Nghệ An: Cô giáo nhiều năm cắm bản biên giới đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú

GD&TĐ - Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Lan, nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học Tam Quang 2 (huyện Tương Dương, Nghệ An) gắn bó với khắp các bản làng vùng cao, biên giới, trăn trở vì học sinh thân yêu.

Cô Nguyễn Thị Lan là giáo viên thứ 3 của huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Cô Nguyễn Thị Lan là giáo viên thứ 3 của huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Tính quãng đường đến trường bằng... ngày

Cách đây hơn 30 năm, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lan tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm miền núi Tân Kỳ, Nghệ An và được phân công vào dạy học tại Trường Tiểu học Nhôn Mai. Đó là một xã biên giới xa xôi, khó khăn nhất của huyện vùng cao Tương Dương thời bấy giờ, nằm ở thượng nguồn dòng Nậm Nơn, khi chưa có thủy điện Bản Vẽ.

Cô Lan cũng là người huyện Tương Dương, nhưng gia đình ở xã Tam Quang, gần Quốc lộ 7, được xem là “vùng ngoài” thuận lợi hơn. Chặng đường để từ Tam Quang vào Nhôn Mai, nói là trong huyện, nhưng cô phải đi mất 6 ngày, bằng xe khách, đi bộ dọc theo dòng Nậm Nơn lên thượng nguồn. “Ngày ấy, chúng tôi tính quãng đường từ nhà đến trường không theo chiều dài ki-lô-mét đường, mà tính bằng ngày, và phương tiện chủ yếu chính là 2 chân mình, đi bộ”, cô Lan kể.

Hành trình đến trường đầy gian khổ ngày mới vào nghề, đến tận bây giờ cô Lan vẫn nhớ như in. Cô kể mình hẹn đồng nghiệp rồi cùng đi, chứ không thể nào đi một mình vào Nhôn Mai được. Trước khi lên đường, sách vở, quần áo là một phần, nhưng còn phải chuẩn bị lương thực, thức ăn trên đường đi cho gần 1 tuần.

“Sau khi trải qua chặng xe khách từ nhà lên thị trấn, tôi và các anh chị trong trường hẹn nhau bắt đầu đi bộ. Vì đi thuyền tốn tiền, hơn nữa có những đoạn thác ghềnh hiểm trở hoặc nước cạn thì thuyền cũng không đi được. Đêm ngủ nhờ nhà dân bản, ngày leo núi. Nhưng phải căn thời gian, tính toán để khi trời tối phải kịp đến một bản làng nào đó dọc đường xin ngủ lại. Sáng sớm tinh mơ lại dậy đi…”, cô Lan nhớ lại.

Cô Nguyễn Thị Lan nhớ lại những năm đầu tiên đầy gian khổ của nghề giáo.
Cô Nguyễn Thị Lan nhớ lại những năm đầu tiên đầy gian khổ của nghề giáo.

Chuyến vào trường đầu tiên, sau 1 ngày leo bộ, cô đến bản Kim Hòa (xã Kim Đa cũ, nay đã không còn vì xây dựng hồ thủy điện Bản Vẽ - PV). Sáng hôm sau thức dậy, chân cô sưng tấy và đau nhức. Nhưng không tiếp tục thì ảnh hưởng đến cả nhóm.

Được đồng nghiệp động viên, mang bớt đồ đạc, cô nén đau lên đường. Điểm dừng tiếp theo trong hành trình của cô là tại bản Chả Coong (xã Hữu Dương) xin nghỉ nhờ tại ký túc của giáo viên tại xã này. Ngày thứ 4 đến bản Nhãn Mai (xã Luân Mai) và đến ngày thứ 5 thì đến Nhôn Mai. Nhưng từ điểm trường chính vào điểm bản lẻ Na Lợt mà cô dạy học, còn phải đi bộ nửa ngày đường nữa.

Bù đắp cho chặng đường dài gian nan ấy, là ánh mắt vui mừng của học trò, là mong đợi, yêu quý, tôn trọng cô giáo của bà con bản vùng sâu biên giới. Do ở điểm bản lẻ, ít học sinh, nên cô Lan được giao phụ trách lớp ghép 1 và 2. Ngoài giờ lên lớp, cô lại đi thăm bản, thăm nhà học sinh, phụ huynh.

Suốt cả năm học, cô Lan chỉ dám về nhà vào dịp tết và nghỉ hè, dù là dạy trong huyện, do quãng đường đi quá vất vả, hiểm trở. Một thời gian sau, cô được điều chuyển về trường tiểu học xã nhà ở Tam Quang. Nhưng tuổi trẻ, cô xung phong vào bản Tùng Hương, cũng là một bản ở khu vực biên giới giáp Lào. Lần này, quãng đường được rút ngắn lại từ 6 ngày xuống 1 ngày. Đường từ nhà đến Tùng Hương cũng chỉ là con đường mòn bà con phát rừng khi đi rẫy.

Năm tháng tuổi trẻ của cô cứ miệt mài với bản làng, học trò. Nhưng cũng từ trong gian khổ, mà cô dần yêu thêm nghề giáo. Cô thấy mình đã đem đến những điều mới mẻ, thắp lên ước mơ nhỏ nhoi cho lũ học trò chốn thâm sơn.

Trăn trở đem điều tốt đẹp đến học trò dân tộc thiểu số

Những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều giáo viên vì không thể vượt qua được sự khó khăn nên đã xin nghỉ dạy để tìm công việc khác. Cũng có người chỉ sau mấy ngày đường, chưa kịp vào tới trường đã quay ra. Nhưng cô Lan đã chọn bước tiếp. Khi đã vượt qua 6 ngày ròng rã mới đến trường, sau này, không khó khăn nào khiến cô chùn bước. “Tôi đã nghĩ ngày xưa khổ thế mình còn vượt qua được, thì những năm tháng về sau, đối với mình đã ngày một dễ dàng hơn nhiều rồi”, cô nói.

Sau này, cô Nguyễn Thị Lan tiếp tục luân chuyển qua nhiều đơn vị với vị trí công tác khác nhau. Năm 2011, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Đình, sau đó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thắng và làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Quang 2 cho tới khi nghỉ hưu.

Trong gần 30 năm công tác, cô Lan được nhiều Bằng khen, và năm 2021 nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Trong gần 30 năm công tác, cô Lan được nhiều Bằng khen, và năm 2021 nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Dù là một giáo viên cắm bản, hay khi đã thành cán bộ quản lý, thì lúc nào cô cũng trăn trở vì học sinh, muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò dân tộc thiểu số ở vùng cao Tương Dương.

Khi còn là giáo viên đứng lớp, cô Nguyễn Thị Lan một mặt đảm bảo chất lượng đại trà cho học sinh, mặt khác cũng là người dẫn dắt, bồi dưỡng cho rất nhiều học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Góp phần nâng cao chất lượng mũi nhọn cho giáo dục những vùng khó khăn mà cô đã gắn bó, dạy học.

Đặc biệt, trên cương vị cán bộ ban giám hiệu nhà trường, cô có nhiều đổi mới, sáng kiến trong quản lý để đưa chất lượng nhà trường đi lên, tạo điều kiện, môi trường học tập tốt cho học sinh.

Cuối năm 2020 do sức khỏe không còn đảm bảo, vì sợ ảnh hưởng đến tập thể nên cô Lan đã xin nghỉ hưu theo Nghị định 108 của Chính phủ.

Khi về làm cán bộ quản lý của đơn vị nào, cô đều đóng góp vai trò lớn để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2.

Học sinh huyện Tương Dương phần lớn là con em dân tộc thiểu số, điều kiện học tập còn thiếu thốn. Vì vậy, cô Nguyễn Thị Lan rất chú trọng đến xây dựng thư viện, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Qua đó giúp các em có thêm hiểu biết, kiến thức, nâng cao kỹ năng tiếng Việt.

Trong thời gian ở Trường Tiểu học Tam Quang 2 (xã Tam Quang), cô có vai trò lớn huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng thư viện thân thiện. Kết quả, Trường Tiểu học Tam Quang 2 là một trong 2 đơn vị đầu tiên của huyện và và 1 trong 8 trường của tỉnh Nghệ An thiết lập thành công thư viện thân thiện bằng xã hội hóa. Điều đó cũng thể hiện sự tín nhiệm, yêu quý của phụ huynh, chính quyền địa phương dành cho cô giáo luôn dành tâm huyết chăm lo cho con trẻ.

Và đến năm 2021, cô Nguyễn Thị Lan là 1 trong 32 giáo viên của tỉnh Nghệ An được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Bà Võ Tuyết Chinh – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyên Tương Dương cho hay, cô Nguyễn Thị Lan là một người rất tâm huyết với trò, với nghề. Khi làm cán bộ quản lý, cô có nhiều giải pháp, sáng kiến và dám thực hiện, triển khai, chịu trách nhiệm để phát triển nhà trường. Danh hiệu Nhà giáo ưu tú được Nhà nước công nhận, là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, tận tâm của cô Nguyễn Thị Lan. Đồng thời cũng là phần thưởng rất ý nghĩa khi cô vừa hoàn thành chặng đường gần 30 năm sự nghiệp trồng người của mình. Danh hiệu này, cũng là niềm tự hào của cả ngành giáo dục Tương Dương, bởi trên toàn huyện trước đó mới chỉ có 2 giáo viên được công nhận Nhà giáo ưu tú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.