Giáo viên ở Thanh Hóa chia sẻ kỹ năng ôn tập cho thí sinh đạt điểm cao

GD&TĐ - Nhằm giúp thí sinh có kỹ năng, tâm lý làm bài thi đạt điểm cao, một số giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp.

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Lan và học trò của mình trên lớp. (Ảnh: NVCC)
Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Lan và học trò của mình trên lớp. (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo Ưu tú "mách nước" ôn tập môn Lịch sử

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Lan – GV dạy môn Lịch sử ở Trường THPT Dân tộc Nội trú Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi, rèn kỹ năng, tâm lý cho học sinh (HS) làm bài thi đạt điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô giáo Lan, Lịch sử là môn học khó và đã có một thời gian HS cho rằng, đó là môn học phụ, nên thường có tâm lý ngại học. Vì thế, làm thế nào để học trò yêu môn Lịch sử, thì GV phải dạy học bằng cả sự tâm huyết của mình, giảng bài với lời nói rõ ràng, truyền cảm, khí thế để học sinh yêu thích bộ môn. Từ đó, HS hào hứng, hợp tác và tiếp thu bài học một cách chủ động.

Cũng theo nữ nhà giáo, trong dạy học môn Lịch sử, GV cần sử dụng phương pháp nêu vấn đề, sử dụng sơ đồ tư duy, bảng hệ thống hóa kiến thức, sử dụng công nghệ thông tin, tranh ảnh, phim tư liệu… để phát huy tính tích cực chủ động của HS.

Sau mỗi bài học, GV tăng cường giao bài tập về nhà cho HS. Bài tập đó là yêu cầu HS hệ thống hóa những kiến thức các em đã học bằng cách lập sơ đồ tư duy, bảng kiến thức để nắm được những kiến thức đã học mà áp dụng vào việc xử lý các bài tập. Cùng đó, là phải hệ thống câu hỏi trắc nghiệm của bài học, yêu cầu các HS phải hoàn thiện để khắc sâu kiến thức.

“Việc kiểm tra bài cũ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: yêu cầu HS gấp sách vở lại, viết lại kiến thức đã học dưới dạng sơ đồ (mỗi tổ, nhóm học sinh 1 nội dung hoặc 1-2 tổ, nhóm một nội dung). Hoặc trả lời nhanh câu hỏi trắc nghiệm mà GV soạn sẵn từ 10-20 câu (mã đề khác nhau).

Cô giáo Lê Thị Lan và học sinh Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trong lớp học. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Lê Thị Lan và học sinh Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trong lớp học. (Ảnh: NVCC)

Việc kiểm tra được GV thực hiện nghiêm túc, thường xuyên trong các tiết học, có nhận xét đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức của từng em, từ đó HS rút được kinh nghiệm. Sau kiểm tra GV yêu cầu HS bổ sung vùng kiến thức mà các em còn hổng, còn yếu để nắm chắc kiến thức cơ bản rồi vận dụng vào việc xử lý các bài tập tốt hơn”, cô Lan chia sẻ.

"Điểm trung bình bộ môn Lịch sử của Trường THPT DTNT Ngọc Lặc trong những năm qua, thể hiện: Năm 2021 là 7,53 điểm; năm 2022 đạt 8,53 điểm và năm 2023 đạt 8,50 điểm.

Với số điểm trung bình môn Lịch sử nêu trên, nhà trường xếp thứ nhất toàn tỉnh, và cao hơn nhiều so với điểm trung bình của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước. Năm nay, tại kỳ khảo sát lần thứ nhất của tỉnh Thanh Hóa, điểm trung bình môn Lịch sử của nhà trường đạt 8,9 điểm, đứng thứ nhất toàn tỉnh", bà Hà Thu Dung - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Lan cũng cho rằng, trong quá trình ôn tập và hướng dẫn HS xử lý các bài tập, thì GV đặc biệt quan tâm đến việc sửa đề cho HS. Việc sửa đề phải tiến hành một cách tỉ mỉ, cẩn thận, phải chỉ ra được từng lỗi sai của học trò từ cơ bản đến nâng cao, để các em rút được kinh nghiệm trong việc xử lý các bài tập tiếp theo.

“Những biện pháp mà chúng tôi thực hiện tại nhà trường cũng không có gì gọi là cao siêu, khác lạ so với những biện pháp dạy học bộ môn tại các trường THPT trên cả nước. Nhưng hơn hết đó là sự tin tưởng, tạo điều kiện của BGH nhà trường, sự tin yêu của học sinh, phụ huynh và lòng yêu nghề, sự tâm huyết với bộ môn đã giúp chúng tôi có được vị thế như ngày hôm nay”, cô Lan bộc bạch.

Phân loại theo nhóm để ôn luyện

Là một ngôi trường THPT ở miền núi của tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng tại kỳ thi tốt nghiệp những năm gần đây, Trường THPT Ngọc Lặc đều có hàng chục TS đạt điểm Ngữ văn từ 9 điểm trở lên. Trong đó, điểm trung bình chung môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của nhà trường đạt 7,89. Điểm 9,5 có 6 con điểm; điểm 9 đến dưới 10 có 54 con điểm và điểm tổ hợp khối C,D từ 27 điểm trở lên có 22 TS đạt được.

Ông Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đặc thù của nhà trường là đa số HS lựa chọn chọn dự thi Tổ hợp Khoa học Xã hội. Vì vậy, GV các bộ môn thuộc Tổ hợp Khoa học Xã hội, trong đó có môn Ngữ văn được các thầy, cô giáo tập trung ‘chắt lọc’ phân chia HS theo nhóm để ôn thi cho HS.

“Việc ôn thi đối với môn Ngữ văn được nhà trường giao cho Tổ chuyên môn do cô giáo Ngô Thị Thanh làm Tổ trưởng đã xây dựng kế hoạch phân chia HS theo nhóm, nhằm giúp các em có thể ôn tập tốt và giành điểm cao cho mình trong kỳ thi sắp tới”, ông Liêm thông tin.

Cũng theo ông Liêm, các giáo viên trong Tổ Ngữ văn của trường đã soạn đề cương ôn tập theo từng phần: đọc hiểu, làm văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Nội dung dạy thêm tập trung vào thực hành để luyện tập theo cấu trúc đề minh họa. Các GV giao bài tập cho HS tự rèn luyện, sau đó GV kiểm tra, theo dõi giúp đỡ HS hoàn thành bài tập được giao như trả, chữa bài vào tiết sau; phối hợp với GV chủ nhiệm tăng cường kiểm tra công tác ôn tập cho HS.

Cô giáo Ngô Thị Thanh và học trò của mình trong giờ học. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Ngô Thị Thanh và học trò của mình trong giờ học. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Ngô Thị Thanh, Tổ trưởng môn Ngữ văn của nhà trường, cho hay, sau khi xây dựng kế hoạch, các thầy, cô trong Tổ bám sát theo từng lớp rồi phân loại, chia nhóm HS để bồi dưỡng. Thậm chí, giáo viên còn phải dạy miễn phí cho HS không thu tiền trong tháng 6, vì thực ra nhiều em “ngại” đi học.

“Trong quá trình giảng dạy trên lớp, khi phân loại HS mà nhận thấy nhóm nào đang ở mức độ 5-6 điểm, thì GV quyết tâm dạy cho HS như thế nào để “đẩy” lên được thành nhóm 7-8 điểm. Còn nhóm 7-8 điểm, thì phải “đẩy” lên thành nhóm 8,5 hoặc cao hơn. Và cứ như vậy, GV áp dụng phương pháp ôn luyện cho HS để các em có thể vững vàng vượt qua kỳ thi, mang điểm cao về cho mình”, cô Thanh tâm sự.

Cô Ngô Thị Thanh cho rằng, thực tế hiện nay khi ôn thi, HS không học được nhiều, nên GV phải cung cấp đề, thậm chí cả đáp án để HS tham khảo, rồi yêu cầu các em viết từng đoạn, hoặc một bài hoàn chỉnh và GV căn giờ.

“Khi HS đã được tham khảo tài liệu xong, thì phải tự làm bài như một bài thi thật, mà không có tài liệu. GV sẽ căn giờ để thu bài, rồi đem về chấm, sửa và trả bài hàng tuần rất nhiều lần cho HS. Ngoài ra, thời gian HS ở nhà, chúng tôi cũng giao bài và yêu cầu các em phải thực hiện đúng thời gian... Với cách làm như vậy, dần dần chúng tôi “đẩy” tốc độ làm bài của HS lên sao cho phù hợp, thậm chí còn nhanh hơn với thời gian làm bài thi thực tế.

Nói chung, phương pháp ôn luyện cho HS của chúng tôi là phải yêu cầu các em rèn luyện kỹ năng nhiều, viết nhiều... đối với nhóm HS chỉ lấy điểm xét tốt nghiệp. Còn nhóm điểm cao để xét đại học cần phải “đẩy” lên nhóm điểm 9, thì chú trọng kiến thức nâng cao”, cô Thanh thông tin.

Cô giáo Thanh (áo vàng) chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Thanh (áo vàng) chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh của mình. (Ảnh: NVCC)

Nữ nhà giáo Ngô Thị Thanh cũng cho rằng, để giúp HS rèn kỹ năng, tâm lý làm bài thi đạt điểm cao, đội ngũ GV Ngữ văn Trường THPT Ngọc Lặc đã hướng dẫn các em lập đề cương ôn tập theo hướng, như: Hệ thống lại những kiến thức thường gặp ở phần Đọc hiểu; kỹ năng làm từng dạng câu hỏi; các bước lập ý, hệ thống dẫn chứng có thể vận dụng cho đề thi.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh hệ thống hoá kiến thức về tác phẩm văn học, như: khái quát tác giả, khái quát tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, những nét chính về nội dung và nghệ thuật), những lệnh phụ có thể sẽ gặp trong các đề thi.

"Vừa giảng dạy kiến thức vừa rèn luyện kỹ năng cho HS; học đến đâu luyện đề, chữa đề đến đó. Hướng dẫn HS phân phối thời gian hợp lý cho các phần, các câu. Đặc biệt, luôn quan tâm sát sao đến học trò để phân loại HS. Em nào yếu phần nào thì “vực” phần đó. Em nào viết đúng, viết đủ rồi, thì bồi dưỡng thêm để viết sâu, viết hay.Học và hành từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp...", cô Thanh chia sẻ.

“Với mục tiêu đề ra của nhà trường là, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99% trở lên, tỷ lệ đỗ đại học đạt 75 % trở lên. Do đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu GV bộ môn cần nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi và ôn thi THPT năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành. Xây dựng kế hoạch theo các nội dung giảm tải như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT... GV trong các tổ chuyên môn sẽ tập trung rà soát chương trình và xây dựng nội dung ôn tập...”, ông Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ