Lớp dạy chống xâm hại tình dục miễn phí ở Đà Nẵng

Duy trì hơn một năm nay, hàng trăm học sinh được cô Phạm Thị Thùy Loan dạy kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục.

Lớp dạy chống xâm hại tình dục miễn phí ở Đà Nẵng

Buổi học kỹ năng sống của cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) sáng chủ nhật 7/4 tập trung vào nội dung chống xâm hại tình dục. Lớp hơn 30 học sinh độ tuổi từ 10 đến 16. 

Cô giáo Phạm Thị Thuỳ Loan trong buổi dạy về kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cô giáo Phạm Thị Thuỳ Loan trong buổi dạy về kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Khi cô giáo hỏi, tất cả các em đều biết chuyện bé gái bị người đàn ông xâm hại thân thể khi đi trong cầu thang máy chung cư ở TP HCM một tuần trước.

"Mỗi lần đi thang máy em rất sợ", Phương Nhi - lớp 9/9 trường THCS Nguyễn Huệ nói. Nhiều học sinh khác thốt lên "hành động đó không đúng và ghê rợn".

Lớp học dần ổn định khi cô Loan chiếu bộ phim ngắn về một bé gái bị người đàn ông lạ mặt khống chế, có ý định xâm hại khi đi chơi một mình trong công viên. Rồi hàng loạt con số thống kê về tình trạng xâm hại trẻ em được phóng lớn lên màn hình khiến nhiều học trò ngỡ ngàng. 

Trong giai đoạn 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8.100 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Bình quân cứ 8 giờ lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Chưa kể nhiều trường hợp người bị hại chưa báo cáo. Trong số thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, thống kê 59% là người thân quen.

Giữa giờ học, nhiều nam sinh quay sang nói chuyện riêng. Nhưng khi cô Loan thông tin bình quân sáu bé trai sẽ có một em bị xâm hại (tỷ lệ ở bé gái là bốn em thì có một em bị xâm hại), cả lớp im lặng. Một nam sinh nói từng bị người lạ đụng chạm vào vùng riêng tư.

Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục. Chúng gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ và sử dụng trẻ vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức, cô giáo đưa ra khái niệm, phía dưới nhiều cặp mắt tròn xoe.

Rất nhiều nữ sinh trong và ngoài trường chăm chú theo dõi buổi học. Ảnh: Nguyễn Đông.

Rất nhiều nữ sinh trong và ngoài trường chăm chú theo dõi buổi học. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tiết học trở nên sôi nổi khi cô giáo đưa ra phần dự đoán tìm chân dung kẻ xâm hại. Bốn hình vẽ phác thảo bốn gương mặt được đánh số thứ tự, phóng to lên màn hình. Phía dưới học sinh liên tục giơ tay phát biểu, nhưng chỉ có một đáp áp đúng: "Họ có thể là bất cứ ai chúng ta gặp".

Các em được cô giáo căn dặn không nhận quà từ người lạ; không để ai sờ soạng vào khu vực mặc bikini; đóng cửa khi ở nhà một mình; không đi một mình khi trời tối hay nơi vắng vẻ; tránh thay đồ hay đi vệ sinh ở nơi người khác có thể nhìn thấy vùng nhạy cảm; nhanh chân rời đi khi người lạ đến gần; không được im lặng nếu như mình là nạn nhân bị xâm hại.

Cả lớp sau đó xuống sân trường nơi có ba thầy dạy võ chờ sẵn để hướng dẫn thực hành những bài võ thoát hiểm khi bị tấn công bất ngờ, như bị túm tóc, khóa cổ, dồn vào chân tường. Nhìn con tự tin thoát khỏi các tình huống bị khống chế, nhiều phụ huynh đã nở nụ cười, dùng điện thoại quay lại để khoe với bạn bè.

Cô Loan nói, không chỉ trẻ em mà nhiều phụ huynh chưa ý thức hết hành vi xâm hại tình dục. Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi bị hiếp dâm mới là xâm hại. Khi lên lớp, không chỉ dạy về khái niệm, cô quyết định trình chiếu video để các em nhận thức đúng về thực trạng, dạy kỹ năng phòng tránh để biết cách xử lý.

"Khó nhất khi dạy về xâm hại tình dục trẻ em là phải chọn từ ngữ, hình ảnh và cách truyền đạt cho phù hợp với lứa tuổi", cô nói thêm.

Lớp kỹ năng sống thai nghén từ những buổi dã ngoại, khi cô Loan đang là giáo viên phụ trách đoàn đội của nhà trường. Hè 2018, khi đã lên làm quản lý, thấy mô hình hấp dẫn với nhiều học sinh nên cô quyết định xin nhà trường cho mở lớp dạy miễn phí.

Địa điểm liên tục thay đổi từ trong phòng học đến công viên, quán cà phê để tạo cảm hứng. Học sinh không giới hạn các em trong trường. Lịch học và địa điểm thông báo ngay trên Facebook. Nội dung bài giảng thay đổi linh hoạt theo các vấn đề thời sự và nhu cầu của học sinh. 

Không chỉ dạy chống xâm hại tình dục, cô Loan còn hướng dẫn các em cách phòng tránh bạo lực học đường, quản lý thời gian, hay cách ghi chép hiệu quả... Mỗi kỹ năng cụ thể được cô Loan nhờ bạn bè hướng dẫn thực hành bài, như băng bó vết thương có y tá, nói về tội phạm có công an.

Thông tin và hình ảnh về lớp học lan truyền trên mạng, nhiều học sinh ngoài trường hoặc nhà cách gần chục km cũng đề nghị bố mẹ chở đến tham gia. Có em mới học lớp hai cũng nằng nặc xin chị cho đi cùng. Vào dịp hè, ngoài lớp 12 đến 18 tuổi, cô Loan mở thêm lớp từ 6 đến 9 tuổi với gần 60 học sinh ngoài trường.

"Em học được kỹ năng giao tiếp và chống xâm hại tình dục. Việc học gắn với thực hành khiến chúng em rất thích thú và thuộc bài", Trần Duy Vinh, học sinh lớp 11 trường THPT Quang Trung, nói.

Còn Trương Thị Mỹ Hòa, lớp 9/4 trường Huỳnh Thúc Kháng, tâm sự đã biết cách kiểm soát được sự căng thẳng.

Sau phần lý thuyết, học sinh sẽ được thực hành các kỹ năng tự vệ để tránh bị xâm hại tình dục. Ảnh: Nguyễn Đông.

Sau phần lý thuyết, học sinh sẽ được thực hành các kỹ năng tự vệ để tránh bị xâm hại tình dục. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tự ví mình như "sọt rác", cô Loan kể do từng công tác đoàn đội nên gần gũi và quen biết nhiều học sinh, trở thành địa chỉ để các em "trút" suy nghĩ, sự ức chế hay bế tắc. "Tâm lý của trẻ có thể ba mẹ nói không nghe, nhưng cô giáo nói thì nghe", cô nói và cho biết các em sau khi tâm sự với mình đã cảm thấy vui hơn.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là lần ứng cứu một nữ sinh bế tắc trong suy nghĩ và có ý định tự tử. Em này lên cầu Thuận Phước phía cửa sông Hàn, nhưng do sợ độ cao nên bị hạ canxi, ngất lịm. Ngay khi đưa nạn nhân về bệnh viện, cô Loan đã túc trực chăm sóc và chuyện trò như người chị gái, tạo được lòng tin. Bây giờ cô bé đã là học sinh THPT.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, nhận xét lớp học của cô Loan tạo được sự hứng thú cho học sinh, vì có tính thực tiễn. Các em không bị gò bó vào sách vở mà được học từ những tình huống thực tế. "Không chỉ học sinh trong trường mà rất nhiều học sinh, phụ huynh nơi khác tìm đến đã cho thấy tính hiệu quả của lớp học", thầy Phước nói.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, bà Trần Thị Thúy Hà cho biết thực hiện việc mở cửa cổng trường hai năm nay, nhiều trường đã có câu lạc bộ dạy võ, kỹ năng sống ngắn hạn, nhưng tổ chức và duy trì thành lớp học thì toàn quận mới chỉ có cô Loan làm được.

"Lớp học là cần thiết trong thời đại đa số học sinh tiếp cận với mạng xã hội. Các em cần người hướng dẫn để có nhận thức và kỹ năng đúng", bà Hà nói và cho biết sẽ cho nhân rộng mô hình lớp kỹ năng sống của cô Loan đến các trường ở Hải Châu ngay trong dịp hè này.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.