Hoạt động thiết thực – bay bổng văn chương
Cô Phạm Thị Hương Giang được nhiều đồng nghiệp và học trò trìu mến gọi là “Giang Văn”, bởi cô tốt nghiệp ĐH Sư phạm ngành Ngữ văn, có tình yêu đặc biệt với văn chương và tạo được những dấu ấn đáng kể trên hành trình lan toả tình yêu văn học tới các thế hệ học trò. Tuy nhiên, hiện nay, một trong những thực trạng đáng lo ngại trong việc dạy học văn trong các nhà trường nói chung là học sinh có thói quen sử dụng văn mẫu. Do vậy, những giá trị nhân văn, cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm văn học gần như bị lãng quên.
Là một nhà quản lý, xuất phát điểm là một giáo viên dạy Ngữ văn, cô Hiệu trưởng Hương Giang luôn trăn trở, chỉ đạo đổi mới trong quá trình giảng dạy môn học này tại nhà trường. Với cô Giang, khi cảm nhận văn học đối với học sinh là đề cao các giá trị văn hóa, những nét đẹp trong mỗi tác phẩm và trân trọng mọi sự sáng tạo.
Bởi vậy, khi xây dựng các chương trình ngoại khóa, cô Hiệu trưởng luôn hướng học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, thăm quan các khu di tích, địa điểm văn hoá… “Chúng tôi đã tổ chức những chuyến đi về quê của đại thi hào Nguyễn Du ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh, lên Hà Giang hay Đồng Tháp,... để góp phần mở rộng tầm nhìn cho học trò, hun đúc tình yêu với văn chương và nuôi dưỡng đam mê sáng tạo cho các em”, cô Giang chia sẻ.
Theo cô Giang, “văn học là nhân học” - là hơi thở cuộc sống. Văn học nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy khả năng viết và lý luận, phản biện,…. Bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng dạy học Văn đại trà, để khuyến khích phát triển cho những học sinh có năng khiếu, Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã tổ chức các cuộc thi viết để học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân, cảm nhận của mình với các chủ đề hợp lứa tuổi các em…
“Qua các cuộc thi, chúng tôi có thể hiểu học trò, nắm bắt được suy nghĩ của các em. Đặc biệt, những em có tâm sự không thể chia sẻ cùng ai, thì ngôn ngữ, sáng tác cũng là cách hay để các em có thể chia sẻ, giải bày nỗi lòng. Tất cả những cảm xúc thật của học trò chúng tôi luôn trân trọng. Đặc biệt, qua đó đánh giá được giá trị bài giảng mà mỗi giáo viên đã dày công xây dựng, truyền đạt”, cô Giang nói.
Không những vậy, những bài viết có chất lượng sẽ được nhà trường chọn đăng website có kèm ảnh tác giả, trả nhuận bút.
Từ những định hướng đó, nhiều năm qua, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã thành lập và duy trì các Câu lạc bộ Văn học, tự tổ chức biên tập và thiết kế Tạp chí văn học. Trong đó, có thể kể đến: Thế giới kẹo mút, Vũ trụ trẻ con (3 tập), Tàu lên chóp núi. Tập san văn học "Khuông nhạc Xanh" của nhà trường cũng là một sản phẩm độc đáo và thú vị kỉ niệm 5 năm thành lập THCS Nguyễn Tri Phương.
“Những bài viết tốt, được hội đồng chuyên môn nhà trường đánh giá cao, chúng tôi sẽ hỗ trợ các em gửi đến các tòa soạn báo như: Thiếu niên tiền phong, Hoa trạng nguyên, Hoa học trò, Phụ nữ thủ đô,… hay tham dự các cuộc thi viết dành cho các cây bút trẻ (UPU, Cây bút tuổi hồng, Em tập viết văn làm thơ, Mẹ trong tâm trí con, Viết về cuốn sách em yêu thích,…)”, cô Giang chia sẻ.
Những trái ngọt cho nỗ lực bền bỉ
Trái ngọt đáng tự hào khi kiên trì với phương châm, dùng cảm xúc chân thật để nhìn nhận cuộc sống cũng như những giá trị quanh mình là dấu ấn nam sinh Nguyễn Bình Nguyên – lớp 9A1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã giành được giải nhất cuộc thi cuộc thi viết thư Quốc tế UPU năm 2022. Trong bức thư đặc biệt này, là trăn trở về thực trạng biến đổi khí hậu, được viết từ góc nhìn của một học sinh lớp 9, vừa rất trong sáng, gắn với thực tế lại vừa có yếu tố lãng mạn của văn chương.
Những ngôn từ được nam sinh sử dụng, mộc mạc nhưng thể hiện được nỗi đau mà trái đất đang phải gánh chịu khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hệ quả những tác nhân từ con người gây nên.
Kể về hành trình chinh phục cuộc thi này, cô Giang cho hay: Ngay sau khi cuộc thi viết thư Quốc tế UPU được phát động, nhà trường đã sử dụng phương thức trực tuyến để phát động rộng rãi trong học sinh. Cùng đó, lên kế hoạch mời nhà báo, nhà văn giàu kinh nghiệm đến chia sẻ, gợi mở ý tưởng cho các con.
Song song đó, tích hợp với tiết chuyên đề Địa lí “Biến đổi khí hậu toàn cầu” của một cô giáo trong trường để gửi tới học sinh những thông tin cập nhật, nóng hổi về thực trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất, lí giải nguyên nhân cơ bản và những hậu quả khôn lường của vấn đề mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhân loại.
“Dù đang trong thời gian dạy học trực tuyến, nhà trường cũng rất chú trọng đến hình thức tổ chức các sự kiện. Buổi phát độngviết thư UPU đã khuấy động và kích thích được sự hứng khởi của học sinh tham gia, với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn, lôi cuốn. Ngay sau khi quay trở lại trường học trực tiếp, thầy cô tiếp tục dành thời gian theo sát, khơi gợi, xây dựng để các con có ý tưởng chắp bút được những tác phẩm ưng ý nhất”, cô Giang chia sẻ.
Để có được những thành công, khổ luyện là tất yếu. Giải tập thể xuất sắc và Giải Nhất cá nhân cuộc thi viết thư Quốc tế UPU là một trong những minh chứng và ghi nhận, là niềm tự hào của thầy và trò Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Song, đằng sau thành công đó là nỗ lực bền bỉ của các tập thể các thầy cô tâm huyết và những học trò chăm chỉ.
Với cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hương Giang, giáo dục văn hoá cho học sinh thông qua văn chương luôn là con đường đẹp, nhiều sắc màu. Khi dạy học văn tích hợp với các môn học khác trong chương trình, lồng ghép với các hoạt động ngoại khoá sẽ tạo nên sức mạnh phi thường. Sức mạnh đó, đủ bồi dưỡng nên những thế hệ học trò yêu chữ nghĩa, có lối sống nhân văn, chừng mực và tránh được những cám dỗ thiếu tích cực quanh mình.