Với cô Hiền, lựa chọn học tiếng Nga không phải là con đường quá gập ghềnh, thậm chí còn có nhiều cơ hội nếu cả cô và trò cùng yêu tiếng Nga và nỗ lực thắp sáng tình yêu đó.
Hành trình khám phá văn hóa Nga
Những tiết học vui nhộn, hào hứng từ lâu đã trở nên quen thuộc với học sinh lớp chuyên Tiếng Nga, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Cô Lê Thị Hiền là “nhà ảo thuật” xuất sắc khi biến những tiết học trở thành niềm yêu thích của học sinh khi được tìm hiểu, khám phá về đất nước con người và văn hóa Nga.
Trong truyện ngắn “Bà lão Idecghin”, nhà văn Marxim Gorki đã dựng lên hình tượng chàng Danko xé toang lồng ngực lấy trái tim soi lối cho cả đoàn người. Từ đó, “Trái tim Danko” được hiểu là những người luôn hết lòng vì người khác, bất chấp hiểm nguy, cũng là nét đặc trưng của người dân Nga thân thiện, phóng khoáng.
Nhằm giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa Nga, cô Hiền đã tổ chức những buổi biểu diễn kịch Trái tim Danko. Buổi biểu diễn này nhận được sự hào hứng tham gia của tất cả học sinh trong lớp. Để tổ chức được một vở kịch, cô lên kế hoạch trước đó cả tuần, chia nhóm và hướng dẫn học trò cùng dàn dựng.
Cô Hiền quan niệm, để học tốt một ngôn ngữ, học sinh cần được tạo điều kiện tiếp cận, trải nghiệm văn hóa đất nước đó, nếu không gợi mở thì rất khó “giữ chân” các em. Vì vậy, cô thường tìm những cách mới mẻ để giúp học trò hứng thú, không sợ giờ học tiếng Nga. Việc cho học sinh hòa mình vào nền văn hóa qua những vở kịch chính là giúp học sinh có thêm hứng thú học tập.
Ngoài những bài đọc và câu hỏi có sẵn trong sách, cô Hiền lồng ghép và giới thiệu thêm các tác phẩm nổi tiếng khác. Trong giờ học, cô là người gợi mở cho học sinh khám phá, rất thích được các em phản biện, đặt câu hỏi và chỉ ra lỗi sai của mình. Bên cạnh ngữ pháp, cô Hiền chú trọng phát triển kỹ năng giao tiếp của học trò và thường chọn văn học Nga là chất liệu để xây dựng các bài giảng.
Để có những tiết học sinh động, hấp dẫn, cô Hiền không ngừng trau dồi chuyên môn mở rộng vốn hiểu biết. Theo cô, để chinh phục trái tim học trò là không dễ dàng trừ khi thực sự yêu và cố gắng. Tiếng Nga là ngôn ngữ khó, nền văn hóa Nga rất phong phú, bởi vậy cần phải cố gắng hết mình mới có thể truyền đạt được hết cái hay cái đẹp của ngôn ngữ xứ sở Bạch Dương đến học sinh.
Nhờ những nỗ lực trong quá trình giảng dạy của cô Hiền, lớp chuyên Tiếng Nga Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã trở thành một “thương hiệu” hàng đầu tại Hà Nội. Hàng năm, học sinh nhà trường đều đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi Tiếng Nga quốc gia và Olympic Tiếng Nga quốc tế. Nhiều học sinh sau khi ra trường đã gắn bó lâu dài với Tiếng Nga.
Lê Huỳnh Đức, cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, người từng đoạt giải Nhì Olympic quốc tế Tiếng Nga năm 2017, bày tỏ: Cô Hiền là người truyền cảm hứng và niềm yêu thích cho em trong quá trình học tập. Trong giờ dạy, cô tạo hứng thú, giúp học sinh học tiếng qua những bài hát, câu chuyện về cuộc sống, văn hóa nước Nga. Sau khi ra trường, em vẫn luôn nhớ về cô.
Cầu nối giữa hai nền văn hóa
Gần 30 năm gắn bó với tiếng Nga, cô Hiền nhớ lại về quãng đường tương đối gập ghềnh khi lựa chọn ngôn ngữ này: Năm 1990, cô học sinh lớp chuyên Tiếng Nga Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hà Sơn Bình cũ) thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, hiện thực hóa ước mơ được làm cô giáo dạy Tiếng Nga.
Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng khi năm 1991, Liên Xô sụp đổ, tiếng Nga dần mất vị thế. Năm 1994, khi ra trường, cũng giống như các bạn cùng lứa, cô Hiền đành “đổi nghề” theo dạy Tiếng Anh tại một trường THPT nhưng luôn tin “tiếng Nga sẽ không chết” và mong một ngày được trở lại làm việc với ngôn ngữ yêu thích.
Đến năm 1997, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ tuyển giáo viên Tiếng Nga, dù đã quen dần với việc dạy tiếng Anh nhưng cô nhanh chóng ứng tuyển và trở thành giáo viên duy nhất dạy tiếng Nga tại trường. Lúc đó, lớp chuyên Tiếng Nga có rất ít học sinh theo học dù điểm đầu vào luôn thấp nhất trường, nhiều học sinh khi theo học cũng không có động lực học tập.
Khó khăn nhất với giáo viên Tiếng Nga lúc đó còn là thiếu tài liệu giảng dạy. Vì vậy, ngoài việc mượn sách vở của thầy cô bạn bè, mượn sách trên thư viện, cô Hiền thường phải lang thang trên vỉa hè của những con đường quanh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ để tìm mua từ điển, sách cũ.
Khi mạng Internet phát triển, tài liệu đã đa dạng hơn. Cùng với sự giúp đỡ từ Viện Ngôn ngữ Nga Pushkin, học sinh được tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hóa Nga, được giao lưu học hỏi với các bạn học sinh Nga. Các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Nga, Olympic Tiếng Nga quốc tế được tổ chức hàng năm giúp đưa Tiếng Nga gần hơn với học sinh.
Những nỗ lực của cô Hiền trong suốt quá trình giảng dạy đã mang đến nhiều thế hệ học sinh giỏi tiếng Nga tỏa đi khắp mọi miền đất nước, là nhà nghiên cứu văn hóa Nga, làm việc cho các công ty của Nga, trở thành cầu nối văn hóa giữa hai dân tộc. Đặc biệt, 2 cựu học sinh của cô giờ đây đã là đồng nghiệp tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, để cùng lan tỏa tình yêu tiếng Nga đến với các thế hệ học trò.
Thầy Nguyễn Hoàng Kim - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, đánh giá cô Hiền là giáo viên rất yêu nghề, tâm huyết với học trò. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô Hiền đã nhận được không ít danh hiệu, phần thưởng, có nhiều học trò đoạt giải cao và thành đạt trong cuộc sống. Gần đây nhất, cô Hiền là một trong 33 nhà giáo của Hà Nội vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.