Tường Vân sinh năm 1991, là cựu sinh viên ĐH Mở Hà Nội, sau đó Vân sang Đài Loan học Thạc sĩ 1 năm. Hiện cô gái 25 tuổi này đang làm việc cho một công ty game online của Trung Quốc ở Philippines.
“Cách đây hơn 3 tháng em có xem chương trình Supper brain của Trung Quốc. Em thấy những người tham gia chương trình đều có xuất phát điểm bình thường, và từ luyện tập mà có được trí nhớ rất siêu phàm, nên em cũng muốn thử sức mình” – Tường Vân chia sẻ về cơ duyên đến với bộ môn này.
Cô gái quê Thanh Hóa cho biết, Vân là vận động viên duy nhất chỉ mới luyện tập trong vòng 3 tháng để thi đấu với hơn 230 VĐV có kinh nghiệm ít nhất 2-3 năm tới hơn chục năm trong giải đấu này. Điều này khiến các VĐV các nước đều hết sức ngạc nhiên.
Tường Vân (trái) chụp cùng bạn tại cuộc thi. Ảnh: NVCC |
Tường Vân chụp cùng huấn luyện viên. Ảnh: NVCC "Mượn tạm" áo của đội tuyển Philippines để chụp ảnh cho tình cảm - Vân chia sẻ. Ảnh: NVCC Vân trước khi bắt đầu hạng mục thi nhớ các cỗ bài. Ảnh: NVCC |
Ban đầu khi biết đến bộ môn này, Vân cũng chưa nghĩ là mình sẽ tham gia thi đấu, tuy nhiên ngay lần đầu tiên thử áp dụng kỹ thuật nhớ vào một bộ bài 52 lá, em đã nhớ được chính xác trong vòng 2 phút, và nhớ được chính xác 1.000 chữ số trong 58 phút.
“Lúc đó, huấn luyện viên của em ngạc nhiên đến mức không tin rằng đó là sự thật. Cô nói rằng với nhiều năm thi đấu cũng như làm huấn luyện viên và đã gặp qua rất nhiều VĐV trên thế giới, hầu hết VĐV nào cũng cần ít nhất 2 đến 3 năm mới có thể đạt được thành tích như vậy, mà ngay từ lần đầu tiên thử em đã đạt được kết quả này, nên cô đề nghị em hãy đến với giải đấu thế giới đi”.
Lời đề nghị này khiến Vân suy nghĩ và lo lắng nhiều vì công việc hiện tại của Vân rất áp lực và bận rộn. Được sự động viên từ huấn luyện viên, gia đình và bạn bè, Vân đã quyết định tham gia.
“Trong 3 tháng tập luyện em chỉ gặp huấn luyện viên mấy lần, vì 2 cô trò đều rất bận. Cô cũng là người dẫn đoàn thi đấu của Philippines. Sau đó chủ yếu có thời gian thì em tự luyện. Vì ngôn ngữ khác nhau nên em phải tự lập ra cho riêng bản thân các hệ thống nhớ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, mất 1 tháng” – Vân chia sẻ.
Vân cầm cờ Việt Nam chụp chung cùng các đội tuyển nước bạn. Ảnh: NVCC |
Giải đấu được chia ra thành 4 độ tuổi: 8-12 tuổi, 12-17 tuổi, 18-60 tuổi và 60 tuổi trở lên. Mỗi độ tuổi sẽ có 3 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng theo thứ tự người về nhất, nhì, ba xếp hạng theo điểm số.
Cuộc thi có tất cả 10 hạng mục: nhớ tên và mặt, nhớ các chữ số, nhớ nhiều cỗ bài (trong 1 tiếng), nhớ các sự kiện lịch sử, nhớ nhanh 1 cỗ bài, nhớ từ ngữ… Điểm số chung cuộc sẽ là điểm tổng kết tất cả các hạng mục.
Năm nay giải đấu có 230 VĐV tham gia đến từ hơn 30 quốc gia. Tổng điểm của Vân là 2.153 điểm, vượt qua nhiều VĐV kinh nghiệm khác.
Mặc dù chưa giành được huy chương, song Vân dự định sẽ tiếp tục tham gia giải đấu của Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác trong thời gian tới để có thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn ở giải vô địch thế giới vào cuối năm sau.
Vân hiện đang làm việc cho một công ty ở Philippines. Ảnh: NVCC |
Vân tự nhận mình là người có trí nhớ rất bình thường trong cuộc sống hằng ngày, thậm chí là còn hay quên. Nhưng “sau 3 tháng luyện tập bộ môn này, em biết nhìn nhận hơn việc nào cần ghi nhớ, em sẽ tự nhắc bộ não mình cái này quan trọng, phải nhớ thì sẽ nhớ được. Bởi vì muốn nhớ được bất kì điều gì, việc đầu tiên là phải tập trung và nói với bộ não rằng mình cần nhớ việc này” – Vân chia sẻ.
“Mục đích tham gia giải đấu vô địch trí nhớ thế giới của em là để chứng minh rằng bộ não của con người có khả năng vô hạn. Trí nhớ của con người rất siêu phàm và chỉ cần thực sự tập trung, làm đúng phương pháp thì ta có thể nhớ rõ mọi thứ như chụp hình với khối lượng thông tin gần như vô cùng.
Ngoài ra, em cũng luôn ấp ủ mang huy chương về cho Việt Nam, khẳng định với các quốc gia khác rằng Việt Nam cũng rất có khả năng trở thành nhà vô địch trí nhớ thế giới”.