ - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng học trò

Với kinh nghiệm 20 năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, cô Ly Nga đã đồng hành với biết bao thế hệ học trò, cùng các em trải qua những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp. Cô tâm niệm, giáo viên chủ nhiệm là bạn đồng hành với học trò, song hành cùng các em trong học tập.

Trong quá trình làm việc, cô Ly Nga áp dụng nhiều sáng kiến nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Những sáng kiến đó đã đơm hoa kết trái.

Chia sẻ một số kinh nghiệm về việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong công tác chủ nhiệm, cô Ly Nga bật mí: Ngay từ đầu năm lớp 10, cô đã khuyến khích học sinh xung phong nắm giữ các chức vụ trong lớp. Với các vị trí quan trọng như: lớp trưởng, lớp phó, cô cho học sinh “tranh cử” bằng một bài phát biểu trước tập thể lớp và để các bạn sinh bầu chọn.

Sau đó, cô theo dõi và lựa chọn những học sinh phù hợp nhất để giao nhiệm vụ trong suốt những năm tiếp theo. Với các vị trí tổ trưởng, tổ phó, cô thực hiện chế độ “luân phiên cán bộ” sao cho suốt ba năm học, tất cả các học sinh đều được trải nghiệm.

Trong công tác thi đua khen thưởng, cô Ly Nga tổ chức các hoạt động thi đua giữa các cá nhân, các tổ. Cô tổ chức thi đua phát biểu, giành điểm cao trong từng tuần học hoặc trong các đợt cao điểm.

“Việc khen thưởng được thực hiện công bằng và kịp thời; có sự động viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh; tạo động lực để học sinh tích cực, chủ động trong học tập” - cô Ly Nga chia sẻ.

Với mong muốn học sinh phát triển toàn diện, cô Ly Nga đã tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh như: tham quan các di tích lịch sử, thi thể thao giữa các thành viên trong lớp và giao lưu với các lớp khác, thi nấu ăn giữa các tổ…

“Khi tổ chức các hoạt động này, tôi giao toàn bộ việc lập kế hoạch cho học sinh. Tôi sẽ đóng vai trò quan sát; đồng thời đưa ra những chỉ dẫn kịp thời nếu các em gặp khó khăn” – cô Ly Nga chia sẻ, đồng thời cho biết: Lớp A1 do cô chủ nhiệm, ba năm liền luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Ly Nga. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19 - NVCC.
Cô Nguyễn Thị Ly Nga. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19 - NVCC.

Nhiều sáng kiến độc đáo

Song, điều cô hài lòng nhất chính là kết quả học tập của các em thể hiện qua kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Với số điểm trung bình 25,16/tổ hợp xét tuyển, các em hoàn toàn không thua kém học sinh các lớp chất lượng cao ở các trường trong nội thành Hà Nội.

Lớp 12A1 do cô chủ nhiệm đã đóng góp 5/7 thủ khoa các khối của toàn trường; trong đó phải kể đến em Kiều Ngọc Dung: 28,3 điểm khối D, IELTS 7.0; hay em Khuất Thị Thu Phương: 28,1 điểm khối D07, giải nhì học sinh giỏi thành phố môn Hóa học. Cả 2 em đã được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Ngoại thương. Trong lớp có 16/44 học sinh lọt vào tốp vinh danh những học sinh có điểm xét tuyển đại học cao nhất trường.

Với những sáng kiến và thành tích trong dạy học, cô Ly Nga đã được nhận giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2018 và được đề cử Giải thưởng “Sáng kiến Thủ đô” năm 2021.

Thầy Nguyễn Văn Giới – Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: Cô Ly Nga là tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ - Công nghệ và là giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, có uy tín cao với học sinh và phụ huynh trên địa bàn huyện.

Trong công tác, cô Ly Nga là giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm và luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy – học; trong đó phải kể đến việc dạy học tiếng Anh qua bài hát, hướng dẫn học sinh xây dựng Clip bằng tiếng Anh…

Nhiều giáo viên trong trường đã học hỏi kinh nghiệm và vận dụng phương pháp dạy học của cô Ly Nga. “Cô Ly Nga cũng là một trong những giáo viên đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy. Vì thế, tiết dạy trực tuyến của cô luôn sinh động, hấp dẫn học sinh” – Thầy Giới nhận xét. 

Sau 3 năm là học sinh lớp cô Ly Nga chủ nhiệm, Kiều Ngọc Dung cảm thấy "may mắn và trưởng thành hơn rất nhiều. Cô luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để chúng em học tập. Đó là những dự án tiếng Anh siêu bổ ích, với những chủ đề gần gũi.

Qua đó, chúng em vừa được thể hiện khả năng của mình, vừa học được nhiều kĩ năng mới như: Thuyết trình, dựng kịch bản, dựng video,... Nhờ có cô mà chúng em đã có những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp, với những kỷ niệm của tuổi học trò sôi động và ý nghĩa".

Ngay từ lớp 10 tôi đã yêu cầu học sinh cần có lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Lựa chọn này có thể thay đổi sau mỗi năm học, nhưng các em cần chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Trong các buổi họp với cha mẹ học sinh, tôi đưa ra những gợi ý và đề nghị bố mẹ tôn trọng lựa chọn của các con” – cô Nguyễn Thị Ly Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.