Cô gái khuyết tật trở thành nữ sinh khoa học công nghệ tiêu biểu

GD&TĐ - Lê Trần Kim Thảo bị bại não, cong vẹo cột sống, nhược cơ tứ chi, tỉ lệ mất sức lao động 61%. Cô là 1 trong số 20 nữ sinh được trao Bằng khen: “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn quốc”.

Thảo và ông ngoại.
Thảo và ông ngoại.

Những lần sụp đổ…

Thảo không may mắn như bạn bè. Cô gái sinh năm 2000 bị bại não, cong vẹo cột sống cổ - lưng, nhược cơ tứ chi, hạn chế vận động, tỉ lệ mất sức lao động 61%. Ngay việc đi đứng đối với em cũng rất khó khăn. Đầu liên tục lắc, giọng ngọng nghịu, sinh hoạt, học hành đều chậm hơn bạn.

Mỗi ngày ông ngoại phải vượt quãng đường hơn 30km đưa Thảo đi tập vật lý trị liệu tại trung tâm khuyết tật ở thị trấn Núi Thành suốt 6 năm ròng rã. Vượt qua mặc cảm, Thảo luôn nghĩ mình còn hạnh phúc vì có bố mẹ và ông bà thương yêu.

Năm 2 tuổi, vì cuộc sống khó khăn bố mẹ Thảo phải gửi con cho ông bà ngoại chăm để vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ông ngoại mất sức lao động 81%. Bà ngoại thì sức khỏe yếu. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào 2 sào ruộng nhưng ông bà vẫn chăm sóc cho Thảo tốt nhất có thể. Thảo trưởng thành và học tập trong tình yêu thương ấy. Cô mong sau này có việc làm để phụng dưỡng, báo đáp ông bà và để bố mẹ an lòng.

Vào lớp 1, việc viết chữ với Thảo gặp muôn vàn khó khăn. Tay cô yếu đến mức không cầm được bút. Những ngày trở trời thì tay chân co rút. Rất nhiều lần Thảo ngất tại lớp, ngã ra đường. Nhưng cô gái ấy vẫn nỗ lực đến trường mỗi ngày.

Những ánh mắt kỳ thị, lời nói trêu chọc khiến Thảo chạnh lòng. Cô mong mọi người có cái nhìn thân thiện, bao dung với người khuyết tật.

Năm Thảo lên 10 tuổi, việc viết chữ đã có nhiều tiến bộ. Giọng nói tuy còn ngọng nghịu nhưng đã có thể đọc được. Đó như món quà mà cô và ông bà đạt được sau nhiều năm cố gắng.

Nhưng đó cũng là lúc ba mẹ em quyết định ly hôn. Mẹ đưa em trai về quê, ít lâu sau lập gia đình khác. Bố ở lại thành phố Hồ Chí Minh và cũng đã lập gia đình. Điều này đã làm Thảo thêm một lần sụp đổ.

Cô gái trẻ này rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Cô gái trẻ này rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Đừng từ bỏ

Trong hoàn cảnh ấy, thành tích học tập của Thảo không thua kém các bạn. Từ lớp 1 đến 12, em luôn là học sinh khá, giỏi. Năm lớp 10, em thi đậu vào lớp chọn của Trường THPT Cao Bá Quát.

Từ nhỏ Thảo đã thích vẽ và mong muốn sau này trở thành một kiến trúc sư. Nhưng vì kinh tế khó khăn, em đành tạm gác lại ước mơ ấy. Với số điểm tổng kết toán 8,3, lý 8,3, hóa 7,6, em đã được xét tuyển vào ngành Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quảng Nam. Thảo mong muốn sau này có thể vận dụng kiến thức công nghệ thông tin để theo đuổi ngành đồ họa. Từ đó, thỏa đam mê vẽ của mình cũng như có thể mở một lớp tin học miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ông bà ngày một già yếu mà chi phí học hành tốn kém. Thảo đặt ra mục tiêu học tập và đạt được các suất học bổng như Tiếp sức đến trường; Thắp sáng tương lai; Chắp cánh những ước mơ;…

Trong quá trình học, Thảo luôn nằm trong top 3 của lớp, xếp loại giỏi, xuất sắc trong các kỳ học. Thảo còn tích cực tham gia các hội thi do nhà trường tổ chức cũng như các hội thảo khoa học về lĩnh vực công nghệ thông tin. Em đã tự tham gia nhiều khóa học online về công nghệ thông tin từ cơ bản đến chuyên sâu. Tham gia các cuộc thi lập trình online do FPT tổ chức để cọ sát, thử thách bản thân và dành được nhiều thành tích nổi bật.

Năm 2020 tại Đại hội Tài năng trẻ toàn quốc lần thứ 3 diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Thảo là 1 trong số 20 nữ sinh được trao Bằng khen: “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn quốc”.

Bên cạnh đó, em cũng đã vinh dự nhận giải thưởng “Qũy ươm mầm tài năng đất Quảng 2021” và học bổng HESSEN của Bộ Khoa học và Nghệ thuật, Cộng Hòa Liên Bang Đức. Hiện, Thảo đang là thực tập sinh của công ty FPT Software chi nhánh thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Dẫu không được khỏe mạnh như người bình thường khác nhưng Thảo vẫn muốn góp một phần nhỏ bé của mình để cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô đã tham gia các hoạt động cộng đồng như kêu gọi ủng hộ mua quà trung thu cho trẻ em mồ côi khuyết tật, dọn rác ở biển, kêu gọi phòng chống Covid-19,….

Nữ sinh này truyền đi thông điệp tới những người khuyết tật: “Dẫu không được may mắn lành lặn như mọi người nhưng cuộc sống không bao giờ lấy đi tất cả. Em tin rằng chỉ cần mọi người đừng từ bỏ, phải luôn cố gắng để vượt qua chính mình sẽ trở thành những người có ích cho xã hội. Và chỉ có như thế, cuộc sống mới hạnh phúc, tươi đẹp hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.