Cô giáo 9x mỗi tuần vượt núi băng rừng dạy học

GD&TĐ - Băng 20 km đường rừng với đủ dốc đá, vực sâu, qua 5 con suối, 3 ngọn núi - đó là đường đến trường mỗi tuần của cô giáo 9X Nguyễn Thị Như Thảo.

Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo tại điểm trưởng bản Pá Hốc.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo tại điểm trưởng bản Pá Hốc.

“Em xông pha tình nguyện quen rồi. Thêm chút nữa không sao!”

Quê ở Hà Nam, từng dạy học ở TP.Hồ Chí Minh sau tốt nghiệp Trường ĐH Vinh, cô giáo sinh năm 1993 Nguyễn Thị Như Thảo bất ngờ tình nguyện lên xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) dạy học - nơi cô chưa từng đặt chân đến một lần trong đời.

Khi nhận quyết định công tác tại Trường Phổ thông DTBT tiểu học xã Hang Chú, cô Thảo chỉ biết chỗ mình dạy cách trung tâm thị trấn 60 km và không có chợ. Nhưng sau đó, không chỉ cô mà cả đồng nghiệp đều ngỡ ngàng, bởi có cô cũng có nghĩa lần đầu tiên học sinh nơi đây được học tiếng Anh. Cô là giáo viên tiếng Anh duy nhất trong trường, duy nhất của bên tiểu học dọc theo triền núi.

Trường Phổ thông DTBT tiểu học xã Hang Chú có 2 khu, cách xa nhau hơn 20km đường đồi núi gập ghềnh. Những ngày đầu chưa quen, để hoàn thành nhiệm vụ, cô Thảo trích từ lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng để thuê một người địa phương chở đi lại trong những ngày phải lên lớp ở 2 điểm trường, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa kịp thời gian đứng lớp.

Con đường đến trường đầy bùn đất tay lái yếu không đi nổi.

Con đường đến trường đầy bùn đất tay lái yếu không đi nổi.

Con đường cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo thường xuyên đi qua.

Con đường cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo thường xuyên đi qua.

Công tác được 2 tháng, lãnh đạo Phòng GD&ĐT lên thanh tra, kết hợp thăm hỏi, động viên và dành nguyên buổi làm việc riêng với giáo viên tiếng Anh mới. Khi lãnh đạo hỏi “có ‘cân’ nổi thêm điểm trường trong nữa không, cách gần 30km, đường khó...”, cô giáo trẻ nhận lời ngay: “Em xông pha tình nguyện bao năm rồi. Thêm chút nữa cũng không sao”.

Thế là mình cô giáo trẻ dạy 3 nơi: 2 điểm trường ở tiểu học và điểm trường lớn với lớp 8 ở THCS.

Đều đặn mỗi tuần, cô Thảo vào trong điểm trường trong 2 buổi. Đường nhỏ xíu, dốc và lởm chởm đầy đá, một bên vách núi, một bên vực. Đoạn nào dễ đi thì lại bùn đất, tay lái yếu sẽ không đi nổi.

“Có lần thì em bị ngã văng ra vệ đường gẫy chân, phải nằm ở nhà mất 2 tuần, tập tễnh hơn 2 tháng. Có lần thì bị rơi mất nửa balo đồ. Trời mưa là như đi cấy. Trời nắng thì chiếc quần đen được tẩm một lớp bụi dày. Đều đặn tuần nào em cũng vào bản với các bạn, thuộc cả cung đường rừng dài 20km với đủ dốc đá, đủ vực sâu, đúng 5 con suối, 3 ngọn núi. Rời nhà từ khi sáng sớm, quay về là tối muộn, phải dùng đèn pin dò đường đi...”, cô Thảo chia sẻ.

Bức thư học trò gửi cô Nguyễn Thị Như Thảo.

Bức thư học trò gửi cô Nguyễn Thị Như Thảo.

Học sinh lớp 1, 2 đứng ở cửa lớp xem cô dạy thế nào, xem tiếng Anh là gì.

Học sinh lớp 1, 2 đứng ở cửa lớp xem cô dạy thế nào, xem tiếng Anh là gì.

Khó khăn như thế, nên vào được buổi nào là cô giáo trẻ tranh thủ dạy hết sức: xin tiết, ghép lớp, thêm giờ... Học sinh háo hức học, có đứa thì ngóng cô, đứa lăng xăng lấy bàn ghép lớp. Học sinh lớp 4 chưa được học tiếng Anh nên đứng ngoài cửa hóng; học sinh lớp 1, 2 cũng đứng ở cửa lớp xem cô dạy thế nào, xem tiếng Anh là gì. Cô cứ để vậy, không nỡ đuổi. Những ánh mắt học trò háo hức như nuốt từng con chữ vun đắp tình yêu của cô Nguyễn Thị Như Thảo với nghề dạy học, với vùng đất khó khăn Bắc Yên từng ngày.

Vậy nên, chẳng những không hối hận với quyết định lên vùng cao dạy học, cô còn coi đây là những ngày tháng đáng nhớ, đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân.

Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo sau khi vượt quãng đường 20km từ khu trung tâm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Hang Chú đến khu Suối Lềnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo sau khi vượt quãng đường 20km từ khu trung tâm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Hang Chú đến khu Suối Lềnh.

Mong có con đường trải nhựa

“Con người ta chỉ cảm thấy có ích khi biết rằng đâu đó đang cần mình, mình có một nơi để thuộc về”. Mượn lời thoại bộ phim đã làm thay đổi cuộc sống của mình (Mùa xuân ở lại), cô Thảo chia sẻ nguyện ước thật giản dị của mình, cũng là mong mỏi của một học sinh lớp 5 gửi gắm trong bài dự thi an toàn giao thông: “Ước gì con đường bản được trải nhựa để cô giáo vào dạy cho chúng em được dễ dàng”.

“Đọc bài văn của học trò mới hiểu các em muốn được học với cô thế nào. Em cũng mong muốn có con đường 20 km trải nhựa hoặc đổ bê tông cho học trò được từ bản ra trung tâm xã đi học. Các thầy cô mầm non, tiểu học sẽ an toàn, dễ dàng đi vào điểm trường, nhất là khi mùa mưa bão”, cô Như Thảo bày tỏ.

Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo lên lớp tiết tiếng Anh.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo lên lớp tiết tiếng Anh.

Gắn bó với học trò vùng cao, cô Thảo đồng thời mong muốn cơ sở vật chất trường lớp, đời sống học sinh được quan tâm hơn nữa. Ví dụ như đồ dùng, trang thiết bị học tập; máy tính, internet để ứng dụng công nghệ vào dạy học, giúp học sinh có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận với tri thức.

Thương trò, cô thường vận động để quyên góp, hỗ trợ các em những đồ dùng thiết thực như sách vở, đồ dùng học tập, cặp lồng, quần áo, giầy tất... Nhưng những câu chuyện nhỏ về cuộc sống của trẻ em trên bản, về vùng cao do cô chia sẻ đã kết nối được nhiều hơn những tấm lòng. Nhờ vậy, cô giúp được học sinh nhiều hơn, trong đó có 200 đôi giày mới, một dự án thư viện trị giá tầm 30 triệu, một chuyến xe nghĩa tình hơn 100 triệu và 1 lần xây bếp hơn 100 triệu đồng.

“Nhìn học trò mang cơm bằng cặp lồng thay vì túi nilon, có giầy tất để đi giữa giá lạnh, có đủ đầy sách vở, được ăn những chiếc bánh cái kẹo ngon mà lần đầu chúng biết tới, thấy hạnh phúc vô cùng”, cô giáo trẻ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.