Cô giáo 30 năm kiên trì phương pháp để học sinh 'tự tạo ra kiến thức'

GD&TĐ - 30 năm trong nghề, cô Lô Thúy Hương vẫn kiên trì thực hiện và lan tỏa giáo dục bằng việc làm, mà theo cô là bí quyết của nền giáo dục hiện đại.

Cô Lô Thúy Hương và học trò.
Cô Lô Thúy Hương và học trò.

30 năm gắn bó với giáo dục

Không theo nghề kế toán như định hướng của cha mẹ, hay trở thành bác sĩ dù đỗ Trường ĐH Y Hà Nội, Lô Thúy Hương quyết định chọn sư phạm. Cô là lứa sinh viên đầu tiên của khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - trường ĐH đầu tiên đào tạo giáo viên tiểu học có trình độ đại học.

Năm 1996, tốt nghiệp ĐH khi mới 20 tuổi, cô Lô Thúy Hương bắt đầu công việc giảng dạy ở một trường ngoài công lập được mở ra đầu tiên tại Hà Nội. 27 năm trong ngành, cô đã có cho riêng mình kho tàng quý giá: Đồng tác giả biên soạn 11 cuốn sách Toán trắc nghiệm khách quan cho học sinh tiểu học; chủ biên 4 cuốn sách Toán dành cho trẻ em tiền tiểu học; đồng tác giả 8 cuốn bài tập phát triển năng lực môn Toán tiểu học theo Chương trình GDPT 2018; đồng tác giả 2 cuốn bồi dưỡng năng lực Toán tiểu học,ôn luyện chuẩn bị cho THCS.

Năm 2018, cô Hương bắt đầu làm việc tại The Dewey Schools và hiện là trưởng ban Toán tiểu học của Hội đồng Khoa học và Sư phạm TDS, Giám đốc chương trình Tiếng Việt The Dewey Schools Tây Hồ Tây. Tại môi trường này, cô cho biết, bản thân tìm thấy sự tương đồng trong triết lý giáo dục của nhà trường, nơi thầy cô đều mong muốn đồng hành cùng học sinh “đi lại con đường của các nhà khoa học đã đi”, hướng về bản chất của việc học.

“Mọi người nói, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Là giáo viên, với tôi không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Mỗi lần nhìn học sinh học thêm một nội dung mới, làm ra một khái niệm mới cho chính mình, tôi rất vui vì biết rằng khi đó các em có được sự phát triển trong tư duy, nhân cách”, cô Lô Thúy Hương chia sẻ.

Cô Lô Thúy Hương.

Cô Lô Thúy Hương.

Để học sinh đi lại con đường nhà khoa học đã đi

Gần 30 năm trong nghề, cô Hương hiểu rõ những thay đổi trong giáo dục, đặc biệt với giáo dục trẻ em. Học sinh nếu chỉ học theo công thức, học trên các tri thức có sẵn sẽ không thể đáp ứng được với những thay đổi trong xã hội.

Ngược lại, nếu học sinh được tự mình làm ra kiến thức dưới sự tổ chức của giáo viên, các em sẽ không chỉ có khái niệm mà còn nắm rõ quá trình hình thành, phát triển của khái niệm đó. Với cô Hương, đây là nhiệm vụ mà giáo viên phải tổ chức được nếu muốn học sinh của mình đam mê với việc học.

“Giáo dục bằng việc làm là bí quyết của nền giáo dục hiện đại. Học sinh tự mình làm ra sản phẩm cho chính mình thì các em sẽ biết cách học. Dạy học như vậy sẽ làm học sinh hứng thú và yêu thích việc học. Muốn biết chất lượng giáo dục của một trường, hãy nhìn vào việc trường đó tổ chức việc học cho học sinh như thế nào?”, cô Lô Thúy Hương cho hay.

Cụ thể cho quan điểm trên, cô Lô Thúy Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tổ chức dạy học bằng cách cung cấp cho học sinh vật liệu, bày thao tác để các em đi lại con đường của các nhà khoa học đã đi.

Do đó, tại ngôi trường hiện đang gắn bó, mục tiêu của cô không chỉ nhằm thay đổi cách thức tổ chức dạy học cho học sinh mà còn thay đổi tư duy của giáo viên - đúng như giá trị “học tập suốt đời" mà trường luôn theo đuổi. Để học sinh “đi lại được con đường của các nhà khoa học đã đi”, giáo viên phải biết được con đường đó là gì, tổ chức cho học sinh đi lại con đường đó thế nào? Đó là thách thức không nhỏ với các nhà giáo trong thế kỷ 21.

Về vấn đề này, cô Hương cho rằng, có 6 thách thức trong thế kỷ 21 với những người làm giáo dục.

Thứ nhất, đối tượng giáo dục là học sinh được sinh ra trong xã hội mới.

Thứ hai, nội dung chương trình giáo dục cũ không còn phù hợp hoàn toàn với học sinh trong thế kỷ 21, đòi hỏi sự thay đổi căn bản, toàn diện.

Thứ ba, phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay phải là phương pháp dạy học mới - phương pháp của nhà trường hiện đại với cách tổ chức dạy học bằng việc làm.

Thứ tư, xã hội phát triển quá nhanh buộc giáo dục phải thay đổi về mục tiêu đào tạo.

Thứ năm, tư duy quan điểm của phụ huynh về giáo dục trong xã hội mới.

Và thứ 6, tư duy quan điểm về giáo dục của chính bản thân giáo viên cũng là một thách thức cần vượt qua. Nhiều giáo viên có tư duy cố định, không cởi bỏ được cái cũ làm ảnh hưởng đến việc dạy học. Giáo viên cần có tư duy phát triển để đón nhận những điều mới.

Để vượt qua các thách thức trên, giáo viên cần thay đổi tư duy, quan điểm, thường xuyên tự học, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm hiện đại để đáp ứng được yêu cầu của việc dạy học trong xã hội của thế kỷ XXI.

Cô Lô Thúy Hương cho rằng: Giáo dục bằng việc làm là bí quyết của nền giáo dục hiện đại

Cô Lô Thúy Hương cho rằng: Giáo dục bằng việc làm là bí quyết của nền giáo dục hiện đại

Lan tỏa phương pháp mới

Những đúc rút nói trên là chiêm nghiệm bao năm trong nghề giáo dục của cô Lô Thúy Hương, ở cả khía cạnh giảng dạy cũng như nghiên cứu, tham gia viết sách, quản lý. Chính những kết quả nghiên cứu ấy, cùng triết lý giáo dục hiện đại đã giúp cô tổ chức việc dạy học, đào tạo và sắp xếp đội ngũ giáo viên tiểu học tại The Dewey Schools hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Thuý, giáo viên Toán cơ sở Tây Hồ Tây chia sẻ rằng, từ khi được làm việc cùng cô Hương, tư duy và phương pháp làm việc của bản thân đã thay đổi hoàn toàn.

“Ra trường, tôi vẫn dạy học theo phương pháp cũ, mọi thứ đều mông lung và chung chung. Tôi không hiểu như nào là khái niệm, như nào là phương pháp đúng cho học sinh. Tôi học được rất nhiều điều từ cô Hương, từ cách làm việc, tư duy vấn đề, hiểu được tại sao phương pháp học tập trên bản chất lại quan trọng với học sinh và với giáo viên”, cô Nguyễn Thị Thuý bày tỏ.

Hơn 4 năm ở The Dewey Schools, cô Lô Thúy Hương đã mang lại nhiều thay đổi cho ngôi trường này. Từ e dè, các giáo viên giờ đây đã thuần thục trong tổ chức dạy học bằng nghiệp vụ sư phạm hiện đại, hiểu rõ tầm quan trọng của phương pháp dạy học bằng việc làm, “đi lại con đường của các nhà khoa học đã đi”. Thay đổi tư duy, nhận thức, với cô Hương, là điều quan trọng hơn cả trong việc giáo dục một con người, dù với học sinh hay giáo viên.

“Tôi vẫn nói với các thầy cô ở The Dewey Schools là hãy thay đổi tư duy, đón nhận cái mới; hãy nhìn nhận đúng vấn đề giáo dục ngày nay; luôn học hỏi, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm hiện đại để tổ chức dạy học cho học sinh theo đúng phương pháp của nhà trường trong xã hội của thể kỉ XXI. Hãy đem đến cho học sinh một năng lượng dồi dào, một tình yêu với việc học từ chính con người của các thầy cô”, cô Lô Thúy Hương bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ