Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ngày 31/8/2022, Thanh tra UBCKNN đã ban hành Quyết định số 249/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Cụ thể, SCB bị phạt 85 triệu đồng vì không báo cáo UBCKNN các tài liệu bao gồm Báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2021, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, năm 2021, 6 tháng đầu năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, SCB cũng báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật các tài liệu: BCTC riêng và hợp nhất quý III, IV năm 2020; BCTC riêng và hợp nhất bán niên soát xét năm 2020, 2021; Báo cáo thường niên năm 2020; BCTC riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán; BCTC riêng và hợp nhất quý I, III, IV năm 2021; BCTC riêng và hợp nhất quý I, II năm 2022.
“Ghế nóng”
Ngân hàng SCB vừa bị UBCKNN xử phạt. |
Trong 2 năm qua, SCB chứng kiến sự biến động rất lớn ở vị trí Tổng Giám đốc. Theo đó, từ tháng 7/2020, ông Võ Tấn Hoàng Văn, người đã giữ chức Tổng Giám đốc của SCB trong 7 năm đã từ nhiệm. Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn được đưa lên làm quyền Tổng Giám đốc.
3 tháng sau, một người nước ngoài là ông Jeremy Chen được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc SCB. Ngân hàng này truyền thông rằng, việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh SCB đang triển khai quyết liệt “Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2030” với sự tư vấn chiến lược của McKinsey & Company.
Ông Jeremy Chen được kỳ vọng là sẽ dẫn dắt SCB thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi và đưa SCB vào tốp các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chỉ 7 tháng ngồi “ghế nóng”, ông Jeremy Chen đã rời vị trí này và được thay thế bởi ông Trương Khánh Hoàng, bổ nhiệm từ ngày 15/5/2021. Sau hơn 1 năm, ngày 12/8/2022, SCB đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ quyền Tổng Giám đốc của ông Trương Khánh Hoàng, đồng thời bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách.
Mặc dù vậy, vào năm 2021, SCB đã “kịp” chào bán thành công 478,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự bất ổn ở vị trí người điều hành cao nhất không khỏi khiến cho thị trường đặt dấu hỏi: Liệu SCB có đang gặp vấn đề mâu thuẫn nội bộ hay không? Và như vậy, liệu ngân hàng có tiềm ẩn nguy cơ trong quản trị vận hành, dẫn đến mất an toàn cho các khoản tiền gửi huy động từ khách hàng hay không?
Rủi ro tiềm ẩn
Theo BCTC hợp nhất năm 2021 (SCB chưa có báo cáo kiểm toán), ngân hàng báo cáo lãi sau thuế là 1.140 tỷ đồng – tăng 16 lần so với năm 2020. Kết quả này đến từ sự tăng vọt của thu nhập từ lãi thuần. Khoản này tăng 160% so với năm trước, đạt 9.083 tỷ đồng. Đồng thời lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 242% lên 1.675 tỷ đồng.
Tuy kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng tài sản của ngân hàng này vẫn luôn gây chú ý tại khoản “Tài sản có khác”. Tính đến thời điểm 31/12/2021, SCB có tổng tài sản 703.155 tỷ đồng trong đó cho vay khách hàng 353 tỷ đồng và tài sản có khác là 216 tỷ đồng – chiếm 31% tổng tài sản của ngân hàng, bao gồm 86 tỷ đồng phải thu, 99 tỷ đồng lãi và phí phải thu (tức các khoản lãi từ cho vay nhưng chưa thu về trên thực tế).
“Tài sản có khác” cũng chứa khoản mục nhỏ 33,5 tỷ mang tên “tài sản có khác”.
6 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo tự lập, SCB ghi nhận tổng tài sản tăng 8% so với đầu năm, đạt 761.177 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 384.274 tỷ đồng – tăng gần 9%. Tài sản có khác là 228 tỷ đồng – chiếm tới 30% tổng tài sản của ngân hàng. Khoản này bao gồm 81 tỷ phải thu, 115 tỷ lãi và phí phải thu – thậm chí còn tăng mạnh so với báo cáo 2021.
Trong nhiều năm nay, khi SCB bị xếp vào nhóm ngân hàng tái cơ cấu, vấn đề vẫn được cảnh báo nhiều lần là việc lãi dự thu rất cao, trong khi khoản này đến từ một số khoản cho vay các dự án dở dang đang trong quá trình thực hiện chưa hoàn thành.
Rất có thể “dự thu” mãi chỉ là “dự”, ngân hàng không thể thu được lãi vay trong khi vẫn phải trả tiền lãi cho người gửi tiền, và ngân hàng phải xoay xở bằng cách lấy tiền gửi từ người mới để trả lãi cho người gửi cũ. Nhưng điều này liệu có thể diễn ra mãi mãi?
Trong báo cáo của CTCK Yuanta hồi đầu năm nay, các chuyên gia đã chỉ ra một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao. Điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời, nó cũng làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này.