Cổ đông lớn nhất của ngân hàng SCB là ai?

GD&TĐ - Tại họp báo chiều 8/10,  Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn đã nhận được câu hỏi 'Cổ đông lớn nhất của ngân hàng SCB là ai?'.

Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành SCB trả lời tại họp báo chiều 8/10. Ảnh: T.N.
Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành SCB trả lời tại họp báo chiều 8/10. Ảnh: T.N.

Chiều ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo để thông tin về những vấn đề liên quan đến hoạt động tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) cho biết đơn vị này đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB. Bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB.

Một số câu hỏi đã được đặt ra tại họp báo như: Cổ đông lớn nhất của SCB là ai? SCB có phương án và kiến nghị NHNN trước tình trạng người dân đến Chi nhánh SCB rút tiền?

Trả lời, ông Hoàn cho biết, tính đến 30/9, SCB có 4.132 cổ đông. Trong đó, cổ đông nước ngoài là 7 cổ đông (sở hữu 27,91% vốn điều lệ). Cổ đông trong nước 4.125 cổ đông gồm 11 cổ đông tổ chức (sở hữu 15,70% vốn điều lệ) và 4.114 cổ đông cá nhân (sở hữu 56,11% vốn điều lệ).

Về các phương án, ông Hoàn cho biết, SCB đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân và tăng cường tiền gửi tại NHNN để đảm bảo thanh toán liên ngân hàng.

Do lượng khách hàng đến đông, nhiều khách hàng rút số tiền lớn không báo trước nên SCB đã tăng cường nhân sự để phân luồng khách hàng, sắp xếp trật tự.

Dù vậy, theo ông Hoàn, do lượng khách hàng đến giao dịch lớn, SCB đã đề nghị với các điểm đơn vị có khách đông, đề nghị với chính quyền địa phương hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Về phía NHNN, đơn vị này cũng hỗ trợ sát sao với SCB. Mọi diễn biến và số liệu liên quan đến SCB thì phía NHNN nắm sát. SCB báo cáo thường xuyên liên tục để đảm bảo hoạt động liên tục của đơn vị.

“Chúng tôi khẳng định đã kiểm soát tình hình, thanh khoản của ngân hàng vẫn giữ ổn định, Ngân hàng đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền theo đúng quy định pháp luật”, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành SCB thông tin

Trước tình trạng, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, khách hàng băn khoăn về việc có nên rút tiền gửi tại SCB, ông Võ Minh Tuấn đề nghị người dân không nên hoang mang để dẫn đến câu chuyện rút trước hạn tiền gửi làm ảnh hưởng đến quyền lợi về tài sản cá nhân.

Ông Tuấn lý giải vì khi rút trước sẽ nhận lãi suất không kỳ hạn dưới 1%, trong khi gửi có kỳ hạn có thể đạt lãi suất từ 7-8%/năm. Do đó nếu hoang mang rút tiền từ những thông tin tiêu cực không chính thống hoặc lo lắng vì thấy người khác xếp hàng, thì hãy cân nhắc để bảo vệ lợi ích bản thân người gửi tiền.

Trong khi đó, trước thông tin các ngân hàng khác tung ra chương trình huy động vốn lãi suất cao, làm cả cuối tuần để tiếp nhận tiền gửi, ưu đãi cho người gửi tiền, ông Tuấn cho biết NHNN đã có chỉ đạo cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường, không cạnh tranh thiếu bình đẳng. Nếu các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh thì NHNN sẽ có cảnh báo, nhắc nhở.

Trước câu hỏi về việc quyền lợi của người mua trái phiếu có được đảm bảo như khách hàng gửi tiền tại SCB, ông Tuấn thông tin, khi phát hành trái phiếu thì người nhận tiền gửi là những công ty phát hành và các công ty đó có nghĩa vụ trả lãi theo đúng ngày cam kết.

“Mua trái phiếu khác với gửi tiền tiết kiệm. Khi gửi tiền gửi, ngân hàng là nơi huy động tiền trong dân để kinh doanh tiền tệ theo giấy phép được cấp của NHNN Việt Nam. Tiền gửi của người dân là tài sản cá nhân và được đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp”, ông Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ