Cô giáo Kon Tum nuôi dưỡng đam mê nhạc cụ dân tộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô giáo Âm nhạc, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã gieo đam mê nhạc cụ dân tộc vào tâm trí học trò.

Cô Htoanh luôn nuôi dưỡng đam mê nhạc cụ dân tộc của mình. Ảnh: NVCC.
Cô Htoanh luôn nuôi dưỡng đam mê nhạc cụ dân tộc của mình. Ảnh: NVCC.

Mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến gần với mọi người, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, cô giáo Htoanh đã mở lớp dạy miễn phí cho học sinh.

Theo thời gian, nhạc cụ dân tộc dần mai một trong đời sống người Ba Na tại Kon Tum. Như người giữ lửa, nhiều năm qua cô Htoanh - giáo viên Âm nhạc, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã gieo đam mê nhạc cụ dân tộc vào tâm trí học trò.

Cô Htoanh kể, ngày trẻ, được lắng nghe những giai điệu du dương, trong trẻo của nhạc cụ dân tộc. Qua các lễ hội hay dịp Tết, cô chứng kiến người già trong làng đắm chìm với nhạc cụ truyền thống. Từ lạ lẫm, tò mò, cô dần trở nên thích thú và bị cuốn hút bởi những giai điệu trầm bổng.

Thấy con đam mê nhạc cụ dân tộc, cha cô Htoanh đã cho cô tiếp xúc nhiều hơn. Thế nhưng, nhà nghèo nên không thể mua riêng cho cô chiếc đàn T’rưng để học. “Mỗi khi làng có lễ hội, tôi đều đi sớm để xem người lớn biểu diễn nhạc cụ, được nhiều người già chỉ cho cách chơi sao cho đúng nhịp”, cô Htoanh nhớ lại.

Lớn lên, Htoanh theo học chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Kon Tum). Sau khi tốt nghiệp, cô Htoanh được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Kon Tum). Có công việc ổn định, cô Htoanh không quên sắm cho mình chiếc đàn T’rưng để thỏa ước mơ khi bé.

Cô Htoanh tận tình chỉ bảo cho học sinh đánh đàn T’rưng. Ảnh: Dung Nguyễn

Cô Htoanh tận tình chỉ bảo cho học sinh đánh đàn T’rưng. Ảnh: Dung Nguyễn

“Có đàn trong tay, tôi tự tin đăng ký học nhạc cụ truyền thống một cách bài bản. Khi thành thạo, bản thân tìm kiếm cơ hội giao lưu, học hỏi để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm ở những chương trình văn nghệ, hội diễn. Đến nay, tôi thành thạo hơn 30 bài diễn tấu đàn T’rưng”, cô Htoanh tâm sự.

Không chỉ tìm tòi, nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, cô Htoanh còn lưu giữ, phát triển những giai điệu truyền thống trong trường học. Đặc biệt, để học sinh không quên những nét đẹp xưa cũ, cô Htoanh quyết trao truyền đam mê nhạc cụ truyền thống đến trò.

Sáng thứ 5 hằng tuần, vào giờ hoạt động trải nghiệm, từng tốp học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 thay phiên nhau học nhạc cụ dân tộc cùng cô Htoanh. Cô dạy các em cách đứng, điều chỉnh hướng đàn, thao tác kỹ thuật cơ bản. Những câu hỏi về nhạc cụ dân tộc, văn hóa truyền thống Ba Na cũng được cô giải đáp cặn kẽ.

Thấy cô Htoanh mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống, em Y Mina (lớp 5B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) đã đăng ký học. Chỉ thời gian ngắn, Y Mina bị thu hút bởi giai điệu nhẹ nhàng, trong trẻo nên chẳng vắng buổi học nào. “Nhờ cô hướng dẫn tận tình, em đã đánh được một số bài. Những buổi diễn văn nghệ của trường, em đều tham gia và được thầy, cô, các bạn khen nên rất vui. Em thấy yêu hơn văn hóa của dân tộc mình”, Y Mina chia sẻ.

Không chỉ dạy ở trường, cô Htoanh còn nhận kèm miễn phí tại nhà cho học sinh có đam mê đàn T’rưng. Ngoài đàn T’rưng, cô cùng nghệ nhân trong làng mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang...

Cô Trần Thị Quế Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho hay, cô Htoanh là giáo viên tâm huyết, hoàn thành tốt công tác chuyên môn và nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, cô Htoanh là giáo viên dạy giỏi cấp trường, thành phố. Cô đã trao truyền đam mê nhạc cụ dân tộc đến nhiều học sinh. Qua đó, tạo sự gắn kết, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ