Đổi mới dạy học: Trường ngoại thành vươn lên tốp đầu

GD&TĐ - Sau những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học, ngành Giáo dục TP Cần Thơ gặt hái được nhiều thành quả tích cực.

Bữa ăn trưa hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT của Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
Bữa ăn trưa hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT của Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).

“Điểm sáng” là các trường học ở ngoại thành vươn lên tốp đầu của thành phố trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhất là môn Giáo dục công dân… 

Dạy, học gắn với thực tiễn đời sống

Cô Đỗ Thị Phượng, giáo viên môn Giáo dục công dân (GDCD) Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) chia sẻ: Đặc thù kiến thức bộ môn GDCD gắn với thực tiễn đời sống, học sinh không cần ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Chỉ cần nắm nội dung trọng tâm và kĩ năng đọc đề, các em có thể đạt điểm tốt nhất. Đề thi môn GDCD năm nay cho nhiều câu dạng này nên nhiều học sinh đạt điểm 9, 10 là chuyện bình thường. Điều đó cũng chứng minh chúng ta đang đi đúng hướng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, từ đầu năm học, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục cho phù hợp với điều kiện của đơn vị, trình độ, năng lực của học sinh. Trong đó, nhà trường yêu cầu đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, dạy học trên lớp, dạy học qua mô hình, phiên tòa giả định, đồng thời chủ động, linh hoạt chuyển đổi hình thức giảng dạy phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Tại Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), môn GDCD được tổ chức đánh giá thường xuyên bằng “Phiên tòa giả định” về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, phòng chống ma túy, an toàn giao thông… Hình thức này giúp phát triển năng lực tự học, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi và phát huy khả năng diễn xuất. Giáo viên và học sinh chủ động đánh giá, khuyến khích các em tự đánh giá và đánh giá chéo nhau.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, chia sẻ: Thông qua hoạt động đổi mới kiểm tra đánh giá, học sinh cảm thấy nhẹ nhàng, không có áp lực trong việc thực hiện các bài kiểm tra, điểm số. Các em thể hiện được bản thân ở nhiều vai trò khác nhau. Ngoài ra, việc đổi mới đánh giá đòi hỏi mỗi giáo viên phải tích cực hơn trong việc đầu tư, soạn giảng để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nhờ đó, giáo viên hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học sinh nhiều hơn...

Tiết kiểm tra thông qua “Phiên tòa giả định” của HS Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt. (TP Cần Thơ).
Tiết kiểm tra thông qua “Phiên tòa giả định” của HS Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt. (TP Cần Thơ).

Ôn tập trực tiếp kết hợp trực tuyến phát huy hiệu quả

Năm học 2020 - 2021 là một năm đầy biến động với đại dịch Covid-19. Mặc dù, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp nhưng với chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, các trường THPT trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp ôn tập nhằm đảm bảo chương trình đúng tiến độ. Đồng thời, các trường cũng chủ động chuyển đổi hình thức ôn tập bằng nhiều phương pháp khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường để kích thích học sinh ham thích việc học, nhất là các môn Khoa học xã hội.

Trường THPT Trung An có 368 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Trong đó, 249 em chọn tổ hợp Khoa học xã hội và 119 em thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Theo kết quả thi THPT, hầu hết thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội đều có điểm số bình quân rất cao. Đặc biệt, em Nguyễn Ngọc Khánh Quân có tổng số điểm tổ hợp này cao nhất thành phố với 55,15 điểm.

Theo cô Đỗ Thị Phượng, giáo viên Trường THPT Trung An: Ôn tập cho các em trong tình hình dịch bệnh, nhà trường và giáo viên lên kế hoạch dự trù dạy online nếu cần. Trong các tuần dạy trực tiếp cô và trò cố gắng trao đổi nội dung trọng tâm ở chương trình 12 và cả 11 nếu muốn kiếm điểm 10. Đặc biệt, trong sửa bài tập, giáo viên yêu cầu học sinh nhận dạng từ khóa, các loại đáp án, giải thích được tại sao đáp án đúng, giải thích cả lý do các đáp án sai. Thậm chí thầy cô còn yêu cầu các em đổi câu dẫn vì mục tiêu của cô trò không phải số lượng sửa bao nhiêu câu, quan trọng nhất là khi gặp lại phần kiến thức đó thì ở góc độ nào cũng làm được.

Với bước chuẩn bị này, khi vào dạy online phần kiến thức cơ bản học sinh đã nắm vững, khó khăn cũng nhẹ đi. Ngoài ra, để giữ ổn định tinh thần và khích lệ học sinh trước kỳ thi, Trường THPT Trung An cùng với phụ huynh tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh lớp 12 khi ôn tập, giúp các em có thêm thời gian nghỉ ngơi, ôn bài. Minh chứng cho điều đó là hai năm liền ngôi trường ngoại thành này đều có học sinh đạt điểm số cao nhất, nhì thành phố và có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 100%... Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, cho hay: “Với kết quả này, trường không bất ngờ vì từng thầy cô, học sinh và phụ huynh đều nỗ lực hết mình”.

“Kết quả Kỳ thi THPT năm nay, trường có khoảng 71,2% học sinh đạt điểm 9 - 10 môn Giáo dục công dân. Bản thân tôi cũng như tập thể trường rất vui mừng vì kết quả đó rất xứng đáng với công sức bỏ ra của toàn trường, đặc biệt là các giáo viên bộ môn. Ngoài ra, để có được kết quả đó còn có sự đóng góp của phụ huynh học sinh và cố gắng của từng học sinh”, thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ